Rõ việc, rõ người trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Báo cáo số 377/BC-UBND của UBND tỉnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 đánh giá, dù còn có những hạn chế nhất định, nhưng trong năm 2024, lĩnh vực này đã đạt kết quả ấn tượng.
Những “điểm sáng” trong năm 2024
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động về THTK, CLP năm 2024, làm cơ sở để các ngành, địa phương chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch về THTK, CLP năm 2023 của ngành, địa phương mînh.
Các ngành, địa phương đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch về THTK, CLP năm 2024 của ngành, địa phương mình để triển khai thực hiện. Trong đó, xác định việc thực hiện THTK, CLP là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và đưa kết quả thực hiện thành nội dung xem xét, đánh giá thi đua hằng năm.
Kết hợp chặt chẽ việc tuyên truyền, vận động THTK, CLP với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong từng cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư, từng bước đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
|
Vì vậy, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều “điêm sáng”. Các cơ quan, đơn vị đã rà soát tiết kiệm chi thường xuyên 10% với số tiền hơn 115,89 tỷ đồng để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Cắt giảm, tiết kiệm 5% theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 4/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ với số tiền 33,96 tỷ đồng.
Quản lý chặt chẽ và hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán ngân sách năm sau và chi chuyển nguồn sang năm sau. Các đơn vị, địa phương thực hiện mua sắm tài sản công theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định, kế hoạch và dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Khâu kiểm soát chi thường xuyên, chi đầu tư xây dựng cơ bản, chương trình MTQG được thực hiện đúng quy trình. Theo đó, thực hiện kiểm soát chi thường xuyên 5.477 tỷ đồng và kiểm soát chi đầu tư là 1.305 tỷ đồng.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tiết kiệm được hơn 167,35 tỷ đồng. Trong đó, tiết kiệm trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hơn 120,66 tỷ đồng; tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản hơn 44 tỷ đồng và tiết kiệm của các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh gần 2,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo Báo cáo số 377/BC-UBND, toàn tỉnh đã triển khai 187 cuộc thanh tra, kiểm tra. Đến nay đã kết thúc 151 cuộc trên lĩnh vực quản lý tài chính - kế toán; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý và sử dụng đất.
Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện tổng số tiền sai phạm hơn 5 tỷ đồng; đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách hơn 2,45 tỷ đồng và kiến nghị xử lý khác hơn 2,56 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính các tổ chức, cá nhân 698,7 triệu đồng. Bên cạnh đó, kiến nghị khắc phục các thiếu sót, sai phạm, khuyết điểm còn tồn tại và kiến nghị tổ chức họp kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân có liên quan đến sai phạm.
Phải rõ việc, rõ người
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, bên cạnh nhiều điểm sáng thì công tác THTK, CLP thời gian qua vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Đáng chú ý là việc xây dựng, ban hành chương trình THTK, CLP ở một số cơ quan, đơn vị còn chậm so với thời gian quy định.
Trong quản lý xây dựng cơ bản, vẫn chưa khắc phục được tình trạng tiến độ thực hiện các dự án của một số đơn vị còn chậm, tỷ lệ giải ngân còn thấp, dẫn đến nguy cơ thất thoát, lãng phí.
Mới đây, tại văn bản số 4499/UBND-KTTH ngày 13/12/2024 về việc triển khai thực hiện Công điện số 125/CĐ-TTg ngày 01/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trong đó, phải đảm bảo phân công cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
|
Tăng cường THTK, CLP trên các lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai; tổ chức bộ máy, quản lý lao động, thời gian lao động.
Chú trọng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước; triệt để cắt giảm chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách để dành chi đầu tư phát triển. Tăng cường khoán kinh phí, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.
Tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Chủ động rà soát, báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn của các dự án không triển khai được hoặc chậm triển khai để tập trung cho các dự án khác có khả năng giải ngân cao.
Quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Kiên quyết thu hồi tài sản công sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; sắp xếp, xử lý tài sản đúng quy định, công khai, minh bạch, không để lãng phí, thất thoát tài sản công.
Rà soát, đánh giá đúng thực trạng các dự án không đưa đất vào sử dụng; đề xuất các giải pháp, biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm giải phóng nguồn lực đất đai, đưa đất đai vào sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, giảm tổ chức bên trong, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Quản lý chặt chẽ thời gian lao động; giám sát chất lượng, đảm bảo năng suất, hiệu quả công việc và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Sông Côn