“Cà xạt” trên đồng ruộng người Giẻ Triêng
“Cà xạt” hay “xẻng” là cách gọi của người Giẻ Triêng ở xã Đăk Plô để chỉ một vật dụng tạo nên hệ thống âm thanh từ sức nước. Đối với bà con nơi đây, vật dụng này rất đỗi thân thuộc và được sử dụng để xua đuổi các loài chim, chuột, khỉ… không đến phá hoại cây lúa.
Để tìm hiểu việc làm “cà xạt”, tôi gặp già làng A Cho, làng Bung Tôn, xã Đăk Plô. Đang miệt mài đục đẽo những thanh gỗ làm chiếc “cà xạt” mới thay thế cho cái cũ bị hỏng, nghe tiếng chào hỏi, già A Cho ngẩng lên nhìn tôi cười hiền và ân cần cho biết: Những nơi khác, người ta thường làm bù nhìn hoặc treo những vật có màu sắc sặc sỡ trên cánh đồng để đuổi chim chóc, thú rừng, người Giẻ Triêng lại dùng tiếng động phát ra từ những chiếc “cà xạt”.
Để làm một chiếc “cà xạt”, già A Cho mô tả một cách rành rọt từng công đoạn. Theo ông, “cà xạt” có bộ phận chính là một tấm ván hình chữ nhật dài khoảng 1 mét, được đẽo với đáy lớn và đỉnh nhỏ dần. Bộ phận tiếp theo là thanh gỗ được cắm xuyên qua giữa tấm ván gọi là phần đuôi, nhằm giữ thăng bằng cho tấm ván trước sức nước. Sau đó, người làm dùng dây để buộc tấm ván theo phương ngang ở phía 2 đầu nhằm đón sức nước đến. Cụ thể: 1 đầu sẽ buộc cố định vào thân cây hoặc cọc gỗ, đầu dây còn lại sẽ buộc trực tiếp vào một khúc cây có độ dẻo. Khúc cây này có tác dụng kéo rung sợi dây khi có lực của nước tác động vào và hệ thống dây này sẽ trực tiếp kéo các ống lồ ô chuyển động đập, nhả để tạo ra âm thanh.
|
Khi làm “cà xạt”, bà con thường lựa chọn những loại gỗ rắn chắc, không bị thấm nước như dẻ, sồi… xẻ ván. Dây buộc tấm ván với “chuông” là dây rừng được bện lại với nhau để hạn chế bị đứt, mối mục trước tác động của thời tiết.
Khâu quan trọng nhất chính là làm những chiếc “chuông”. Cụ thể, người Giẻ Triêng thường kiếm những cây lồ ô tươi, thẳng tắp, sau đó chẻ đôi lồ ô theo chiều dọc đến khoảng nửa thân cây thì dừng lại. Người ta sẽ đục 1 lỗ ở mặt vừa chẻ rồi buộc đoạn dây nối từ khúc cây dẻo gắn với “cà xạt” là đã có thể hoàn thành. Tuy nghe có vẻ đơn giản, nhưng theo kinh nghiệm của già A Cho, từ việc lựa chọn cây lô ô cho đến các khâu để hoàn thành chiếc “chuông”, người làm cần chú tâm và cẩn thận. Bởi nếu chỉ sai một bước nhỏ, chiếc “chuông” có thể sẽ không kêu hoặc âm thanh không ngân vang như bình thường.
Hoàn thành tất cả các bộ phận cho chiếc “cà xạt” mới, già A Cho thủng thẳng lội xuống dòng suối, nước ngập ngang đầu gối đang chảy khá mạnh, để tìm vị trí thích hợp buộc “cà xạt”. Mò mẫm giữa lòng suối chừng khoảng 20 phút, già A Cho nói lớn với người con trai đang ở trên bờ: “A Thương à, chỗ này, này! Vừa có thể đón được dòng chảy của nước, lại nằm khuất sau phiến đá, không sợ cây cối từ đầu nguồn trôi xuống phá hỏng “cà xạt”.
Tìm được vị trí ưng bụng, già A Cho và anh A Thương miệt mài chăng dây, mỗi người một đầu để buộc chiếc “cà xạt” mới. Người lội nước, người trên bờ, cứ thế, chiếc “cà xạt” đã được chăng ra giữa con suối, đón những dòng nước đang ào ào chảy xiết.
|
Hoàn thành việc cố định “cà xạt”, hai cha con lại miệt mài gom dây rừng để nối những chiếc “chuông”. Trong khi đôi tay đang không ngừng thoăn thoắt bện dây rừng lại thành từng búi, già A Cho trò chuyện: Từ một búi dây nối với chiếc “cà xạt”, tôi phân thành nhiều mối như mạng nhện để buộc vào những chiếc “chuông” khác nhau. Càng nhiều “chuông” thì âm thanh sẽ càng to, đồng đều và vang vọng. Có gia đình sẽ để “cà xạt” ngoài đồng quanh năm suốt tháng như gia đình tôi, nhưng cũng có những gia đình mang về kho lúa cất để bảo quản và đem ra sử dụng vào dịp lúa trổ bông (tháng 6 dương lịch). Chính vì vậy, đối với những người Giẻ Triêng, tiếng “chuông” phát ra từ ống nứa của “cà xạt” chính là tín hiệu báo đến mùa thu hoạch. Nhà nào càng đặt nhiều “chuông”, thì càng nhiều ruộng.
Chỉ tay về phía cánh đồng của mình, già A Cho chia sẻ: Như diện tích lúa nước của tôi khoảng 3 sào, thì cần tầm 6 chiếc chuông là đủ. Trong đó, mỗi chiếc được đặt cách đều nhau trên một khoảng đất nhất định. Mỗi lần ra đồng, nghe âm thanh “cà xạt”, bà con đỡ mệt nhọc, làm việc chăm chỉ hơn.
Bàn về nguồn gốc của chiếc “cà xạt”, già A Cho cho rằng, từ xa xưa, người Giẻ Triêng đã coi cây lúa là loại cây lương thực chính của dân tộc mình. Từ cây lúa, mọi người có được những hạt gạo thơm ngon, dẻo bùi, nuôi sống bao thế hệ người Giẻ Triêng trên mảnh đất này. Chính vì trân quý hạt gạo như vậy, nên người Giẻ Triêng luôn dùng mọi cách để bảo vệ đồng lúa, mùa màng của mình. Đặc biệt là đối với Đăk Plô là xã biên giới, giáp với núi rừng, các cánh đồng lúa của bà con thường xuyên bị chim chóc, thú rừng đến quấy phá. Vì vậy, những thế hệ đi trước đã nghĩ ra chiếc “cà xạt” để giúp bà con giữ cây lúa, hạt lúa không bị chim chóc, thú rừng ăn và phá hại.
Hiện nay, dù sản xuất và đời sống ngày càng có nhiều thay đổi, nhưng trên đồng ruộng lúa xanh ngát của người Giẻ Triêng vẫn không thể thiếu tiếng “chuông” ngân vang trong gió, hòa cùng nhịp đập của nước trên những chiếc “cà xạt”. Người Giẻ Triêng ở xã Đăk Plô dù ai có đi đâu, làm nghề gì khác để mưu sinh, nhưng những âm thanh quen thuộc, vui nhộn phát ra từ “cà xạt” trên đồng ruộng vẫn theo họ cùng năm tháng.
Tạm biệt cha con già A Cho khi trời đã ngả tối, tôi lại tiếp tục hành trình của mình. Đã qua một ngọn núi, âm thanh rộn ràng của “cà xạt” vẫn còn vang vọng bên tai.
TẤT THÀNH