Giữ nếp nhà sàn
Xen kẽ bên những ngôi nhà xây hiện đại, những nhà sàn ở làng Plei Weh, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum minh chứng được sức sống tiềm tàng với thời gian.
Đã qua Giêng, gió lạnh vẫn se sắt làm ta tưởng như mới sang Đông. Bên bếp lửa nồng ấm, trên nhà sàn xen lẫn giữa những ngôi nhà xây hiện đại, vợ chồng ông A Nhĩ tận hưởng bữa sáng ấm cúng. Một ngày dẫu bận rộn đến đâu, vợ chồng ông bà vẫn quen với việc ngồi với nhau, tỉ tê tâm sự bên bếp lửa nồng đượm.
Những ngày Tết hay ngày thường khi con cháu tề tựu sum vầy, không gian bếp vẫn là nơi rộn ràng bữa cơm gia đình. Cứ thế, mỗi ngày vun vén một chút, gian bếp nhỏ trong ngôi nhà đã thổi đượm, vun đầy những ký ức, những kỷ niệm của cả gia đình từ thuở còn gian khó hay bàn công việc cho ngày mới.
Hòa vào cuộc sống hiện đại, 10 năm về trước, vợ chồng ông A Nhĩ dốc hết số vốn đã chắt chiu, dành dụm, xây một ngôi nhà như nhiều gia đình khác ở làng. Ấy thế mà lạ lắm, ngôi nhà xây lên, kiên cố thật đấy nhưng sao khi ở, lòng ông vẫn gợn nỗi nhớ, không thể rời ngôi nhà sàn. Ông nhớ không gian ấm cúng bên ngôi nhà sàn dù ngôi nhà sàn kề cạnh là ngôi nhà xây. Có lẽ đã quen với mùi gỗ, quen với cảm giác mát lành như gió điều hòa bên ngôi nhà sàn nên khi qua nhà mới, dù ấm hơn, dù đẹp hơn nhưng ông vẫn trằn trọc khó ngủ. Thổn thức trong đêm, ông biết trong tâm thức, mình vương vấn ngôi nhà sàn- không gian ký ức, kỷ niệm gắn bó với ông gần cả đời người.
|
Vậy là, chấp nhận “lãng phí” ngôi nhà xây kiên cố, cả gia đình chủ yếu sinh hoạt bên ngôi nhà sàn. Sàn nhà bằng gỗ, cột nhà bằng gỗ, nhiều lần thấy mối mọt đục thủng thanh gỗ, bụi mọt bay vương vào cả chén cơm. “Mình sửa chữa cũng nhiều lần nên nhà mới bền vững như bây giờ. Ngày trước, mái ngói vụn vỡ, mình buộc làm lại bằng mái tôn; gỗ bị mối mọt đục, mình tìm cách thay thế. Và ngôi nhà sàn vẫn vững vàng trước bao lần bão táp, ngôi nhà vẫn như thách thức thời gian, thời tiết, ôm trọn lấy những kỷ niệm đẹp của gia đình”- ông A Nhĩ thủ thỉ.
Thấm thoắt, ngôi nhà sàn đã gắn bó với gia đình ông gần nửa thế kỷ. Từ thuở thanh niên, ông Nhĩ tách hộ và dựng nên ngôi nhà sàn. Cho đến bây giờ, 4 người con, đa số đã lập gia đình, ở riêng, gia đình ông vẫn gắn bó với ngôi nhà sàn này. Ngôi nhà không chỉ là nơi che mưa, che nắng, che chở cho bao thế hệ lớn lên mà còn là nơi lưu giữ từng khoảnh khắc, kỷ niệm của cả gia đình và cả nét văn hóa truyền thống tự bao đời của dân tộc Gia Rai. Cũng bởi vậy mà không biết bao lần, nhiều người đề cập đến việc mua “đứt” ngôi nhà với giá cao, ông đều phớt lờ. “Mình không bận tâm họ trả giá bao nhiêu, vì với mình, ngôi nhà này là vô giá”- ông Nhĩ kiên định.
Ông Nhĩ bất ngờ khi có người quan tâm đến nét văn hóa từ ngôi nhà sàn của gia đình. Thoải mái để khách tham quan, ông sẵn sàng thuyết minh từng ngóc ngách trong nhà. Mộc mạc, chân chất, ông bảo, càng hiện đại, càng phải trân quý những giá trị xưa cũ. “Nó là cái nôi nuôi mình lớn. Nhà cao, nhà to có thể xây được nhưng những giá trị truyền thống đâu dễ kiếm tìm”- ông chiêm nghiệm.
|
Ông tự hào khi 4 anh em ruột đều giữ và ở nhà sàn. Với mọi người, có thể đó là lạc hậu, nhưng với ông, đó là niềm tự hào. Từ trên nhà mình, ông chỉ tay qua bên kia đường về hướng ngôi nhà sàn có tuổi đời gần thế kỷ xen kẽ những ngôi nhà xây, rồi giới thiệu ngắn gọn: Đó là nhà của cha mẹ mình. Khi cha mẹ mất đi, em trai mình là A Giá (hiện là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn làng Plei Weh) thừa kế, sinh sống, giữ gìn.
“Từ thuở anh em mình còn nhỏ đến giờ, ngôi nhà vẫn vững vàng với thời gian”- anh A Giá đon đả đón khách vào thăm.
Ngôi nhà sàn của anh A Giá ở cao ráo, sàn nhà cách mặt đất tầm 2m. Cũng như nhà của ông A Nhĩ, phần khung chính của ngôi nhà sàn gần trăm tuổi được làm bằng gỗ cà chít và gỗ hương. Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, trải qua những tác động của thời gian, ngôi nhà tuy không còn vẹn nguyên như xưa, nhưng không vì thế mà A Giá dở bỏ. Cũng nhiều lần nhà xập xệ, A Giá phải sửa lại mái, vách để đảm bảo việc sinh hoạt của cả gia đình. Và theo thời gian, ngôi nhà đã chở che, cùng vợ chồng anh A Giá nuôi nấng những người con dần trưởng thành.
Ngược thời gian, trong ký ức tươi đẹp của anh A Giá và ông A Nhĩ, ngày trước, các gia đình dân tộc Gia Rai ở làng đều sống trên nhà sàn. Khung nhà được làm bằng gỗ; vách nhà bằng đất trộn rơm và mái nhà bằng tranh. Tuy vậy, trải qua những tác động của thời gian, thời tiết, vách đất sụp dần, mái tranh cũng chẳng thể trụ được trước nắng, gió, mưa bão, nên nhiều hộ gia đình tu sửa, lợp lại mái bằng ngói, bằng tôn; sửa sang vách bằng tôn, bằng gỗ cho an toàn, kiên cố.
Thời gian trôi, khi cuộc sống ngày càng hiện đại hơn, khi lớp người già xưa dần về với tổ tiên, nhiều hộ gia đình chuyển sang ở nhà xây. Cũng thời điểm đó, nhiều người ở khắp nơi tìm về làng mua khung gỗ nhà sàn. Khi nhà cũ quá xập xệ, khi nhà xây đã mọc lên khá nhiều, không ít người bán khung giàn gỗ của nhà sàn, lấy tiền đó xây nhà mới.
Nhưng trong số đó, đến nay, vẫn còn hơn chục hộ/214 hộ dân ở làng Plei Weh cố gắng giữ lại những ngôi nhà sàn. Chẳng phải vì thiếu tiền xây nhà, mà họ vương vấn, muốn giữ lại nếp nhà sàn theo văn hóa của người Gia Rai. “Ở nhà sàn, mùa đông, bếp lửa sưởi ấm cả căn nhà; còn mùa hè, mát rượi. Đã thế, ở trên nhà sàn cao so với mặt đất, cảm giác rất an toàn”- ông A Nhĩ nói.
|
Góp vào câu chuyện giữ nếp nhà sàn, bà Y Lưỡi ôn lại những kỷ niệm về ngôi nhà sàn được vợ chồng bà dựng từ vài chục năm về trước. Bây giờ, chồng bà đã mất, ngôi nhà dằng dặc miền ký ức cũng đã chằng chịt những lớp tôn, bạt chắp vá sau bao lần sửa sang. Nhưng với bà, khi nhà vẫn đảm bảo an toàn, chuyện cũ kỹ, cổ xưa chẳng hề hấn gì. Đến bây giờ, ngôi nhà vẫn là nơi chở che 3 thế hệ cùng lớn lên.
Bà nói, nếu sau này có tiền xây nhà, bà vẫn giữ lại ngôi nhà sàn. Chẳng phải bà lạc hậu với thời cuộc mà với bà, ngôi nhà như một thành viên thân thương của gia đình. Dù có thế nào, bà cũng không muốn tách rời.
Xen kẽ bên những ngôi nhà xây hiện đại, những ngôi nhà sàn đậm nét cổ xưa càng minh chứng được sức sống tiềm tàng trong đời sống hiện đại. Và chính từ những ngôi nhà sàn này làm nổi bật không gian sống của người Gia Rai. Và ở đấy, tôi được lắng nghe những câu chuyện gìn giữ ký ức của gia đình; những nỗ lực giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của người Gia Rai.
Hoài Tiến