Phụ nữ và áp lực “việc nhà”
Dù Luật Bình đẳng giới đã đi vào cuộc sống, nhưng vì nhiều nguyên nhân mà bất bình đẳng giới vẫn hiện diện, mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Gần đây, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, áp lực “việc nhà”dồn lên vai phụ nữ cũng là một trong những biểu hiện cụ thể nhất của bất bình đẳng giới.
Điều đáng nói là, những công việc “không tên và có tên” ấy lại có vai trò đặc biệt quan trọng, là hoạt động cần thiết cho xã hội.
Tuy nhiên, dù đã cải thiện rõ rệt hơn, nhưng cho đến nay, chuẩn mực xã hội vẫn cho rằng trách nhiệm chăm sóc gia đình thuộc về phụ nữ. Và trên thực tế, phụ nữ phải dành nhiều giờ chăm sóc gia đình hơn nam giới.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, trung bình mỗi tuần, phụ nữ phải dành 35 giờ để làm việc nhà, cao hơn nhiều so với mức trung bình 21 giờ của nam giới. Nhiều nam giới còn thừa nhận ít khi, thậm chí “nói không” với việc nhà, vì “đó là việc của phụ nữ”.
Đối với phụ nữ không được học hành, hoặc có trình độ giáo dục thấp, phụ nữ vùng nông thôn, vùng DTTS, họ gần như phải dành phần lớn thời gian trong ngày để làm những công việc không có thu nhập trong gia đình.
|
Trong khi đó, số đông phụ nữ vẫn luôn nỗ lực tìm kiếm việc làm ngoài xã hội, đồng nghĩa rằng họ phải “gánh hai vai”. Việc làm cho lao động nữ rất đa dạng. Họ có thể tham gia ở hầu hết các công việc trong đời sống xã hội, tập trung ở các lĩnh vực hành chính sự nghiệp, công nghiệp nhẹ, thương mại và dịch vụ.
Vì vậy, để chu toàn “việc nhà”, buộc phụ nữ phải luôn nỗ lực sắp xếp thời gian thật hợp lý, phải thức khuya, dậy sớm rồi tranh thủ cả ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ.
Vì vậy, đối với phụ nữ, đôi khi không có thời gian đầu tư nhiều cho công việc ngoài xã hội như nam giới. Phụ nữ cũng rất khó để đảm đương những vị trí việc làm thường xuyên phải đi công tác xa nhà.
Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ nữ giới tham gia thị trường lao động ít hơn nam giới. Trong nghề nghiệp, đôi khi có sự phân biệt, lựa chọn giới tính; có khoảng cách giới trong thu nhập; cơ hội tham gia lãnh đạo, quản lý của nữ giới cũng thấp hơn.
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta không khó để chứng kiến nhiều trường hợp phụ nữ phải hy sinh, chịu nhiều thiệt thòi vì gia đình, vì chồng con, ở nhà chăm lo việc gia đình không được trả lương.
Tôi có đứa em họ, tốt nghiệp đại học ra trường, về quê, có việc làm hẳn hoi với mức lương chục triệu đồng mỗi tháng. Từ khi lập gia đình, vì điều kiện hoàn cảnh, nên cả hai chấp nhận cảnh sống chồng một nơi, vợ một nẻo. Rồi hai vợ chồng sinh con, vợ ở bên đằng ngoại để vừa nhờ ông bà phụ chăm sóc cháu, vừa tiện cho công việc làm; chồng thì ở bên đằng nội để tiện cho công việc ngoài xã hội của mình.
Nhiều lúc sống cảnh mỗi người một nơi cũng thấy thương con cái nên vợ chồng cô em đã bàn tính quy về một mối. Cân nhắc kỹ lưỡng thiệt hơn, cuối cùng cô em quyết định xin nghỉ việc để theo chồng, vì dù sao công việc của anh hiện tại cũng có mức thu nhập cao hơn cô.
Dù chẳng biết sau này mình sẽ xin được việc gì nữa, nhưng trước mắt thì với cô em cũng có khối việc để làm, để lo, trong đó có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ chồng nay đau mai ốm; rồi cơm nước, giặt giũ, đưa đón con đi học cũng đã hết ngày.
Bên đằng ngoại thì xót con, nhưng cũng muốn vợ chồng con cái sống gần nhau nên chỉ biết ngậm ngùi. Mọi người khuyên cô em tôi rằng, nếu có cơ hội nên xin việc làm, vì dẫu sao, phụ nữ tự chủ tài chính vẫn hơn là sống phụ thuộc.
Có một việc làm ổn định để không phải sống phụ thuộc vào ai là điều ai cũng mong muốn, nhất là đối với phụ nữ. Nhưng rõ ràng, ở trong hoàn cảnh cô em họ, người hy sinh và nhận phần thiệt về mình vẫn là phụ nữ hơn là nam giới.
|
Ngày nay, xã hội có nhiều dịch vụ chăm sóc người già, trẻ em rồi thì các dịch vụ an sinh xã hội đi kèm để nâng cao chất lượng cuộc sống. Người già đau ốm sẽ có bảo hiểm y tế chi trả, nhưng nếu nằm viện thì phải có người thân chăm sóc (trừ trường hợp phải chăm sóc y tế đặc biệt và cách ly). Điều này, đòi hỏi từng thành viên trong gia đình có sự chia sẻ, thay phiên nhau chăm sóc hoặc thuê dịch vụ chăm sóc. Cũng có gia đình không đủ tiềm lực tài chính thường cử phụ nữ trong gia đình chăm sóc toàn thời gian.
Với con trẻ cũng vậy, khi chưa đến tuổi đến trường, người thân trong gia đình xót con, không mang đi gửi các nhóm trẻ sớm vì sợ con mình chưa biết nói sẽ dễ bị bỏ đói hoặc té ngã, bị đánh đập. Vậy là những người mẹ, người bà được lựa chọn để đảm đương phần việc này.
Không giải quyết được bất bình đẳng giới trong “việc nhà” thì không thể nói đến chuyện thúc đẩy và thực hiện bình đẳng giới thực chất được. Vì vậy, cần tính đến các giải pháp giảm áp lực cho phụ nữ trong gia đình.
Trong đó, quan trọng nhất là sự sẻ chia từ phía các thành viên trong gia đình. Nhiều việc mà đổ dồn lên một người sẽ vô cùng vất vả, nhưng nếu chia cho nhiều người cùng chung tay thì mọi việc sẽ nhẹ nhàng hơn.
Mặt khác, cần tính đến các giải pháp về an sinh xã hội nhằm giảm và phân phối lại lao động chăm sóc và việc gia đình không được trả lương như dịch vụ chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, người bệnh, người khuyết tật. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách và dịch vụ xã hội, trong đó có “phát triển các dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới”.
Có như vậy mới có thể thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ vào thị trường lao động, tạo việc làm, thu nhập, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự tham gia lãnh đạo, quản lý nhiều hơn của nữ giới.
Sông Côn