Chuyển đổi kép xanh và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch là yêu cầu tất yếu đối với các tỉnh Tây Nguyên trong xu thế hội nhập
Chiến lược tăng trưởng xanh là chiến lược tổng thể các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng tích cực sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo vốn tự nhiên, công cụ quản lý, từ đó góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Do đó, việc đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, hài hòa và bền vững dựa trên nền tảng chuyển đổi số là cần thiết, phù hợp theo xu thế phát triển của thời đại.
Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050, dựa trên nền tảng công nghệ cao, ít phát thải, chú trọng sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” Các tỉnh Tây Nguyên căn cứ vào điều kiện thực tế cũng đã ban hành Nghị quyết triển khai chiến lược tăng trưởng xanh và chương trình chuyển đổi số phù hợp với yêu cầu thực tế của địa phương.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh Tây Nguyên cũng đã xác định, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững là mục tiêu chiến để phát triển nhanh và bền vững; đưa ra giải pháp để triển khai theo thứ tự ưu tiên cao, trung bình, thấp, vốn đầu tư dự kiến và các đơn vị đầu mối để thực hiện, tập trung vào các giải pháp về quy hoạch để tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển toàn diện; cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng cường hợp tác công tư, chú trọng các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước, quốc tế và theo hướng xanh, phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ cao; kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất sạch và tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, giảm thiểu lượng khí thải; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và du lịch; đẩy mạnh du lịch theo hướng chất lượng, xanh và bền vững; phát huy tiềm năng, lợi thế về danh lam thắng cảnh, điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.
|
Đặc biệt Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến. Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số. Hệ thống thiết chế văn hóa được nâng cấp. Giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Hệ sinh thái rừng, nhất là rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học được bảo tồn và phát triển; an ninh nguồn nước được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh khu vực biên giới được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, duy trì ổn định. Tổ chức đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường.
Vùng Tây Nguyên có 5 tỉnh, xếp thứ tự từ bắc vào nam gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng; phía bắc và phía đông giáp 6 tỉnh duyên hải miền Trung từ Quảng Nam đến Bình Thuận; phía nam giáp các tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận; phía tây giáp tỉnh Bình Phước và hai nước bạn Lào, Campuchia; với diện tích tự nhiên là 54.548 km2, chiếm 1/6 diện tích tự nhiên của cả nước; với khí hậu, thổ nhưỡng và nhiều tài nguyên, khoáng sản quý hiếm mà không nơi nào có được; đặc biệt là khoảng 01 triệu ha đất đỏ bazan màu mỡ, hơn 3 triệu ha rừng, chiếm 35,7% diện tích rừng cả nước, và khoảng 10 tỉ tấn trữ lượng bôxit, chiếm 90% trữ lượng bôxit cả nước.
Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường…
Nhằm thực hiệm Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Chương trình chuyển đổi số quốc gia, trong thời gian qua các tỉnh Tây Nguyên đã tập trung đồng bộ chuyển đổi kép xanh và chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội trong quá trình phát triển, đảm bảo an ninh quốc phòng, trong đó 2 lĩnh vực có lợi thế so sánh, đó là nông nghiệp và du lịch:
|
Đối với ngành nông nghiệp, Tây Nguyên đã xây dựng kế hoạch phát triển các mô hình canh tác theo hướng cảnh quan bền vững nhằm giảm thiểu ảnh hưởng sản xuất tới môi trường, gồm: Trồng cây che bóng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học trong quản lý dịch hại, hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tái sinh. Tây Nguyên đứng đầu cả nước về sản lượng cà phê, hồ tiêu, bơ, chanh leo. So về sản lượng với cả nước, cà phê Tây Nguyên chiếm 94,8%; cao su chiếm 22,1%, hồ tiêu chiếm 68,6%. Một số cây ăn quả tăng nhanh, sầu riêng chiếm tới 43,1% diện tích và 36,3% sản lượng; bơ chiếm tới 78,1% diện tích và 81,9% sản lượng. Cùng với đó, Tây Nguyên là vùng sản xuất chanh leo lớn nhất cả nước, chiếm trên 70% diện tích.
Tây Nguyên là một trong những vùng kinh tế có nhiều sản phẩm du lịch hơn một số địa phương khác, điều này đã tạo nên tính khác biệt của du lịch Tây Nguyên: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch hội nghị hội thảo, du lịch tâm linh; du lịch văn hoá, du lịch khoa học, du lịch giáo dục, du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao, du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch canh nông, du lịch cắm trại… Trên địa bàn tỉnh Tây Nguyên có hàng chục điểm du lịch canh nông luôn đầu tư và chuyển dịch làm mới sản phẩm theo hướng tích cực, nhiều điểm du lịch canh nông ở Tây Nguyên đạt tiêu chuẩn quốc tế. Loại hình du lịch này được xây dựng trên nền tảng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm tích hợp khai thác giá trị cao nhất nông nghiệp và du lịch theo xu hướng phát triển toàn cầu.
Chuyển đổi số đã và đang ứng dụng rộng rãi trong ngành nông nghiệp để thực hiện nông nghiệp thông minh; triển khai cổng thông tin du lịch và các ứng dụng cung cấp tiện ích để khách du lịch đăng ký lưu trú, liên hệ với các cơ quan chức năng và hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh; Sử dụng công nghệ và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào để tăng năng suất và giá trị sản xuất kinh doanh; ứng dụng công nghệ cảm biến tự động trong trồng trọt; ứng dụng các công nghệ thông minh trong chăn nuôi; ứng dụng thiết bị không người lái trong kiểm tra giám sát biến động tài nguyên rừng; Hạ tầng xã hội số phát triển nhanh, đảm bảo nhu cầu của nhân dân. Hầu hết các xã, phường, thị trấn có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ, được phủ sóng mạng băng rộng cáp quang, mạng di động 3G, 4G (độ phủ đạt 90% khu dân cư); đã triển khai thí điểm phát sóng 5G trên địa bàn một số tỉnh…
Vùng Tây Nguyên có những lợi thế phát triển nông nghiệp và du lịch xanh
1/Tài nguyên rừng phong phú: Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2022, tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên hơn 2,57 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước; tỷ lệ che phủ rừng toàn vùng đạt 45,94%. Rừng tự nhiên ở Tây Nguyên phân bố chủ yếu ở các vùng đồi núi, nơi đây cũng là vùng sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, có tập quán sinh kế, văn hóa xã hội truyền thống gắn liền với rừng. Tài nguyên rừng và đất rừng ở đây không những là nguồn lực sinh kế đặc biệt của người dân Tây Nguyên mà còn có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái, ổn định xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước; Rừng Tây Nguyên giàu về trữ lượng, đa dạng về chủng loại,trữ lượng rừng gỗ chiếm tới 35% tổng trữ lượng rừng gỗ của cả nước.
Toàn Vùng có 19 các cao nguyên quan trọng. Khu vực Tây Nguyên hiện có 06 Vườn Quốc gia, 09 khu bảo tồn và 02 Khu DTSQTG (Khu DTSQTG Langbiang và Kon Hà Nừng) trong tổng số 88 Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn và sinh cảnh cùng khu bảo vệ cảnh quan, chiếm gần 1/4 hệ đa dạng về sinh thái - sinh học của cả nước;
|
2/Thế mạnh sản xuất nông nghiệp xanh: Tây Nguyên có điều kiện sản xuất nông nghiệp hàng hoá, đặc biệt nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp tái sinh. Nhờ tài nguyên đất đai vô cùng quý giá để phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực với những nét đặc thù riêng mà ít vùng kinh tế nào có được đó là: phát triển lâm nghiệp; cây công nghiệp dài ngày, rau, hoa, quả ôn và nhiệt đới; cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc và nuôi cá nước lạnh;
Vùng này trồng nhiều cà phê, cao su, tiêu, điều, và cây lâu năm chiếm 79%. Cây ngắn ngày như ngô, mía, đậu tương có diện tích lớn. Cao nguyên Lâm Viên - Lâm Đồng còn là nơi lý tưởng để sản xuất các loại rau, hoa quả ôn đới như khoai tây, hoa ly, cải bắp, địa lan, hồ điệp, dâu tây, v.v. Đây là những loại cây trồng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng diện tích gieo trồng và tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của cả vùng và trong tổng diện tích các loại cây cùng loại của cả nước;
Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung một số sản phẩm chủ lực, là vùng chuyên canh lớn cây công nghiệp, cây ăn quả, góp phần quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước. Tây Nguyên có những sản phẩm chủ lực của quốc gia, có nhu cầu thị trường cao, đạt giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD mỗi năm như cà phê, cao su, hạt tiêu, rau quả, sầu riêng, bơ, hoa và chăn nuôi đại gia súc… góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Thông qua nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có địa phương (Lâm Đồng) thu nhập bình quân đất nông nghiệp 10.000 USD/ha, nhiều diện tích canh tác/ nuôi trồng đạt doanh thu 200.000 USD/ha, ngang tầm một số quốc gia trong khu vực và thế giới.
3/ Tây Nguyên có đa dạng dân tộc nhất cả nước: Tây Nguyên được biết đến như là một vùng đất huyền thoại, là nơi cùng sinh sống của trên 6,2 triệu người thuộc tất cả 54/54 dân tộc anh em cả nước, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, là vùng kinh tế đa thành phần dân tộc nhất cả nước, với gần 2,2 triệu người, chiếm hơn 37,5% dân số toàn vùng; dân tộc gốc Tây Nguyên được tích luỹ bản sắc văn hoá lâu đời, đông nhất là đồng bào Ê đê, Mnông, Giarai, Bana, K’Ho… góp phần tạo bản sắc văn hoá độc đáo, riêng có;
4/ Tây Nguyên cũng là vùng đất hứa nhiều tiềm năng khai thác các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm hệ sinh thái rừng, du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, du lịch canh nông, du lịch khám phá tìm hiểu văn hóa Tây Nguyên;
|
5/ Nhiều di sản văn hoá cấp quốc gia đặc biệt và nhiều di sản văn hoá, thiên nhiên được UNESCO công nhận như: Không gian Văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên; Festival hoa Đà Lạt; Mộc bản triều Nguyễn; Di sản thiên nhiên Khu DTSQTG Langbiang; Khu di tích Cát Tiên; Đà Lạt thành phố sáng tạo toàn cầu UNESCO lĩnh vực âm nhạc; Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông; Khu Dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng; Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột; Festival sâm Ngọc Linh Kon Tum – Việt Nam ...;
6/ Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp thông minh được triển khai nhiều địa phương, nhiều địa phương tiếp cận chuyển đổi số trong du lịch đã góp phần tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và du khách, các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả đề án đăng ký khách qua mạng internet. Điển hình Du lịch Đà Lạt chính thức được đưa vào hoạt động tại cổng thông tin (Dalat.vn) và ứng dụng “Du lịch thông minh” trên các thiết bị di động với tên gọi “Đà Lạt Flower City” và ứng dụng “Đà Lạt trực tuyến” với sự cập nhật thường xuyên, liên tục, đây là kênh thông tin đáng tin cậy và có độ chính xác cao để quảng bá về Đà Lạt, góp phần xây dựng du lịch chất lượng cao, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế bền vững.
Đề án Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025 đã đạt “Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2021” có tên miền https://dalat.vn. Thương hiệu Đà Lạt ngày càng được yêu thích trên toàn cầu như: Đà Lạt là thành phố bền vững về môi trường; Đà Lạt là vào Top ba điểm ngắm hoa đẹp nhất trên thế giới, Đà Lạt là một trong hai địa danh của Việt Nam nằm trong Top ''kho báu châu Á''. Ngành Du lịch tỉnh Lâm Đồng đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2023 ở Hạng mục 3 - Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc với Ứng dụng Công nghệ Thông tin trong công tác Quản lý lưu trú do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tặng.
Những hạn chế cơ bản chuyển đổi xanh và chuyển đổi số ảnh hưởng đến sự phát triển nông nghiệp và du lịch ở Tây Nguyên trong xu thế hội nhập
1/Quy mô dân số năm 2023 vào khoảng 6.215.000 người; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tỷ lệ nghèo đa chiều trung bình 14,07%. Giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao; khoảng cách giàu - nghèo giữa các nhóm dân tộc chậm được thu hẹp; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp. Tình trạng di dân tự do vào Tây Nguyên ngày càng phức tạp; đất sản xuất, đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số chậm được giải quyết. Công tác xử lý đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường còn nhiều bất cập;
2/ Ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp và du lịch chưa được đồng đều giữa các địa phương trong vùng, do đó chưa khai thác lợi thế so sánh tòn vùng.Hạ tầng số còn gặp nhiều khó khăn do quy mô diện tích rộng ( có 3 tỉnh nằm trong tốp 10 tỉnh diện tích rộng cả nước), mật độ dân số đứng thứ hai sau Tây Bắc; mật độ dân số năm 2023 toàn vùng là 111 người/km2, do đó đầu tư hạ tầng chuyển đổi số với chi phí nguồn lực lớn; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không đều các tỉnh trong vùng, chỉ có Lâm Đồng phát triển vượt trội;
3/ Tỷ lệ che phủ rừng giảm mạnh và không đạt mục tiêu đề ra; rừng tự nhiên suy giảm về cả diện tích và chất lượng. Nguồn nước có nguy cơ cạn kiệt, tình trạng khô hạn diễn biến thất thường. Nhiều di sản văn hóa dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển văn hoá và kinh tế trong quá trình phát triển bền vững;
4/ Hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, do đó chi phí vận chuyển cao hơn các vùng khác; mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, nhất là hạ tầng chiến lược (giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng số) chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, vấn đề tôn giáo, dân tộc, tình hình khiếu kiện, tranh chấp đất đai vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp;
5/ Ngành du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt sự chênh lệch nhau quá lớn giữa các tỉnh trong vùng, điển hình năm 2023 số lượt du khách đến các tỉnh Tây Nguyên: Lâm Đồng: 8,650 triệu; Kon Tum: 711 ngàn; Gia Lai: 1,150 triệu; Đắc Lắc: 1.160 triệu; Đắk Nông: 679 ngàn (chênh lệch nhau số lượt khách giữa tỉnh cao nhất và thấp nhất là 12,8 lần) nếu du lịch chưa phát triển mạnh thì cũng đồng nghĩa công nghiệp văn hoá chưa mạnh, do đó chưa tạo đột phá khai thác tiềm năng lợi thế công nghiệp văn hoá vùng Tây Nguyên;
Những giải pháp cơ bản chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đối với nông nghiệp và du lịch trong xu thế hội nhập
|
Đối với lĩnh vực nông nghiệp
Hiện nay trên thế giới có khoảng 8 tỷ người, thì từ năm 2018 về trước có khoảng 10% dân số thiếu đói, mất an ninh lương thực nhưng sau 2019, 2021 do đại dịch toàn cầu Covid-19 dân số không đảm bảo an ninh lương thực tăng lên 12% tương ứng với khoảng 1,1 tỷ người; trong đó có khoảng 50% dân số đảm bảo an ninh lương thực và thực hiện vấn đề về nông sản phổ biến, nhưng đồng thời có 38% nhu cầu lương thực hữu cơ an toàn thực phẩm, nông nghiệp hữu cơ trên thế giới chiếm tỷ lệ 1% nhưng nhu cầu khoảng 11%; do đó việc tổ chức canh tác hữu cơ là xu hướng tất yếu; hiện nay tình hình giá thực phẩm biến động cao kỷ lục trên toàn cầu, đặc biệt ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi giá thực phẩm biến động từ 60 -140%; như vậy xu hướng nhiều nước trên thế giới tập trung vào nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp tái sinh là mục tiêu nông nghiệp trong tương lai.
Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, trong thời gian tới các tỉnh Tây Nguyên cần tiếp tục thực hiện đồng bộ chuyển đổi kép xanh và chuyển đổi số các giải pháp cơ bản sau đây:
Quán triệt Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 Tây Nguyên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp;
Tăng cường công tác tập huấn cho các thành phần kinh tế thấy được giá trị và ý nghĩa chuyển đổi kép xanh và chuyển đổi số, đây là xu hướng tất yếu của thời đại để từng bước chủ động ứng dụng trong quá trình tổ chức sản xuất;
Các lĩnh vực công nghệ cao ứng dụng như: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ xử lý môi trường, bảo vệ tài nguyên nước, giải pháp thuỷ canh, khí canh, ứng dụng công nghệ canh tác nhà kính… đồng thời phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, thông minh, nông nghiệp tái sinh...
Đẩy mạnh công tác tạo lập dữ liệu, số hóa, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu hướng đến đồng bộ các công cụ quản lý về đất đai nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; Ứng dụng vào quản lý, giám sát tài nguyên rừng; quản lý hồ đập, phòng chống và cảnh báo thiên tai;
Chọn lựa, ứng dụng phù hợp các loại công nghệ mới hiệu quả, thân thiện với môi trường, phát triển sản xuất hữu cơ, nông nghiệp tái sinh, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; nâng cao trình độ cơ giới hóa, tự động hóa từ sản xuất đến thu hoạch bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị. Chuyển dần diện tích nhà kính ở vùng nội ô Đà Lạt theo lộ trình và có giải pháp canh tác phù hợp, hiệu quả cao; quản lý chặt chẽ việc san gạt đất sản xuất nông nghiệp làm mất cảnh quan môi trường;
Thúc đẩy nghiên cứu chuyển giao tiến bộ và ứng dụng khoa học công nghệ trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên nhập nội, chọn tạo các các giống mới (đặc biệt là giống rau, hoa, cây công nghiệp, dược liệu và thủy sản), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp;
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp, giải pháp phòng chống phá rừng, suy thoái chất lượng rừng; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của rừng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh công tác phát triển rừng bền vững, đầu tư trồng các loại cây lâm nghiệp, cây đa mục đích phù hợp với điều kiện từng vùng; có giải pháp đồng bộ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu;
Phát triển các nền tảng số phục vụ nhu cầu người nông dân; xây dựng và nhân rộng mô hình nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ số; quản lý chuỗi cung ứng nông sản theo ứng dụng IoT, blockchai, bigdata…; hệ thống quản lý nông sản từ quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tạo sự minh bạch thông tin, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đối với ngành du lịch
Năm 2023, chủ đề của Ngày Du lịch thế giới là “Du lịch và đầu tư xanh”. Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Dự báo tổng lượng khách du lịch quốc tế toàn cầu năm 2025 đạt gần 1,7 tỷ lượt. Tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt khoảng 2,1 nghìn tỷ USD; du lịch tạo ra 1/10 việc làm trên toàn cầu. Do đó, du lịch luôn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới. Riêng năm 2023 doanh thu du lịch nông nghiệp là 110 tỷ đô la, dự báo 2026 dự kiến đạt 163 tỷ USD, đây là định hướng đúng của Tây Nguyên. Hiện nay, Lâm Đồng có 3 điểm du lịch canh nông đạt chuẩn quốc tế, đặc biệt có những khu du lịch canh nông chỉ 5ha một năm đón 3 triệu du khách đạt được 5 triệu USD.
Để tiếp tục phát triển du lịch xanh, bền vững trong thời gian tới các tỉnh Tây Nguyên cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau đây:
Quán triệt Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 Tây Nguyên, trong đó có lĩnh vực du lịch;
Tăng cường công tác tập huấn cho các thành phần kinh tế thấy được giá trị và ý nghĩa chuyển đổi kép xanh và chuyển đổi số, từ đó nâng cao nhận thức của cơ sở dịch vụ du lịch;
Tập trung hoàn thành và triển khai các đề án trọng tâm về du lịch: Đề án cơ cấu lại ngành du lịch các tỉnh Tây Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng đô thị thông minh các tỉnh trong vùng; Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại các đô thị trong vùng. Quy hoạch và mở rộng không gian du lịch, định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo từng cụm du lịch;
Song song phát triển các sản phẩm du lịch truyền thống như sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, tham quan văn hóa bản địa, tâm linh và canh nông…; trong thời gian tới sẽ thu hút tổ chức các sự kiện thể thao lớn như các giải chạy Trail, Marathon, leo núi, dù lượn…để phát triển sản phẩm du lịch kết hợp với thể thao; tổ chức các sự kiện như Lễ hội Hoa, Lễ hội âm nhạc, Tuần Lễ vàng du lịch, khai thác công nghiệp văn hoá; trước mắt các tỉnh Tây Nguyên tổ chức nhiều hoạt động văn hoá du lịch festival hoa và festival sâm Việt Nam nhằm thu hút du khách đến Tây Nguyên;
Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp với giáo dục môi trường tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ…; Rà soát hệ thống hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điên có điều kiện thu hút các dự án du lịch khai thác lòng hồ mặt nước để phát triển du lịch xanh, bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thu hút các dự án du lịch có quy mô lớn, sản phẩm mới lạ tầm cỡ quốc gia và đẳng cấp quốc tế tạo ra các sản phẩm mới mà Tây Nguyên có lợi thế so sánh.
Xác định tiềm năng lợi thế so sánh, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ; sự vào cuộc trách nhiệm và linh hoạt của hệ thống chính trị của các tỉnh Tây Nguyên; sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp cùng với tinh thần lao động sáng tạo của người dân Vùng Tây Nguyên tiến hành đồng bộ chuyển đổi kép xanh và chuyển đối số, hy vọng ngành nông nghiệp và ngành du lịch Tây Nguyên tạo chuyển biến mới, có tính đột phá trong quá trình hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.
TS. Phạm S - P. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng