Chung tay, góp sức vì người nghèo
Công tác giảm nghèo là vấn đề được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đây là yêu cầu cấp bách, một nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của quá trình phát triển nhanh, bền vững.
Suốt những năm qua, các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương ban hành, triển khai thực hiện nhiều chương trình, chính sách dành cho người nghèo như Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, vốn vay ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Qua đó, bảo đảm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội, từng bước cải thiện và ổn định cuộc sống.
Cùng với các chính sách của Nhà nước, nhằm huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình để chăm lo, giúp đỡ người nghèo, cách đây 24 năm, vào ngày 17/10/2000, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và chính thức lấy ngày 17/10 hàng năm là “Ngày vì người nghèo” và tổ chức “Tháng cao điểm vì người nghèo” từ ngày 17/10 - 18/11 hàng năm. Từ đó đến nay, phong trào “Vì người nghèo” ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
|
Ở tỉnh ta, suốt những năm qua, với tinh thần tương thân tương ái, các ngành, đơn vị, cán bộ, viên chức, lực lượng vũ trang, các nhà hảo tâm, người dân trong và ngoài tỉnh đã tích cực tham gia ủng hộ, giúp đỡ người nghèo. Mỗi sự sẻ chia, mỗi sự ủng hộ của các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp đều là những chiếc chìa khóa góp phần mở ra cánh cửa để những người nghèo, người yếu thế có cơ hội thay đổi cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, riêng trong năm 2023, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã vận động được trên 8,2 tỷ đồng. Từ nguồn vận động được đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 113 căn nhà đại đoàn kết, hỗ trợ 64 hộ nghèo phát triển sản xuất, hỗ trợ người dân khám chữa bệnh, trao tặng quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng gặp khó khăn trong xã hội nhân dịp lễ, tết.
Bên cạnh đó, từng ngành, đơn vị tùy theo khả năng, điều kiện thực tiễn cũng chủ động xây dựng, triển khai các mô hình hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác giảm nghèo và trực tiếp đối với hộ nghèo như mô hình “Dân vận khéo” gắn với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” tại các thôn (làng); thành lập nhóm hộ giúp nhau làm kinh tế, tổ phụ nữ tiết kiệm, cựu chiến binh giúp nhau làm kinh kế...Từ đó, tạo điều kiện, khích lệ, động viên các hộ nghèo nỗ lực vượt khó, chủ động phấn đấu thoát nghèo.
Điều này được thể hiện qua số lượng hộ nghèo giảm hằng năm. Chẳng hạn, năm 2022, toàn tỉnh có 6.782 hộ thoát nghèo, năm 2023 là 6.258 hộ.
Thực tế, không ai muốn mình nghèo cả, song vì nhiều lý do, cuộc sống của một số hộ gia đình vẫn còn nhiều khó khăn, tiếp tục cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành và toàn xã hội. Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, toàn tỉnh còn 10.220 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,84% so với tổng số hộ dân.
Để công tác giảm nghèo đạt được kết quả cao và bền vững, cùng với các nguồn lực đầu tư của nhà nước, tỉnh cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng.
Tháng cao điểm “Vì người nghèo” (diễn ra từ ngày 17/10 – 18/11/2024), chính là dịp để mỗi tổ chức, cá nhân thể hiện hành động thiết thực, cụ thể trong việc chăm lo, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Để khơi gợi, phát huy tinh thần đoàn kết “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo”, ngày 14/10/2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã có Thư kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ công nhân viên chức, các lực lượng vũ trang, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ đối với Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh Kon Tum.
Với tinh thần đoàn kết, yêu thương, bằng tấm lòng, sự thấu hiểu, cảm thông, mỗi sự ủng hộ sẽ tạo thêm nguồn lực để các cấp, ngành tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động giúp đỡ cho người nghèo và những số phận kém may mắn, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo của tỉnh.
Bên cạnh đó, những hộ nghèo, cận nghèo cũng cần phát huy hơn nữa ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thiên Hương