Thành phố Kon Tum: “Lối đi” nào cho dược liệu?
Theo đánh giá của Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum, mặc dù đã có sự quan tâm rất lớn từ cấp ủy đảng, chính quyền, nhưng việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn còn rất nhiều khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân.
Tháng 3/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XV) ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum, thì ngay trong tháng 4/2018, Ban Thường vụ Thành ủy Kon Tum đã có Chương trình số 71 - Ctr/TU thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, trên địa bàn thành phố Kon Tum. HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 20/12/2018 về Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cây dược liệu gắn với dồn đổi, tích tụ đất đai trên địa bàn thành phố Kon Tum giai đoạn 2018-2020 định hướng đến năm 2025.
Tháng 1/2019, UBND thành phố Kon Tum ban hành Quyết định số 122/QĐ-UBND về Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cây dược liệu gắn với dồn đổi, tích tụ đất đai trên địa bàn thành phố Kon Tum giai đoạn 2018-2020 định hướng đến năm 2025 và xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án.
Như vậy có thể nói, về chủ trương, chính sách, cấp ủy, chính quyền thành phố Kon Tum đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo xây dựng kịp thời, từ đó tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai phát triển dược liệu, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo bền vững cho bà con nông dân.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Kinh tế (Báo cáo số 440/BC-PKT ngày 8/9), mặc dù đã có sự quan tâm rất lớn từ cấp ủy đảng, chính quyền, nhưng việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn chưa đạt kết quả như mong muốn, bởi còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc và hạn chế.
|
Trước hết, quá trình canh tác cây dược liệu đòi hỏi tuân thủ quy trình, kỹ thuật canh tác khắt khe, nếu muốn đạt năng suất, sản lượng trong khi vẫn đảm bảo hàm lượng hoạt chất. Yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được đặt lên hàng đầu. Người trồng dược liệu phải đảm bảo các quy trình canh tác tổng hợp, quy trình phòng trừ sâu bệnh hại theo tiêu chuẩn- ông Phan Thanh Nam, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố cho hay.
Mặt khác, đầu tư cho cây dược liệu yêu cầu về vốn đầu tư ban đầu cao, thị trường đầu ra chưa ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái nên người dân chưa yên tâm phát triển sản xuất.
Trong khi đó, việc sản xuất lâu nay chỉ mang tính nhỏ lẻ, manh mún; thành phố chưa hình thành vùng sản xuất dược liệu tập trung áp dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả cho người sản xuất… Thực tế trên ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn thành phố
Vì những khó khăn, hạn chế trên, đến nay, “thành viên gia đình” dược liệu trên địa bàn thành phố Kon Tum còn khá ít ỏi, gồm nghệ, đinh lăng và sa nhân tím.
Số liệu thống kê mới nhất của Phòng Kinh tế cho thấy, tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn thành phố Kon Tum là 55ha, trong đó nghệ chiếm chủ yếu, với 40ha, còn lại là sa nhân tím (10ha) và đinh lăng (5ha). Ngoài ra, một doanh nghiệp đang triển khai trồng thử nghiệm một số loại dược liệu khác, như ngũ vị tử, sâm dây, ba kích... tại xã Hòa Bình với diện tích 0,5ha.
Điều đáng nói là, ngoài 10ha sa nhân tím do Dự án KWF10 hỗ trợ người dân thôn 2 xã Hòa Bình trồng thử nghiệm dưới tán rừng (2 triệu/ha), thì 2 loại cây dược liệu còn lại là nghệ và đinh lăng, do người dân trồng tự phát, diện tích nhỏ lẻ, bán cho tư thương với giá cả bấp bênh; chưa xây dựng được chuỗi liên kết nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư phát triển.
Thực tế trên cho thấy, việc tìm lối đi cho dược liệu ở thành phố Kon Tum đang là vấn đề làm nhiều người quan tâm đến lĩnh vực này trăn trở.
Một lãnh đạo xã (đề nghị giấu tên) cho hay, muốn đẩy mạnh phát triển cây dược liệu trên địa bàn cần “2 mũi giáp công”, tức là có sự phối hợp đồng bộ giữa công tác tuyên truyền về chủ trương phát triển và chế biến dược liệu, vừa đầu tư lập quy hoạch vùng dược liệu, phát triển hạ tầng kỹ thuật để thu hút doanh nghiệp.
Từ thực tế của xã cho thấy, nếu người dân chưa thông thì khó triển khai, nhưng khi người dân thông rồi mà hạ tầng kỹ thuật, như đường, hệ thống thủy lợi, điện… còn nghèo nàn cũng không ổn. Bên cạnh đó, người dân còn thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trồng dược liệu, muốn kinh tế dược liệu khởi sắc, thành phố cần tích cực huy động, thu hút nhà đầu tư- vị lãnh đạo xã nhìn nhận.
Theo Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ dân, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư phát triển dược liệu cần được xác định là một trong những giải pháp quan trọng hiện nay.
Đồng thời thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu. Bố trí kinh phí để thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ về dược liệu. Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong phát triển dược liệu, nhất là chú trọng các khâu chọn tạo giống, kỹ thuật canh tác, chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, gắn với chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo phát triển bền vững.
Hồng Lam