Giám sát việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt
Sáng 21/11, Đoàn Giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Nghe Minh Hồng- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh về tình hình giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Buổi làm việc được kết nối trực tuyến với điểm cầu các huyện, thành phố.
|
Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm- Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; Thường trực HĐND, UBND các huyện, thành phố.
Theo kết quả rà soát đầu năm 2022, toàn tỉnh có 626 hộ thiếu đất ở, 1.850 hộ có nhu cầu hỗ trợ nhà ở, gần 1.400 hộ thiếu đất sản xuất và trên 5.000 hộ có nhu cầu hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán.
Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã giải quyết hỗ trợ đất ở cho 139 hộ; hỗ trợ nhà ở cho 915 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho hơn 1.000 hộ; trên 5.000 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán.
Các huyện đã đầu tư xây dựng 35 công trình nước sinh hoạt tập trung cho hơn 2.700 hộ dân hưởng lợi với tổng kinh phí thực hiện hơn 146 tỷ đồng, trong đó giải ngân trên 100 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 71%.
Qua đánh giá, việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt, thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, đặc biệt là đối với hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã từng bước giúp các đối tượng thụ hưởng chính sách yên tâm phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ đó, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Đoàn giám sát HĐND tỉnh, thời gian qua, công tác khảo sát, rà soát nội dung thực hiện tại một số địa phương còn chậm, chưa chặt chẽ, đồng bộ; chưa phát huy hiệu quả của các công trình thuộc dự án sau đầu tư; chậm ban hành quy định về định mức đất ở, đất sản xuất. Trong đó, đáng chú ý là chính quyền các địa phương chưa kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc hỗ trợ đất ở, nhà ở, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ban, ngành và lãnh đạo huyện, thành phố trên địa bàn tích cực tham gia ý kiến phân tích những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các nội dung nêu trên. Đồng thời đề xuất một số giải pháp hữu hiệu để tập trung tháo gỡ khó khăn, nhằm thực hiện có hiệu quả hơn nhiệm vụ này trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh phối hợp cùng UBND tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm giải quyết các khó khăn, vướng mắc tại địa phương khi triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách về giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối với hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS.
|
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nghe Minh Hồng- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đề nghị, UBND tỉnh và các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ dân còn thiếu. Trong đó, cần đảm bảo việc hỗ trợ được thực hiện trong thời gian sớm nhất, ngay sau khi cấp có thẩm quyền bố trí vốn.
Trong quá trình thực hiện, UBND các cấp, các cơ quan chuyên môn cấp trên cần thường xuyên nắm bắt tình hình, tiến độ triển khai để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn cấp dưới thực hiện cho đúng. Đặc biệt, UBND cấp xã phải chủ động báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong thực tế để cơ quan có thẩm quyền có giải pháp tháo gỡ trên tinh thần khó ở đâu tháo gỡ ở đó, vướng cấp nào cấp đó giải quyết.
UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan, chính quyền các cấp sâu sát với cơ sở, nắm chắc địa bàn; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đối tượng thụ hưởng chính sách tổ chức sản xuất, sử dụng có hiệu quả nguồn lực chính sách; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, không để tình trạng sử dụng sai mục đích nguồn hỗ trợ xảy ra trên địa bàn như chuyển nhượng, không sử dụng, sử dụng không đúng quy định.
Các cấp, các ngành cần nắm rõ những chuyển biến trong đời sống của từng hộ gia đình được thụ hưởng chính sách. Trên cơ sở đó, kịp thời đánh giá sự phù hợp của các nội dung được hỗ trợ; có giải pháp điều chỉnh nội dung, hình thức hỗ trợ nếu xét thấy cần thiết nhằm phát huy cao nhất mục đích của chính sách.
Quang Định