“Bản vẽ” cho đô thị
Nghị quyết 36/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh khóa XII về Chương trình phát triển đô thị tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đánh giá là “bản vẽ chi tiết” phục vụ tương lai phát triển bền vững cho mạng lưới đô thị.
Theo các chuyên gia, sau hơn 30 năm, kể từ khi được thành lập lại (tháng 8/1991), mạng lưới đô thị Kon Tum đã và đang có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.
Bằng chứng là vào thời điểm tách tỉnh (năm 1991), tỉnh mới có 3 đô thị, gồm 1 thị xã tỉnh lỵ (thị xã Kon Tum) và 2 thị trấn (thị trấn Sa Thầy thuộc huyện Sa Thầy và thị trấn Đăk Tô thuộc huyện Đăk Tô). Hạ tầng kỹ thuật đô thị, bao gồm giao thông, điện, nước, khá nghèo nàn, lạc hậu; đời sống nhân dân còn rất khó khăn.
Sau đó, lần lượt các thị trấn huyện lỵ được thành lập. Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bước đầu, các đô thị trung tâm đã phát huy vai trò “cực tăng trưởng”, thu hút và thúc đẩy kinh tế vùng lân cận và nông thôn phát triển theo.
Trong vòng 15 năm trở lại đây, chúng ta chứng kiến tốc độ phát triển mạnh mẽ của mạng lưới đô thị. Đến hết năm 2023, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 38%; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 13,22%; 100% các đô thị có quy hoạch chung; quy hoạch phân khu đạt khoảng 26%.
|
Đến nay, toàn tỉnh có 8 đô thị, trong đó thành phố Kon Tum là đô thị loại II (được công nhận tháng 1/2023); 1 đô thị loại IV (thị trấn Plei Kần); 6 đô thị loại V (gồm các thị trấn Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy, Đăk Glei, Đăk Rve, Măng Đen) và 3 trung tâm huyện lỵ đang được đầu tư xây dựng (huyện lỵ Tu Mơ Rông, huyện lỵ Kon Rẫy và huyện lỵ Ia H’Drai).
Ở các đô thị, nhiều công trình, các khu đô thị mới, khu dân cư, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, dân cư giữa đô thị và nông thôn theo tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn các giá trị văn hóa với cải tạo và xây dựng mới các đô thị. Chất lượng sống của cư dân đô thị đã và đang từng bước được nâng cao.
Tuy nhiên, thực tiễn quá trình phát triển đô thị trong những năm qua và thực trạng của hệ thống các đô thị trên toàn tỉnh hiện nay cũng đặt ra khá nhiều vấn đề phải giải quyết trong quy hoạch, thực hiện quy hoạch và trong quản lý, quản trị đô thị.
Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XII thông qua Nghị quyết 36/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 về Chương trình phát triển đô thị tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là bước cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển đô thị, danh mục và lộ trình thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 23/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đảm bảo việc phát triển đô thị phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch vùng Tây nguyên, Quy hoạch tỉnh Kon Tum; các đồ án quy hoạch chung đô thị; chiến lược, chương trình, kế hoạch về phát triển đô thị cấp cao hơn được duyệt; các chương trình, kế hoạch đầu tư công trung hạn và khả năng huy động nguồn lực thực tế tại địa phương.
Khai thác hiệu quả lợi thế, điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu để hoàn thiện các tiêu chuẩn còn thiếu, chưa đạt của các đô thị trong tỉnh. Từ đó xây dựng các dự án đầu tư công trình đầu mối, hạ tầng khung của các đô thị trên toàn tỉnh; từng bước xây dựng phát triển đô thị bền vững trong giai đoạn hội nhập phát triển.
|
Những mục tiêu cụ thể Chương trình phát triển đô thị tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra là, đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị toàn tỉnh trên diện tích tự nhiên đạt khoảng 1,043%.
Toàn tỉnh có 8 đô thị, trong đó 1 đô thị loại II (thành phố Kon Tum), 3 đô thị loại IV (huyện Ngọc Hồi, thị trấn Đăk Tô, thị trấn Đăk Hà), 4 đô thị loại V. 100% đô thị có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị.
Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 50-52%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị toàn tỉnh đạt khoảng 1,443%. Toàn tỉnh có 12 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II (thành phố Kon Tum); 5 đô thị loại IV; 6 đô thị loại V; dự kiến thành lập mới 1 đô thị loại V tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy.
Tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình của cả nước. Hệ thống đô thị có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh.
Với lộ trình cụ thể, nguồn lực đầu tư (dự kiến) mạnh mẽ (khoảng 67.911,54 tỷ đồng), Chương trình phát triển đô thị tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đánh giá là “bản vẽ chi tiết” để phát triển hệ thống đô thị toàn tỉnh theo mô hình chuỗi đô thị, là động lực phát triển kinh tế của vùng.
Nhiệm vụ đặt ra cho các cấp, các ngành hiện nay là rà soát tổng thể các tiêu chí về kinh tế - xã hội và hạ tầng đô thị, từ đó hoạch định kế hoạch, lộ trình khắc phục những tiêu chí còn thiếu, còn yếu; xây dựng các dự án đầu tư các công trình đầu mối, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu đồng bộ, hiện đại.
Mục đích cuối cùng nhất chính là đảm bảo sự phát triển của đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, đảm bảo an sinh xã hội gắn với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Hồng Lam