Dấu ấn từ một Nghị quyết
Kết luận số 2132-KL/TU ngày 2/12/2024 Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU đánh giá, qua 3 năm, 2 vùng kinh tế động lực của tỉnh đã khẳng định vai trò “động lực” đối với sự phát triển chung.
Trên thực tế, từ Đại hội lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2005-2010), Đảng bộ tỉnh đã xác định việc “hình thành và phát huy vai trò của các vùng kinh tế động lực” là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu “đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, sớm đưa tỉnh Kon Tum thoát nghèo”.
Vì vậy, ngày 20/4/2007, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về “đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2007-2010, có tính đến năm 2020".
Trong đó xác định phạm vi 3 vùng kinh tế động lực gồm: Thị xã Kon Tum; Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y; trung tâm huyện Kon Plông gắn với Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen.
Qua 14 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU khóa XIII, các vùng kinh tế động lực đã hình thành, phát triển, có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
|
Tuy nhiên, kinh tế các vùng động lực phát triển chưa bền vững, thiếu đột phá; một số tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác hiệu quả; công tác quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng còn hạn chế; kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ. Công tác cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư chưa đạt yêu cầu, chưa thu hút được các dự án đầu tư lớn trên địa bàn.
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, dự báo phát triển của từng vùng, đồng thời, để ưu tiên tập trung nguồn lực, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, ngày 20/9/2021, Tỉnh ủy khóa XVI ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, tỉnh ta có 2 vùng kinh tế động lực là thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông. Mục tiêu là huy động, sử dụng hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nguồn lực để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế các vùng kinh tế động lực, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy phát triển các vùng, địa phương khác trên địa bàn tỉnh.
Để triển khai Nghị quyết số 04-NQ/TU, UBND tỉnh có Quyết định số 1228/QĐ-UBND ban hành Đề án đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực.
Sau 3 năm triển khai, Nghị quyết 04-NQ/TU đã để lại dấu ấn đặc biệt to lớn đối với 2 vùng kinh tế động lực, đem lại sự phát triển khá mạnh mẽ, góp phần để thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông dần khẳng định vai trò “động lực” đối với sự phát triển chung.
Kết luận số 2132-KL/TU ngày 2/12/2024 Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU đánh giá, qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, việc đầu tư phát triển các vùng kinh tế động lực đã đạt được những kết quả tích cực.
Theo đó, môi trường đầu tư được cải thiện; cải cách hành chính được triển khai quyết liệt. Kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, đời sống nhân dân tại các vùng kinh tế động lực được nâng lên.
Đô thị thành phố Kon Tum được đầu tư, chỉnh trang, phát huy vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh. Nổi bật là ngày 10/1/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 12/QĐ-TTg công nhận thành phố Kon Tum là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh, về đích rất sớm so với mục tiêu đề ra (được công nhận đô thị loại II vào năm 2025).
Vùng du lịch sinh thái Măng Đen được quy hoạch, hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư, dịch vụ và sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, hình ảnh Măng Đen ngày càng được nhiều người biết đến, dần khẳng định vai trò trọng điểm du lịch của tỉnh và vùng Tây Nguyên.
|
Một minh chứng rõ nhất là, trong khoảng 2.300.000 lượt khách đến tỉnh từ đầu năm 2024 đến nay, thì huyện Kon Plông thu hút được 1.200.000 lượt khách.
Tỷ trọng đóng góp thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh của thành phố Kon Tum tăng từ 52,5% (năm 2021) lên khoảng 65% (năm 2024), còn huyện Kon Plông tăng từ 12,4% (năm 2021) lên 13,9% (năm 2024).
Tuy nhiên, cũng theo Kết luận số 2132-KL/TU, ở các vùng kinh tế động lực còn có những hạn chế, như công tác lập các quy hoạch còn chậm, quản lý quy hoạch xây dựng, đất đai, quản lý đô thị chưa chặt chẽ.
Thu hút đầu tư có mặt chưa hiệu quả, nhất là thu hút nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ vẫn còn hạn chế.
Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch chưa đáp ứng yêu cầu.
Vì vậy, để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết 04-NQ/TU, đưa 2 vùng kinh tế động lực vươn lên, từ đó lan tỏa, thúc đẩy các địa phương khác cùng phát triển, các cấp, các ngành, địa phương nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm; quyết liệt, năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện.
Trong đó, cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen đến năm 2045 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1128/QĐ-TTg ngày 8/10/2024) và các quy hoạch, đồ án quy hoạch đã phê duyệt làm cơ sở thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các dự án đầu tư.
Triển khai hiệu quả các nhóm giải pháp về quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lợi thế vùng gắn với liên kết các vùng kinh tế động lực; thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch.
Tỉnh cũng cần tiếp tục có cơ chế đặc thù trong phân cấp quản lý ngân sách giai đoạn 2022-2025 nhằm tạo điều kiện để các vùng kinh tế động lực phát triển, cũng như huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Sông Côn