Kon Rẫy thực hiện hiệu quả Chỉ thị 13
Thực hiện Chỉ thị 13-CT/TU ngày 18/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh, nhiều hủ tục, phong tục lạc hậu trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã được xóa bỏ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Trong ngày hội của thôn, ông A.L vẫn tới tham gia làm mọi việc, nhưng khi bà con chung vui bên ché rượu cần, ông lại lặng lẽ ngồi bên hiên nhà. Hỏi ra mới biết vợ ông mới đột ngột qua đời cách đây mấy ngày. Đám tang của vợ ông, bà con tới đông đủ, mỗi người một việc; phụ nữ thì giúp gia đình nấu nướng, đàn ông thì lo việc hậu sự rồi cùng đưa tiễn vợ ông về nơi an nghỉ cuối cùng.
Chị Y Hơn – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 2, xã Đăk Pne chia sẻ: Ngày xưa, chết đột ngột bà con gọi là “chết xấu” nên kiêng cữ lắm, không ai tham gia giúp gì, chỉ có người thân ruột thịt trong gia đình. Ngay gia đình mình thôi, chị gái mất đột ngột cũng bị dân làng liệt vào “chết xấu”, không một ai tới cả, chỉ có bố mẹ, anh em ruột thịt tổ chức ma chay và đưa đi chôn cất, đã buồn lại càng buồn hơn.
|
Sau khi được bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, chị Y Hơn đã mạnh dạn vận động bà con sửa đổi hương ước, quy ước của thôn; kiên quyết xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trong đó có kiêng kỵ cái “chết xấu”. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị 13 thì việc vận động bà con xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu càng được thực hiện quyết liệt hơn. Đến nay trên địa bàn thôn, các hủ tục, phong tục lạc hậu cơ bản được xóa bỏ.
Xã Đăk Pne là một trong những xã có số hủ tục, phong tục lạc hậu nhiều nhất trong toàn huyện, nhưng sau gần 3 năm thực hiện Chỉ thị 13, cơ bản đã được xóa bỏ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nguyệt - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đăk Pne cho biết: Trước khi thực hiện Chỉ thị 13, trên địa bàn xã còn 5 hủ tục và 6 phong tục lạc hậu. Đến nay chỉ còn 1 hủ tục là khẩn cầu thần linh và 1 phong tục lạc hậu là ngủ “đầm” (ngủ rẫy).
“Đối với việc khẩn cầu thần linh bà con chỉ làm trong các lễ lớn của thôn như Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng máng nước; đối với việc ngủ “đầm”, trước kia có 285 hộ, nay chỉ còn 14 hộ, những hộ này do có người già cả đi lại khó khăn, nhà trên rẫy cũng đã được làm đảm bảo sạch sẽ, an toàn” – chị Nguyệt lý giải.
Có được kết quả này là cả một quá trình kiên trì, bền bỉ, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của xã Đăk Pne.
Đảng ủy xã đã phân công cán bộ xã phụ trách thôn, phụ trách nhóm hộ, hộ gia đình. Từ đó, cán bộ được phân công đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động; hướng dẫn bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn ở tất cả các thôn thành lập nhóm zalo cộng đồng để thường xuyên cập nhật chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã và trao đổi thông tin, tình hình trong thôn.
Tất nhiên là việc vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu là điều vô cùng khó khăn, bởi đã ăn sâu vào suy nghĩ bao đời nay, nhất là với người lớn tuổi. Vì vậy, đội ngũ cán bộ xã đã tranh thủ sự ủng hộ của bí thư chi bộ, trưởng thôn, người uy tín và các em học sinh, thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” nên đã đạt được những thành quả bước đầu.
|
Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy Kon Rẫy đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, lồng ghép triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ nhân dân, nhất là đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới ở vùng DTTS tại địa phương; thực hiện tốt công tác phân công cán bộ, đảng viên phụ trách, hướng dẫn các hộ, nhóm hộ phát triển kinh tế.
Đồng thời, chỉ đạo rà soát, bổ sung nội dung xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp vào nội dung thực hiện hương ước, quy ước ở khu dân cư và đánh giá kết quả thực hiện hàng năm của hộ gia đình. Phát huy vai trò gương mẫu, tự giác của mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị trong thực hiện.
Huyện ủy Kon Rẫy đã chỉ đạo chính quyền các cấp hỗ trợ kinh phí để tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” gắn với thực hiện Chỉ thị 13.
Sau gần 3 năm thực hiện Chỉ thị 13, huyện Kon Rẫy đã xóa được 6 hủ tục gồm kiêng cữ cái chết xấu; kiêng kỵ vật nuôi phóng uế, đẻ con ở dưới, bên trong kho thóc; tảo hôn; hôn nhân cận huyết; thuốc thư và kiêng làm cỏ sân nhà rông và 6 phong tục lạc hậu gồm sinh đẻ tại nhà; ăn uống kéo dài trong các dịp tang ma, cưới hỏi, lễ hội; nợ miệng; tưởng nhớ và cho người chết ăn; để người chết lộ thiên trên sạp trong tang ma; ngồi lê la dưới đất, bốc đồ ăn. Hiện trên địa bàn còn 1 hủ tục là cúng ốm đau và khẩn cầu thần linh; 2 phong tục lạc hậu là ngủ “đầm” (ngủ rẫy) và thả rông gia súc, gia cầm ở xã Đăk Tơ Lung và xã Đăk Pne.
Tin tưởng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là việc phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng làm công tác tuyên truyền ở cơ sở, đặc biệt là bí thư chi bộ, già làng, thôn trưởng, người có uy tín, các nghệ nhân trong việc đưa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đến với bà con, các hủ tục, phong tục không còn phù hợp sẽ được xóa bỏ hoàn toàn trong thời gian tới.
Dương Nương