Chiến thắng của tinh thần Việt Nam - Bài 4: Vượt gian nan, lập kỳ tích
Đến bây giờ, chúng ta tự hào rằng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Kon Tum đã đoàn kết một lòng, chiến đấu và chiến thắng đại dịch Covid-19, vượt qua bao gian nan, lập nên những kỳ tích.
Từ đầu năm 2020, không nằm ngoài tình hình chung của cả nước, dịch bệnh Covid-19 đã gây nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội, an sinh, an ninh trật tự, an toàn xã hội tỉnh ta.
Dịch bệnh đã tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội, gây tâm lý bất an trong nhân dân; gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại; làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã quyết liệt hành động, đổi mới cách làm, tranh thủ thời cơ, phát huy tinh thần đoàn kết, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
|
Ở tuyến đầu, lực lượng y tế, công an, quân đội... ngày đêm truy vết, khoanh vùng, dập dịch, điều trị, cứu sống nhiều bệnh nhân Covid-19, ngăn dịch lây lan trong cộng đồng.
Cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực khắc phục khó khăn, tìm mọi cách để sản xuất kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” mà Chính phủ đề ra.
Nhân dân các dân tộc trong tỉnh vừa đồng lòng chống dịch, vừa thi đua lao động sản xuất, đóng góp tiền của, sức lực để chia sẻ, ủng hộ các tỉnh, thành bị dịch, giúp đồng bào vơi bớt khó khăn.
Vượt qua gian khó, những con số thống kê đủ làm những người “khó tính” nhất cũng phải hài lòng: 11/13 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,39%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,5% so với năm 2019.
Nhưng làn sóng dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng 4/2021, và đến tháng 10/2021 lây lan trong cộng đồng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, an toàn của người dân và tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh đã triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời những quyết sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, từ tháng 10/2021, việc chuyển hướng chiến lược từ “zero Covid” sang “thích ứng linh hoạt” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ được triển khai với tinh thần chủ động, linh hoạt, tạo điều kiện tốt nhất cho sản xuất kinh doanh; khắc phục các điểm nghẽn và bất cập; điều hành hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch bệnh.
|
Để phù hợp và chủ động hơn khi đáp ứng với cụ thể từng cấp độ dịch, UBND tỉnh đã điều chỉnh các hoạt động cụ thể về cách ly, xét nghiệm, di chuyển đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19; dừng các chốt liên ngành kiểm soát dịch bệnh trên toàn tỉnh, đảm bảo thông suốt hoạt động giao thông vận tải, vận chuyển hàng hóa.
Trong lĩnh vực kinh tế, tỉnh đã mạnh dạn “mở cửa” cho hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách an toàn. Triển khai các biện pháp ổn định thị trường, tăng cường dự trữ hàng hóa, ổn định cung cầu trước tình hình dịch bệnh phục vụ nhu cầu của nhân dân khi nhu cầu sử dụng tăng cao trong từng giai đoạn của dịch bệnh.
Kết quả là năm 2021, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) tăng 6,47% so với năm trước. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 47,1 triệu đồng, thu ngân sách nhà nước đạt 3.500 tỷ đồng, đạt 100% dự toán địa phương giao, bằng 115,4% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt 290,5 triệu USD (179% kế hoạch).
Bước sang năm 2022, tỉnh ta tiếp tục thể hiện sức chống chịu dẻo dai, “viết” nên một câu chuyện phục hồi kinh tế-xã hội thành công trong điều kiện bị bủa vây bởi đại dịch Covid-19 và thiên tai.
Tại Hội nghị lần thứ 10 (mở rộng), được tổ chức ngày 2/12/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã đánh giá, với sự đoàn kết, nhất trí, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Kon Tum đã vững vàng vượt qua khó khăn, đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Có thể chứng minh bằng các số liệu chính sau: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 17.627 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021; thu ngân sách nhà nước ước đạt 4.000 tỷ đồng, đạt 100% dự toán, bằng 109,32% so với cùng kỳ; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước khoảng 23.191 tỷ đồng, đạt 100,83% kế hoạch và tăng 15,95% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư vẫn là điểm sáng với tổng vốn đăng ký gần 1.655,6 tỷ đồng.
Các lĩnh vực Giáo dục, Y tế đạt nhiều tiến bộ lớn. Du lịch thể hiện đà tăng trưởng mạnh mẽ nhất sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, với 1,1 triệu lượt khách, đạt 122,22% kế hoạch, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ. Tổng doanh thu ước đạt 265 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Những thành quả có được từ quá trình phục hồi năm 2021 và tăng trưởng năm 2022 là nền tảng để tỉnh ta xác định tầm nhìn phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2023.
Trong 9 tháng năm 2023, kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi khả quan. Nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng có chuyển biến tích cực hơn qua từng tháng, từng quý.
Đáng chú ý nhất là tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,87%, cao nhất khu vực Tây Nguyên. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 19.757 tỷ đồng, đạt 73,17% kế hoạch và tăng 17,28% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, lĩnh vực du lịch ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong cán cân kinh tế. Trong 9 tháng, đã thu hút khoảng 1.162.450 lượt du khách, đạt 89,42% kế hoạch và tăng 20,21% so với cùng kỳ năm trước.
Từ “zero Covid” đến “thích ứng linh hoạt”, từ “giảm sâu” đến “phục hồi và tăng trưởng” là một hành trình dài đầy gian khó, có mất mát và hy sinh, có ám áp nghĩa tình, cũng có những câu chuyện buồn về sự nóng vội, duy ý chí trong thực thi nhiệm vụ.
Nhưng vượt qua chông gai, thử thách sẽ tạo ra những “xung lực mới” cho phát triển và mở ra vận hội mới.
Xin mượn ý của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, chúng ta tuy “đi sau nhưng về trước trong phòng chống dịch”.
Đó là chiến thắng của tinh thần Việt Nam!
Hồng Lam