Bảo vệ đất trồng lúa
Phát triển cây công nghiệp để làm giàu, trong khi đó, ổn định diện tích lúa sẽ bảo đảm an ninh lương thực. Tuy nhiên, khi đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ đất trồng lúa như thế nào không phải là một bài toán dễ.
Theo số liệu thống kê đất đai năm 2023, tỉnh ta có quỹ đất nông nghiệp tương đối lớn (901.735,86ha, chiếm 93,18% tổng diện tích tự nhiên). Trong đó, diện tích đất trồng lúa là 19.129,2ha, chiếm 1,97% tổng diện tích tự nhiên, tăng 17,78ha so với kỳ kiểm kê năm 2019.
Diện tích đất trồng lúa của tỉnh tập trung nhiều ở các huyện Đăk Glei, Đăk Hà, Kon Plông, Tu Mơ Rông và thành phố Kon Tum. Đây là những địa phương có hệ thống sông suối lớn chảy qua, tạo nên những vùng đất bằng phẳng, màu mỡ, phù hợp với sản xuất lúa.
Bên cạnh đó, qua kết quả điều tra, rà soát thực địa đã xác định diện tích đất chuyên trồng lúa nước trên địa bàn tỉnh khoảng 12.152,85ha, chiếm 63,61% diện tích đất trồng lúa, phân bổ chủ yếu ở Đăk Glei (2.726,68ha), Đăk Tô (1.083,79ha), Đăk Hà (2.225,13ha), Kon Plông (2.007,05ha), thành phố Kon Tum (2.267,04ha), Tu Mơ Rông (1.813,04ha).
|
Dù không thuộc vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, có tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị nhanh, tuy nhiên tỉnh ta vẫn nằm trong xu thế chung là giảm dần diện tích đất lúa do chuyển đổi sang các mục đích sử dụng đất phi nông nghiệp nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Từ năm 2015 đến nay, diện tích đất trồng lúa có biến động tăng, giảm bất đồng ở các địa phương. Các địa phương có diện tích đất trồng lúa tăng lên là Đăk Glei (125,68ha), Kon Plông (614,24ha), Tu Mơ Rông (440,67ha), Đăk Tô (61,62ha), Ia H’Drai (82,6ha).
Nguyên nhân tăng chủ yếu là một phần diện tích đất trồng cây hàng năm khác và đất chưa sử dụng chuyển sang đất trồng lúa.
Các địa phương có diện tích đất trồng lúa giảm là Đăk Hà (74,28ha), thành phố Kon Tum (59,27ha), Sa Thầy (12,49ha). Nguyên nhân giảm là chuyển mục đích sử dụng sang loại đất khác hoặc phát triển hạ tầng đô thị.
Thống kê cũng cho thấy, tổng diện tích đất chuyên trồng lúa nước năm 2020 giảm 2.531,58ha so với năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu do quá trình đô thị hóa của các huyện, thành phố, dẫn đến việc giảm diện tích đất trồng lúa phục vụ mục đích phát triển kết cấu hạng tầng đô thị.
Chỉ có 3 huyện tăng diện tích đất chuyên trồng lúa nước là Tu Mơ Rông (221,82ha), Đăk Tô (44,50ha), Ia H’Drai (10,6ha). 7 huyện, thành phố còn lại có diện tích đất chuyên trồng lúa nước giảm (Đăk Glei- 321,81ha; Ngọc Hồi-1.412,16ha; Kon Plông-677,38ha; thành phố Kon Tum- 258,2ha; Kon Rẫy- 10ha; Đăk Hà- 86,16ha).
Định hướng, mục tiêu phát triển nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Đại hôi Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025 là rà soát, đẩy mạnh dồn đổi, tích tụ đất đai để phát triển một số vùng, khu sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, hữu cơ.
Đồng thời phát triển cây công nghiệp chủ lực, cây ăn quả, cây dược liệu gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, chứng nhận sản phẩm OCOP, nhãn hiệu sản phẩm ở các địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới.
|
Điều cần nhìn nhận là, khuyến khích phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, dược liệu là để làm giàu, trong khi đó, ổn định diện tích lúa là phục vụ yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực.
Vì vậy, các cấp chính quyền cần hết sức cân nhắc về sử dụng đất lúa. Quá trình việc chuyển đổi đất trồng lúa (đặc biệt là khu vực chuyên trồng lúa nước, vùng lúa có năng suất chất lượng cao) sang các mục đích khác cần được phân tích, đánh giá, xem xét và cân đối hợp lý, hiệu quả, trên nguyên tắc bảo vệ đất trồng lúa là nhiệm vụ hàng đầu.
Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 đã xác định đến năm 2025, diện tích đất trồng lúa của tỉnh là 18.607ha, thực giảm 522ha so với năm 2023. Điều này cũng đem lại sự lo ngại, dù chưa rõ ràng, về diện tích đất trồng lúa bị co hẹp, dẫn đến khó khăn cho một bộ phận nông dân, đe dọa an ninh lương thực.
Rõ ràng là cần có những giải pháp đồng bộ, có tầm chiến lược cùng với ý thức tiết kiệm trong sử dụng tài nguyên đất nông nghiệp nói chung, đất trồng lúa nói riêng. Chúng không chỉ là cơ sở để chúng ta khai thác hiệu quả tài nguyên đặc biệt này, mà còn đảm bảo an ninh lương thực bền vững.
Trong đó, UBND tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ nông dân, hỗ trợ địa phương trong việc quy hoạch đất lúa. Các địa phương khoanh vùng chỉ giới đất lúa, thực thi hiệu quả chính sách bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp.
Trường hợp cần thiết phải chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác thì có biện pháp bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa.
Triển khai, bảo vệ các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Duy trì vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, tập trung gắn với xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa tập trung theo quy hoạch. Xây dựng hệ thống tưới tiêu nước và kỹ thuật tưới nước hợp lý, đảm bảo lượng nước tưới cho khu vực trồng lúa.
Mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao ở các vùng đất thích hợp, ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, phương pháp quản lý dinh dưỡng tổng hợp, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, chế phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học nhằm sản xuất các sản phẩm nông sản an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Đẩy mạnh cơ chế liên kết hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Tăng cường áp dụng cơ giới hoá vào các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Chú trọng công tác xây dựng nhãn hiệu, quảng bá gạo chất lượng cao ở một số địa phương trong tỉnh.
Hồng Lam