Gìn giữ giai điệu của đá
Trong dịp đầu xuân, tại chương trình trình diễn, trải nghiệm di sản văn hóa diễn ra ở Bảo tàng – Thư viện tỉnh, người dân và du khách có dịp thưởng thức những giai điệu của đá được trình diễn bởi nghệ nhân ưu tú A Thu (50 tuổi) ở thôn Đăk Rô Gia (xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô).
Trên sân khấu, tiếng đàn đá được độc tấu, hòa tấu cùng các nhạc cụ khác. Tiếng đàn lúc chầm chậm du dương, lúc thì nhanh, rộn ràng náo động với âm hưởng vui tươi khiến người nghe thích thú, mê mẩn. Thanh âm của đá vang lên đưa người xem như lạc vào quá khứ, thời tiền sử xa xôi, kết nối với hiện tại, gửi gắm nhiều tâm tình của các nghệ nhân chơi đàn.
Tiết mục kết thúc trong ánh mắt ngưỡng mộ, tiếc nuối của mọi người. Nhiều du khách tỏ ra thích thú khi lần đầu thấy các nghệ sĩ chơi đàn đá trực tiếp, được “mắt thấy tai nghe” những thanh đá vô tri, vô giác phát ra âm thanh hay và độc đáo.
Những thanh đá được các nghệ nhân thiết kế, đặt nằm ngang trên giàn được làm bằng các ống lồ ô lắp ghép đẹp mắt. Đàn gồm có 15 thanh đá mang các nốt nhạc cùng điệu với cồng chiêng và các nhạc cụ khác, xếp từ nốt thấp đến cao. Du khách được thoải mái trải nghiệm gõ đàn và tìm hiểu về các nét văn hóa đặc sắc dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân A Thu.
|
Nghệ nhân A Thu kể rằng, từ ngày xưa, đàn đá của bà con DTTS được xem là nhạc cụ thiêng, mang nhiều ý nghĩa cộng đồng. Bà con dùng đàn đá để đuổi chim thú, bảo vệ mùa màng, phục vụ các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Trong dàn nhạc truyền thống, đàn đá thường được diễn tấu cùng cồng chiêng, T’rưng và một số nhạc cụ khác. Tuy nhiên, với sự phát triển của âm nhạc hiện đại và một số nhạc cụ truyền thống khác, đàn đá từng có thời gian bị mai một, không còn xuất hiện mỗi khi biểu diễn.
Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống về nghệ thuật, nhưng bằng đam mê và niềm yêu thích, nghệ nhân A Thu đã tự mày mò học hỏi và thành thạo nhiều nhạc cụ, trở thành nghệ nhân “đa tài” của thôn làng. Trong một lần đi biểu diễn, giao lưu văn nghệ tại các địa phương, ông đã “bén duyên” với đàn đá khi được chứng kiến loại đàn này diễn tấu cùng với cồng chiêng. Ông say sưa tiếng đàn đá và không thể rời mắt, tự nhủ phải khôi phục và học hỏi để chơi được loại nhạc cụ độc đáo này.
Sau lần ấy, nghệ nhân A Thu về làng tìm gặp già làng, các nghệ nhân lớn tuổi để hỏi về đàn đá của dân tộc Xơ Đăng ngày xưa. Sau khi biết được một số yếu tố cơ bản về đàn đá, ông đã lặn lội tự mày mò tìm đá, tự chế tác và học cách sử dụng. Ông miệt mài qua nhiều con suối, khe núi, lật giở không biết bao nhiêu hòn đá để tìm được chất liệu đá phù hợp cho việc làm đàn.
|
Sau những lần không thành công, cuối cùng vào năm 2017, chiếc đàn đá đầu tiên được nghệ nhân A Thu chế tác thành công trong sự ngỡ ngàng, vui mừng của bà con dân làng. Đàn ban đầu gồm có 5 thanh đá mang các nốt nhạc giống với bộ cồng chiêng. Những phiến đá thô tưởng như vô tri, vô giác đã được ông chế tác diệu kỳ, cất lên những âm thanh trong trẻo, mới lạ, đầy cuốn hút. Kể từ đó, sau thời gian dài vắng bóng, tiếng đàn đá lại vang vọng, xuất hiện thường xuyên tại các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại thôn Đăk Rô Gia.
Không dừng lại ở đó, từ 5 thanh đá ban đầu, nghệ nhân A Thu đã tự mày mò, cải tiến, từng bước nâng số lượng thanh đá trên bộ đàn. Cuối cùng, bộ đàn hoàn chỉnh và ưng ý nhất của ông đã ra đời với 15 thanh đá, lấy âm chuẩn của bộ cồng chiêng để phát triển. Sau nhiều lần đi biểu diễn khắp các lễ hội, cuộc thi lớn nhỏ, tại sự kiện trình diễn, trải nghiệm di sản văn hóa truyền thống lần này cũng là lần đầu tiên bộ đàn đá của ông A Thu được giới thiệu và trình diễn trong một sự kiện có quy mô và nhiều du khách đến xem.
Dùng tay nhấc từng phiến đá nặng lên để giới thiệu cho du khách, nghệ nhân A Thu cho biết, bộ đàn này là tất cả tâm huyết của ông với nhạc cụ truyền thống và quê hương. Từ khi tìm hiểu về đàn đá, ông dành trọn tâm sức với mong muốn không chỉ bảo tồn mà còn phát triển thêm nhiều nét đặc sắc cho các tiết mục biểu diễn của đội nghệ nhân thôn Đăk Rô Gia.
Với ngọn lửa nhiệt huyết và đam mê với âm nhạc dân tộc, nghệ nhân A Thu đã truyền dạy cho nhiều lớp trẻ tại làng về đàn đá. Thôn Đăk Rô Gia hiện có 1 đội nghệ nhân biết chơi đàn đá gồm 10 người, trong đó, có 5 em nhỏ từ 12-15 tuổi. Không chỉ dạy đánh đàn, ông còn chia sẻ kinh nghiệm tìm đá, làm đàn, hướng dẫn, dạy miễn phí cho các nghệ nhân ở các địa phương khác. Ông cho rằng, loại nhạc cụ này là nét độc đáo chung cho cả cộng đồng dân tộc vùng đất Tây Nguyên chứ không riêng gì của người Xơ Đăng.
|
Qua tìm hiểu từ nghệ nhân A Thu có thể nhận thấy, bộ đàn đá 15 nốt của ông đã được cải tiến rất nhiều, bổ sung thêm nhiều nốt trong thang âm của âm nhạc hiện đại, cho ra nhiều sắc thái và sự lựa chọn cho các nghệ nhân khi trình diễn. Cách thức ghè đẽo khá trau chuốt, trong đó, ông A Thu dùng máy mài kết hợp đục gõ bằng tay để ra kích cỡ dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau tùy ý. Thanh đá dài, to thường có âm trầm và dày; ngược lại với thanh đá ngắn, nhỏ thường có tiếng thanh và mỏng hơn.
Nghệ nhân A Thu chia sẻ: Từ 5 thanh đá mang âm điệu ngũ cung của bộ cồng chiêng, tôi đã bổ sung thêm các nốt còn thiếu của âm nhạc hiện đại để tạo sự phong phú trong biểu diễn. Bắt đầu từ nốt Mi, tôi chế tác ra các thanh đá mang cao độ ở nhiều quãng 8, mang âm thưởng vui tươi, trong sáng. Thanh dài nhất khoảng 40cm, ngắn nhất từ 18-20 cm, độ dày trung bình của từng thanh từ 3 - 4cm. Mỗi thanh có âm sắc tương ứng với một chiếc chiêng trong bộ chiêng hoặc một nốt trong các nhạc cụ tre nứa khác trong giàn nhạc.
Hiện nay, bộ đàn đá của nghệ nhân A Thu thường xuyên xuất hiện và biểu diễn phục vụ khán giả tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Điều này không chỉ góp phần thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm mà còn góp phần giúp các giá trị của loại đàn này từng bước được nhân rộng, phát huy và bảo tồn.
Tình yêu với văn hóa dân tộc và với nhạc cụ đàn đá của nghệ nhân A Thu đã góp phần giúp “bộ sưu tập” nhạc cụ truyền thống của các dân tộc thêm đa dạng, làm phong phú thêm những thanh âm truyền thống tại mỗi dịp lễ hội, văn hóa văn nghệ tại địa phương.
Chia tay nghệ nhân ưu tú A Thu cùng đội nghệ nhân thôn Đăk Rô Gia, giữa không gian ồn ào của phố thị, chúng tôi dường như vẫn cảm nhận được thanh âm của đá văng vẳng bên tai, tựa như gió núi đại ngàn còn đang vang vọng. Tình yêu, những nỗ lực và đóng góp của nghệ nhân A Thu với văn hóa truyền thống thật đáng trân trọng.
Hoàng Thanh