Đồng chí Trương Quang Trọng - người chiến sĩ cộng sản kiên cường
Đó là tên của chủ đề Hội thảo khoa học cấp quốc gia vào năm 2018 do Tỉnh ủy Quảng Ngãi phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức. Bài viết này, xin ghi lại sự hy sinh anh dũng, kiên cường, bất khuất của đồng chí Trương Quang Trọng trong cuộc đấu tranh tại Nhà ngục Kon Tum vào ngày 12/12/1931.
Đồng chí Trương Quang Trọng sinh vào ngày 29/5/1906 tại xã Phú Nhơn, tổng Tịnh Hoà, quận Sơn Tịnh (nay thuộc phường Trương Quang Trọng - thành phố Quảng Ngãi). Lúc nhỏ, ông học Trường Tiểu học Quảng Ngãi, ra Huế học Ban Thành Chung ở École Primaire Supérieure (Trường Cao đẳng Tiểu học) thường gọi là Quốc Học Huế. Năm 1924-1925, Trương Quang Trọng học Trung học tại Trường Bưởi, rồi theo học cao đẳng ở khoa Y của Trường Kiêm Bị Y Dược Đông Dương. Trong thời gian học ở Hà Nội, Trương Quang Trọng đã tiếp xúc với nhiều chí sĩ yêu nước, tiếp xúc với Tôn Quang Phiệt và gia nhập vào Đảng Tân Việt.
Mùa hè năm 1926, đồng chí trở về Quảng Ngãi thành lập tỉnh bộ Đảng Tân Việt, rồi thành lập tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên của Tỉnh bộ (1927), đồng chí được bầu làm Bí thư. Tháng 5/1929, đồng chí cử làm đại biểu của Tỉnh bộ Quảng Ngãi dự Đại hội toàn quốc của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hồng Kông. Tháng 7/1929, đồng chí về nước và tổ chức cuộc họp tại núi Xương Rồng (huyện Đức Phổ), quyết định thành lập tổ chức “dự bị cộng sản” tiến tới thành lập Đảng bộ Cộng sản Quảng Ngãi. Những hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhanh chóng bị chính quyền thực dân chú ý, truy tìm, bắt giữ đồng chí Trương Quang Trọng vào ngày 19/8/1929 cùng với 20 đồng chí khác.
|
Theo Bản án của Tòa án tỉnh Quảng Ngãi ngày 28/10/1929 và Quyết định số 45 ngày 20/2/1930 của Viện Cơ mật: “Trương Quang Trọng tự Quan, 23 tuổi, 7 năm khổ sai, 4 năm quản thúc” và giam tại nhà lao Quảng Ngãi, Quy Nhơn, rồi đưa đi Kon Tum vào tháng 6/1931.
Chiếu theo bản án tù khổ sai, đồng chí Trương Quang Trọng giam tại nhà Lao ngoài (Pénitencier) dành cho tù chính trị, bên cạnh sông Đăk Bla. Theo hồi ký “Từ Hà Tĩnh đến nhà Đày Kon Tum” của Ngô Đức Đệ: “Tháng 6 năm 1931, lao ngoài nhận thêm một đoàn từ Quảng Ngãi và Quy Nhơn lên, trong đó có các đồng chí Trương Quang Trọng, Hồ Độ, Lê Trọng Kha…, tất cả tù cũ và mới đã có hơn 120 người”.
Tại Nhà ngục Kon Tum, đầu tháng 7/1931, Ban Phụ trách nhà lao được thành lập. Đồng chí Trương Quang Trọng được giao nhiệm vụ xây dựng nội bộ, tư tưởng và tổ chức. Với cương vị là thành viên Ban lãnh đạo, đồng chí Trương Quang Trọng đã tiến hành tổ chức Lễ truy điệu cho hơn 200 tù nhân đã hy sinh trên cung đường 14 đoạn Đăk Tao - Đăk Pao - Đăk Pek; tổ chức cứu tế và ra sức chăm sóc cho những người bị ốm đau, liệt nhược. Đồng thời, thành lập đội cảm tử và đội quyết tử để đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của chính quyền thực dân với tinh thần “quyết chí hy sinh tính mạng mình để cứu vớt cho toàn thể anh em”.
|
Với tinh thần đó, trong Cuộc đấu tranh Lưu huyết ngày 12/12/1931, đồng chí Trương Quang Trọng đã nêu cao khí tiết của chiến sĩ cộng sản, không tiếc sinh mạng của mình sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Hình ảnh hy sinh anh dũng đó được Lê Văn Hiến thuật lại trong cuốn sách NGỤC KON TUM, xuất bản năm 1938: “… Một hồi sau, Công sứ, Giám Binh, các viên quan Một ở các đồn và lính tráng rầm rộ kéo đến… Thái độ người nào cũng hung hăng, dữ tợn... Người đại diện cho anh em lúc bấy giờ là Trương-quang-Trọng, số 303, người Quảng ngãi, đứng đầu. Thái dộ của Trọng trầm tĩnh, oai nghiêm và hết sức can đảm. Theo lịnh quan Sứ, Moulec tay cầm súng sáu, vừa bước vào cửa lao vừa hỏi. - Thằng 299 ở đâu (Où est-il 299)? Khi nghe kêu số hiệu của Lung, anh em nhà phạt la ré vang rân: “Không có, không có, không có ai hết”. Nhưng lúc ấy, Trọng đứng hàng đầu, vừa nghe Moulec kêu Lung, thì Trọng tay lần mở nút áo, trật ngực, rồi chỉ vào ngực mà trả lời cho Moulec bằng tiếng Pháp: Le voici (nó ở đây). Moulec đưa thẳng súng sáu vào ngục Trọng, nảy một phát, vừa nói: Le voilà (nó đó).Tiếng súng sáu vừa ra. Trọng liền ngã xuống”.
Sự hy sinh của đồng chí Trương Quang Trọng trong Cuộc đấu tranh “Lưu huyết” là hình ảnh tiêu biểu của một người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người lãnh đạo mẫu mực, người đồng chí, đồng đội “Vì nghĩa quên mình” không chỉ bên ngoài mà ngay cả bên trong lao tù. Tấm gương hy sinh ấy để lại tinh thần bất khuất cho các thế hệ cộng sản cùng thời với ông và mãi sau này.
Các cuộc đấu tranh của những chiến sĩ cộng sản tại Nhà Ngục Kon Tum đã đi vào những trang sử hào hùng của dân tộc. Sau ngày đất nước thống nhất, Nhà Ngục Kon Tum được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1988. Ngày 21/11/2022, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã truy tặng Danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà Ngục Kon Tum, trong đó có đồng chí Trương Quang Trọng.
Phạm Bình Vương