Niềm vui của giáo viên dạy xóa mù chữ
Hơn 2 năm trở lại đây, công việc trên bục giảng của nhiều giáo viên tại huyện biên giới Sa Thầy thêm phần thú vị với lớp học xóa mù chữ. Dù có không ít gian nan do rào cản về ngôn ngữ, tuổi tác, song các thầy cô đã góp phần thắp sáng ước mơ giản dị biết đọc, biết viết của nhiều người.
Sau 1 ngày dài dạy học chính khoá cho các em học sinh lớp 1 tại Trường Tiểu học xã Rờ Kơi, cô giáo Y Phiên lại vội vã trở về nhà để kịp chuẩn bị đến với lớp xóa mù chữ tại điểm trường thôn Kram.
Đều đặn vào các ngày trong tuần, sau những giờ lên rẫy, tối đến, bà con trong thôn lại rủ nhau đến điểm trường để học con chữ. Chập choạng tối, đã có nhiều học viên đến lớp sớm. Cô giáo Y Phiên tranh thủ đến tổ chức sinh hoạt hay tâm sự với các học viên để nắm được hoàn cảnh, nguyện vọng của từng người. Sự gần gũi ấy đã giúp học viên cởi mở, tích cực hơn trong học tập.
Cô giáo Y Phiên cho biết: Người không biết chữ, đặc biệt là phụ nữ thiệt thòi vô cùng. Vì vậy, việc triển khai lớp học xóa mù chữ thực sự rất ý nghĩa. Dù ban ngày có nhiều công việc ở trường, nhưng tối đến, giáo viên chúng tôi vẫn rất phấn khởi để lên lớp. Nhìn mọi người bắt đầu biết viết những nét chữ đầu tiên tôi có thêm động lực để cố gắng.
|
Khi nhận nhiệm vụ đứng lớp giảng dạy cho học viên xóa mù chữ, cô giáo Lê Thị Mai - giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Ya Ly phần nào đó cũng bị áp lực bởi cường độ công việc. Để khắc phục khó khăn, cô đã vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm bản thân tích lũy được trong thời gian công tác để nghiên cứu phương pháp dạy hiệu quả nhất.
Cô Mai cho biết: Trăn trở nhất của những người giáo viên đứng lớp xóa mù chữ có lẽ là duy trì được sĩ số lớp. Đa phần học viên ban ngày đi làm rẫy, nên phải tạo động lực để mọi người cố gắng tới lớp đầy đủ. Bản thân giáo viên cũng cố gắng sắp xếp thời gian, cân bằng công việc ở nhà để tới lớp dạy mỗi tối. Tuy vất vả nhưng nhìn các cô chú nắn nót những dòng chữ lại thêm niềm vui.
Học viên của các lớp học xóa mù chữ là người DTTS, độ tuổi từ 15 - 60 tuổi, đa số đang là lao động chính của gia đình. Quỹ thời gian tự học không có nhiều, do vậy để tiện trao đổi bài vở, hướng dẫn học viên, giáo viên thường xuyên đến tận nhà để đôn đốc học viên học ôn bài cũng như động viên, chia sẻ những khó khăn trong quá trình học của học viên. Đặc biệt, những học viên nào tiếp thu bài chậm, giáo viên dành thêm thời gian để kèm cặp.
Bà Y Hu, thôn Kram, xã Rờ Kơi chia sẻ: Cô giáo dạy chúng tôi từng chữ, tôi đã biết đánh vần, đọc được và tính toán một số phép tính. Bây giờ lên xã làm giấy tờ mình không phải lăn tay nữa, đi mua thuốc cũng biết đọc hướng dẫn rồi, đi mua đồ ăn hằng ngày cũng biết tính. Biết chữ, cuộc sống tốt hơn, nên tôi thật sự biết ơn cô, thầy đã giúp bà con ở đây.
|
Từ năm 2022 đến nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Thầy đã mở 46 lớp xóa mù chữ với hơn 1.200 học viên tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Giáo viên tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ được lựa chọn kỹ, ưu tiên người địa phương, giáo viên trẻ, tâm huyết, nhiệt tình cống hiến với nghề.
Bên cạnh đó, từ nguồn ngân sách địa phương, Phòng đã cân đối, kịp thời chi cho giáo viên dạy lớp xóa mù chữ theo mức lương cơ sở vùng. Đến nay, các lớp học đã phát huy được hiệu quả, học viên từng mù chữ, tái mù giờ đây có thể biết đọc, viết, tính toán.
Ông Hoàng Đình Tuyên- Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Thầy cho biết: Dạy xóa mù chữ rất vất vả, đòi hỏi những thầy cô kiên nhẫn, có kinh nghiệm lâu năm để đứng lớp. Lãnh đạo huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo và các địa phương cũng rất quan tâm, thường xuyên xuống kiểm tra, nắm bắt tình hình, động viên các thầy cô giảng dạy cũng như học viên.
Niềm vui của giáo viên dạy xóa mù chữ chính là được thấy học viên biết đọc, biết viết. Với tinh thần tự nguyện, tận tâm, tận tụy tham gia giảng dạy của các thầy cô giáo, những học sinh “đặc biệt” này quyết tâm học lấy con chữ để nâng cao nhận thức, có nếp nghĩ mới, cách làm mới, xây dựng cuộc sống của chính mình ngày càng tiến bộ, no ấm, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
DIỆP HOÀNG