Những “bóng hồng” tác nghiệp ở Trường Sa
Trong 49 phóng viên, nhà báo đến từ các cơ quan báo chí trong cả nước tham gia chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa vào cuối năm 2024, đầu năm 2025 do Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức có 13 “bóng hồng”. Dù khó khăn, vất vả nhân lên gấp bội so với nam giới, nhưng với tình yêu biển đảo, chúng tôi đã vượt qua tất cả, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ.
Trước khi lên đường, dự báo thời tiết đưa thông tin biển động, sóng lớn, gió to. Cánh phóng viên bảo nhau chuẩn bị hành trang và tinh thần thoải mái nhất để đón nhận những diễn biến thời tiết xấu có thể xảy ra. Hầu hết đoàn chúng tôi đều là lần đầu tiên đến quần đảo Trường Sa và với 13 phóng viên, nhà báo nữ thì tất cả đều mới chỉ biết đến Trường Sa qua sách báo và những thước phim của đồng nghiệp.
Chúng tôi lên chuyến tàu HQ561 rời cảng Cam Ranh ngày 26/12/2024. Sau 38 tiếng lênh đênh trên biển, 6h sáng 28/12/2024, thị trấn Trường Sa hiện ra trước mắt chúng tôi. Xúc động nghẹn ngào khi cổng thị trấn chỉ cách con tàu một cây cầu nhỏ. Thật khó diễn tả tâm trạng lúc đó bởi chưa bao giờ chúng tôi thấy Trường Sa lại gần đến thế.
Nằm trong “top” những người say sóng nhất đoàn, vậy mà khi nghe đồng nghiệp hô to đã tới đảo Trường Sa, nhà báo Nguyễn Kiều Liên Phương (Đài PT-TH tỉnh Phú Thọ) đang nằm bẹp với cơn say sóng như cào hết ruột gan đổ xuống biển lại vội vàng vùng dậy, chạy ra boong tàu như chưa từng say.
|
Nhà báo Nguyễn Kiều Liên Phương chia sẻ: Với tất cả sự háo hức, chờ đợi, bao mệt mỏi tan biến hết, chúng tôi cùng các đồng nghiệp bắt đầu ghi những hình ảnh đầu tiên tại đảo Trường Sa. Lòng đầy tự hào, phơi phới niềm yêu khi ước mơ được đặt chân đến Trường Sa đã trở thành hiện thực.
Trời chợt nắng, chợt mưa làm không ít thành viên đoàn đã bị cảm, sốt. Nhờ sự chăm sóc của các thành viên đoàn và lực lượng quân y trên tàu, chúng tôi mau chóng hồi phục sức khỏe lại tiếp tục ghi lại thật nhiều hoạt động của quân và dân trên các đảo.
54 tuổi, nhà báo Vĩnh Hà (Báo Tuổi trẻ) là nữ nhà báo lớn tuổi nhất trong đoàn công tác, chị chia sẻ: Trước khi đi nhiều người “đe dọa” lắm, họ bảo “bà già đi biển tháng 4 cơ mà”, tôi nói sẽ có một bà già đi biển vào mùa biển động. Khi chuẩn bị lên đường, tôi cũng rất lo lắng, chuẩn bị nhiều thứ cần thiết. Tôi sợ nhất là say sóng và đã trải qua rất nhiều trận say. Tôi thấy chị em trong đoàn ai cũng rất kiên cường, mặc dù say sóng mệt nhoài nhưng vẫn hăng hái, chăm chỉ làm việc. Nếu có cơ hội tôi vẫn xung phong đi tiếp bởi những gì nhận được nhiều hơn những khó khăn, vất vả mà tôi phải vượt qua.
Lo cho sức khỏe đảm bảo suốt hải trình là điều mà các phóng viên, nhà báo nữ ưu tiên quan tâm. Tuy nhiên, không chỉ mang theo các thực phẩm, thuốc men cần thiết đảm bảo sức khỏe cùng các thiết bị máy móc tác nghiệp, các nhà báo, phóng viên nữ còn chuẩn bị và gói ghém cẩn thận nhiều phần quà là đặc sản quê hương, nhờ con tàu vượt ngàn trùng sóng mang tới từng đảo, điểm đảo biếu tặng quân, dân với mong muốn vơi đi phần nào nỗi nhớ quê nhà, nhớ đất liền.
|
Nhà báo Đinh Thị Thu Thảo (Đài PT-TH Hải Dương) chia sẻ: Ban nữ công của cơ quan và một số các cơ sở sản xuất đặc sản quê hương ở Hải Dương đã gửi 160kg bánh đậu xanh tới cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo mà đoàn đặt chân tới. Món quà tuy không lớn nhưng đó là tấm lòng, là tình cảm nặng trĩu ân tình của những người con Hải Dương cùng hướng về biển đảo.
Thượng tá Mai Quang Tiên - Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân cho biết, chuyến đi lần này gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi, có thời điểm sóng rất to và khi vào đảo thì gặp những cơn giông rất lớn, nhưng tôi rất khâm phục ý chí, nghị lực của 13 phóng viên nữ. Các đồng chí đã không quản ngại gian khổ, nguy hiểm, sẵn sàng xung phong đi những chuyến xuồng để vào đảo. Khi vào đảo, mặc dù say sóng rồi thay đổi thời tiết mệt mỏi là thế nhưng các đồng chí đã nhanh chóng tác nghiệp. Tôi tin tưởng rằng, các tác phẩm của các đồng chí sẽ phản ánh đậm nét về cuộc sống và hoạt động của quân và dân trên các đảo của quần đảo Trường Sa.
Trở về sau hải trình đầy ắp yêu thương cùng bao nhọc nhằn đã trải, chúng tôi đều thấy rằng đây là chuyến đi ý nghĩa nhất trong cuộc đời làm báo của mình. Ngoài bồi đắp thêm tình yêu biển đảo, lòng tự hào dân tộc còn giúp chúng tôi biết trân quý hơn cuộc sống và từ đó sống, làm việc xứng đáng với những cống hiến, hi sinh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Dương Nương