Chiến thắng của tinh thần Việt Nam - Bài 3: Trong gian khó càng thấu tỏ nghĩa tình
Từ trong dịch bệnh, tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ, chung sức đồng lòng được phát huy mạnh mẽ. Hơn hai năm chống dịch, trải qua bao gian khó, càng thấu tỏ tình quê hương, nghĩa đồng bào.
Có một giá trị được đúc kết từ lịch sử vệ quốc, đó là mỗi khi có giặc, thì tinh thần đoàn kết, sự cống hiến, hy sinh và lòng nhân ái, đùm bọc, sẻ chia được thể hiện cao nhất.
Với “giặc” Covid-19 cũng vậy. Hơn hai năm chống dịch, trải qua bao gian khó, càng thấu tỏ tình quê hương, nghĩa đồng bào.
Tại các địa phương, chính quyền cùng lực lượng Quân đội, Công an, các cơ quan chức năng triển khai các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội; rà soát, lập danh sách các trường hợp khó khăn để tiếp cận, hỗ trợ, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng.
Với nhiều doanh nghiệp, khi dịch bệnh hoành hành, cố gắng bảo đảm được việc làm cho người lao động cũng là một cách để chia sẻ, giúp đỡ. Một chủ doanh nghiệp nói rằng, dù khó khăn đến mấy, vẫn phải duy trì sản xuất, vì nếu dừng lại, đời sống của hàng chục gia đình công nhân, trong đó chủ yếu là người DTTS, sẽ khốn đốn vì không có thu nhập.
|
Từ tháng 10/2021 Phong trào thi đua đặc biệt “Nhân dân tỉnh Kon Tum đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng nhân dân cả nước thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do UBND tỉnh phát động lan tỏa mạnh mẽ.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức phong trào thi đua cụ thể, phù hợp với thực tiễn nhằm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe nhân dân.
Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực, chủ động tham gia phong trào với tinh thần “triệu trái tim, một ý chí”, vừa thi đua chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch bệnh, vừa nêu cao truyền thống “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn.
Với tư tưởng “ai có sức góp sức, ai có của góp của”, những ngày dịch bệnh hoành hành, biết bao nhiêu người đã tích cực góp lương thực, thực phẩm gửi tặng người dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Có không ít hộ gia đình, mà tôi biết hoàn cảnh còn khó khăn, chặt buồng chuối, cắt vườn rau, đào gốc mì đem đến tặng khu cách ly tập trung, hỗ trợ các gia đình khó khăn.
Ở xã Đăk Pék (huyện Đăk Glei), bà con đồng bào Xơ Đăng đi vào rừng bẻ măng từ sáng sớm để đến chiều kịp góp những búp măng rừng tươi rói vào chuyến xe chở lương thực, thực phẩm ủng hộ người dân Thành phố Hồ Chí Minh đang bị phong tỏa để chống dịch Covid-19.
Hay ở huyện Tu Mơ Rông, bà con dân tộc Xơ Đăng thu hái các loại nông sản như bắp, bí đỏ, chuối, măng rừng, đu đủ, su su để ủng hộ người dân vùng dịch.
Còn nhiều, rất nhiều câu chuyện xúc động như vậy!
Khi dịch bệnh Covid-19 “tấn công” Kon Tum, hàng chục tấn lương thực, thực phẩm (rau, củ quả, thịt, cá) được huy động, quyên góp, đưa vào Bệnh viện dã chiến số 1 tỉnh, các khu cách ly y tế tập trung. Nhiều tổ, nhóm tình nguyện viên được thành lập hỗ trợ các gia đình khó khăn; vào các điểm cách ly nấu ăn phục vụ người dân.
Lòng nhân ái, sự sẻ chia càng thể hiện rõ trong những ngày cuối tháng 7/2021, khi người dân ồ ạt từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai theo đường Hồ Chí Minh về địa bàn tỉnh và một số tỉnh miền Trung, miền Bắc bằng xe mô tô, qua Chốt kiểm soát Sao Mai (xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum).
Tại đây, lực lượng Cảnh sát giao thông cùng lực lượng tình nguyện phát đồ ăn, nước uống và xăng xe miễn phí cho người dân; tổ chức dẫn đoàn đi qua hết địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn.
Nhiều gia đình, cá nhân đã mua nước, sữa hỗ trợ người dân khi đến điểm dừng tại Chốt Sao Mai. Thậm chí, có gia đình đã phát hàng nghìn suất cơm và nước uống, sữa.
Dù cũng đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng đông đảo người dân đã tích cực tham gia hỗ trợ, tiêu thụ nông sản giúp nông dân các vùng trên cả nước. Tháng 6/2021, đã có hàng chục tấn vải thiều Bắc Giang được mua bởi những tấm lòng tương thân tương ái.
|
Hưởng ứng Thư kêu gọi ủng hộ Quỹ vắc xin Covid-19 và Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Kon Tum ngày 8/6/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn, đông đảo nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã nhiệt tình tham gia.
Rất nhanh chóng, Quỹ vắc xin phòng Covid-19 trở thành nơi hội tụ của niềm tin, từ số tiền lớn hàng trăm triệu đồng của các sở, ngành, doanh nghiệp, đến vài chục nghìn đồng tiết kiệm tiền ăn sáng của học sinh.
Mọi người đều tin rằng, mỗi đóng góp của mình vào Quỹ đều hướng tới mục tiêu bảo đảm cuộc sống an toàn hơn của bản thân, gia đình, cộng đồng và cả xã hội.
Tôi đã không kìm được xúc động khi chứng kiến cô giáo trẻ, dạy tại một trường mầm non tư thục ở thành phố Kon Tum, đã ủng hộ số tiền 5 triệu đồng. Đây là toàn bộ số tiền lãi em thu được từ việc bán hàng online trong tháng qua. Từ đầu tháng 5/2021, trường học đóng cửa do dịch bệnh, cô không có việc làm, phải xoay sở mưu sinh bằng bán hàng online.
Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà cô giáo trẻ lãng quên trách nhiệm của một công dân.
Không phải cứ xông lên tuyến đầu mới là “đánh giặc”- bà Nguyễn Thị Đức Hạnh, một cựu tù chính trị, đã nói như vậy, khi gom góp tiền trợ cấp và lương hưu, đưa con trai mua lương thực, thực phẩm ủng hộ các khu cách ly tập trung và ủng hộ Quỹ vắc xin.
Đúng là trong gian khó càng thấu tỏ nghĩa tình!
(còn nữa)
Hồng Lam