Chiến thắng của tinh thần Việt Nam - Bài 1: “Việt Nam đã làm được những điều tưởng như không thể”
Đại dịch Covid-19 đi qua, để lại những nỗi đau, những vết dấu tàn phá, nhưng cũng để lại những bài học kinh nghiệm sâu sắc về tinh thần đoàn kết dân tộc; sự quyết liệt mà linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời, đem lại cơ hội tăng sức đề kháng, khả năng chống chịu mạnh mẽ hơn trước những tai họa khó lường trong tương lai.
Sáng 29/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covíd-19 tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19.
“Việt Nam đã làm được những điều tưởng như không thể”- là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị.
Tháng 12/2019, thế giới ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Đến ngày 23/1/2020, Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên.
|
Sau hơn một năm, tháng 4/2021, dịch bệnh bùng phát đợt thứ tư với biến chủng Delta độc lực cao, tốc độ lây lan nhanh, xâm nhập sâu trong cộng đồng tại 62 tỉnh, thành. Đợt dịch này gây hậu quả nặng nề, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hơn 43.000 ca tử vong do Covid-19 trên cả nước là nỗi đau xót không gì bù đắp được.
Đôi khi, ngôn từ cũng bất lực trước cảm xúc. Chỉ có ai đã từng sống trong hoàn cảnh đặc biệt mới có thể hiểu hết. Và hẳn sẽ rất lâu nữa, chúng ta mới có thể quên đi những ngày “không đáng nhớ” ấy.
Vnexpress dẫn lời Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Đó là những ngày tháng không thể ngủ được”.
Đại dịch ập đến, khó khăn tứ bề, nhưng Việt Nam đã đoàn kết, thống nhất một lòng, làm được những điều tưởng như không thể, mang lại bình yên cho nhân dân.
Quân đội đã huy động 192.000 cán bộ chiến sĩ tham gia chống dịch. Trong đó, 23.000 người tham gia kiểm soát dịch bệnh; 6.500 người tham gia tiêm chủng cho người dân; 116.500 người làm nhiệm vụ cách ly công dân nhập cảnh; 46.000 người làm tuần tra biên giới, đảm bảo an sinh xã hội, mai táng, vận chuyển tử thi, vận chuyển hàng hóa.
Lực lượng Công an đã huy động 3,3 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia chống dịch; lập hơn 10.000 chốt cách ly và bệnh viện dã chiến; 560.000 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia truy vết, khoanh vùng. 11 công an tử vong do Covid-19, trong đó 6 người hi sinh khi chống dịch.
Lực lượng báo chí đã xung kích, đồng hành, xả thân cùng cả nước chống dịch. Nhiều tin bài chất lượng, có giá trị vượt thời gian đã được xuất bản, là “liều thuốc an sinh tinh thần” với người dân.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tuy có những lúc bị động, lúng túng do chưa có kinh nghiệm nhưng chúng ta đã kịp thời chuyển trạng thái từ “zero Covid” sang thích ứng an toàn khi đã bao phủ vắc xin.
Nhờ nỗ lực của cả hệ thống, Việt Nam đã sớm mở cửa các hoạt động kinh tế - xã hội trong nước từ ngày 11/10/2021 và mở cửa với quốc tế từ ngày 15/3/2022.
Từ ngày 20/10/2023, Việt Nam chuyển phân loại Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, theo Quyết định số 26/2023/QĐ-TTg ngày 19/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Và ngày 28/10/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 174/NQ-CP bãi bỏ một số Nghị quyết phòng, chống dịch Covid-19 do Chính phủ ban hành trong thời gian chống dịch.
|
“Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch một lần nữa khẳng định tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực”- Thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời gửi lời cảm ơn nhân viên y tế, bộ đội, công an, lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch; tổ chức quốc tế hỗ trợ Việt Nam.
Tùy góc nhìn, mỗi người có thể có những bài học khác nhau sau đại dịch. Nhưng theo các chuyên gia, nổi lên 3 bài học lớn.
Một là tôn trọng ý kiến của giới chuyên môn. Trong giai đoạn đầu của dịch, số người mắc còn ít, chiến lược “zero virus” có vẻ hiệu quả. Bằng cách quyết liệt phát hiện, truy vết, khoanh vùng, cách ly, bước đầu tình hình cả nước khá yên ắng, nhưng nhiều nhà chuyên môn nhấn mạnh, biện pháp đó chỉ làm chậm sự lan truyền của bệnh, chứ không ngăn được bệnh. Chỉ có vắc xin mới giải quyết triệt để căn bệnh truyền nhiễm này.
Sau đó, chiến lược vắc xin được triển khai với 3 thành tố quan trọng, đã tạo đột phá trong chống dịch. Đó là lập Quỹ Vắc xin để huy động nguồn lực tài chính; tiến hành ngoại giao vắc xin để tiếp cận vắc xin trong bối cảnh “có tiền cũng không mua được” do tiếp cận vắc xin không bình đẳng; triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay miễn phí cho toàn dân.
Và rất nhanh chóng, Chiến lược vắc xin cho thấy hiệu quả: Dịch Covid-19 ở phía Nam bị chặn đứng vào tháng 10/2021.
Bài học thứ hai là đối phó với nạn trục lợi. Đại dịch tàn phá nền kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội, đời sống nhân dân, buồn thay, lại thành dịp làm ăn, kiếm lợi gấp nhiều lần trên hoàn cảnh ngặt nghèo của người khác. Ngay từ đầu dịch, một chai nước sát khuẩn từng bị hét giá lên một triệu đồng, một hộp khẩu trang 500 nghìn đồng... Bao nhiêu người “ôm hàng” khẩu trang, que test, thực phẩm chức năng chữa Covid, rao bán với giá trên trời.
Qua giai đoạn đầu, Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành đã quyết liệt đấu tranh ngăn chặn nạn trục lợi, với hàng loạt vụ việc được đưa vào tầm ngắm, nhiều quan chức bị xử lý, đỉnh điểm là “đại án Việt Á”.
Bài học thứ ba là tinh thần quyết liệt của toàn xã hội. Từ sự chỉ đạo quyết đoán như thời chiến của Đảng, Nhà nước; tinh thần y đức mẫu mực xả thân của ngành Y, đến sự đồng lòng chung sức của tất cả các lực lượng, các tầng lớp xã hội.
Có thể khẳng định, chúng ta đã chiến đấu và chiến thắng đại dịch Covid-19 bằng tinh thần Việt Nam.
(còn nữa)
Hồng Lam