Giữ gìn văn hóa truyền thống của người Giẻ Triêng ở Đăk Kroong
Bên cạnh tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, đồng bào các DTTS trên địa bàn xã Đăk Kroong (huyện Đăk Glei) còn tích cực gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Từ khi còn nhỏ, nghệ nhân A Thơng (làng Đăk Wâk, xã Đăk Kroong) đã được cha truyền dạy các bài chiêng của dân tộc Giẻ Triêng. Lớn lên, A Thơng tham gia rất nhiệt tình các hoạt động biểu diễn, truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ.
“Năm nay già đã 70 tuổi rồi, đi đứng cũng khó khăn, thế nhưng vẫn mê cái chiêng, cái trống, mê điệu múa xoang của dân tộc mình. Thinh thoảng, các thầy cô giáo ở trường học, hoặc Đoàn thanh niên ở các xã đến mời đi biểu diễn hay truyền dạy cách đánh chiêng, đánh cồng cho học sinh, thanh niên thì già nhận lời ngay” - già A Thơng tâm sự.
Ông còn bộc bạch, sau những lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, ông vẫn luôn theo dõi người học để uốn nắn kỹ năng, nhất là trong các dịp lễ hội. Mỗi khi nhìn lớp trẻ biểu diễn các bài chiêng đã học cho dân làng thưởng thức, ông cảm thấy thật vui, thật mãn nguyện khi văn hóa truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng không bị lãng quên mà đang được con cháu tiếp nối.
|
Em A Trần Phước ở thôn Đăk Wâk, từng được nghệ nhân A Thơng dạy đánh chiêng, chia sẻ: Già Thơng dạy gần 2 tháng, em và các bạn mới biết đánh chiêng. Trong đó, già hướng dẫn cho tụi em từ cách đeo chiêng trên vai, cách cầm dùi, gõ nhịp từng bài chiêng. Sau đó, mỗi bạn kiên nhẫn tự tập đến khi tất cả thành thạo thì ráp cả đội lại tập cho đến khi tiếng chiêng của mỗi người hòa nhịp mới thôi. Qua các buổi tập luyện, em và các bạn đã có thể biểu diễn thành thạo 2 bài chiêng “Nhớ ơn Đảng, Bác Hồ” và “Mừng làng tươi mới”.
Sau này tôi mới biết, với 2 bài chiêng này, A Trần Phước và các bạn đã đạt giải Ba tại Liên hoan Cồng chiêng - Xoang dành cho học sinh phổ thông do Phòng GD&ĐT huyện Đăk Glei tổ chức năm 2019.
Theo bà Hoàng Thị Thủy - Chủ tịch UBND xã Đăk Kroong, với sự đam mê và trách nhiệm, nghệ nhân A Thơng và các nghệ nhân khác ở làng Đăk Wâk đã lưu giữ được 2 bộ cồng chiêng, duy trì được 2 đội cồng chiêng, múa xoang. Điều đặc biệt, ở làng này có hơn 90% người dân biết đánh cồng chiêng, múa xoang.
Xã Đăk Kroong còn lưu giữ được nghề đan lát truyền thống với hơn 20 nghệ nhân, già làng có tay nghề cao, trong đó có già A Veng ở thôn Đăk Gô. Với đôi bàn tay khéo léo, ông thường tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đan những vật dụng như gùi, nia, rổ, rá bằng tre, nứa để phục vụ cho đời sống hàng ngày.
Theo nghệ nhân A Veng, ngày xưa khi còn nhỏ, ông và các anh chị thường phụ giúp cha mẹ đan lát các vật dụng để sử dụng trong gia đình, như gùi để đựng thức ăn, vật dụng đi rẫy, để cõng lúa, mì về nhà, hoặc đổi lấy mắm, muối, gạo…
Qua tìm hiểu được biết, ông A Veng và các nghệ nhân khác ở xã Đăk Kroong luôn sẵn lòng dạy đan lát cho bất cứ ai muốn học. Ông tâm sự: Tôi đã gần 60 tuổi rồi, sức khỏe yếu, nhưng vẫn muốn hướng dẫn cho dân làng mình biết làm nhiều đồ dùng bằng tre nứa như nia, rổ, rá, gùi…, bởi chúng tốt hơn so với các loại vật dụng bằng nhựa đang được dùng phổ biến hiện nay.
Bà Hoàng Thị Thủy chia sẻ: Trong thời gian qua, chính quyền xã đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trên địa bàn. Vì vậy, hiện 4/6 thôn duy trì được đội cồng chiêng và múa xoang; 2 thôn còn lại có thế mạnh về nghề đan lát và dệt thổ cẩm cũng được hỗ trợ kinh phí mở lớp dạy nghề cho người dân. Điều đáng mừng là nhiều bạn trẻ đã tìm đến các nghệ nhân để học đánh cồng chiêng, múa xoang, hay đan lát, dệt. Đây chính là việc làm thể hiện rõ ước vọng giữ gìn những nét đẹp văn hóa vốn có của thế hệ trẻ.
Trần Hà