Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
Trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng hiện đang tập trung nỗ lực thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, từng bước hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 29 (khóa XI) “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đề ra. Trong đó, để thực hiện thành công đổi mới giáo dục, đội ngũ cán bộ, giáo viên đóng vai trò quyết định, đòi hỏi không chỉ đủ về số lượng mà còn phải đảm bảo về chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Toàn tỉnh có 11.963 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó, có 896 cán bộ quản lý, 9.846 giáo viên. Thực hiện kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đối với Đề án phát triển đội ngũ giáo viên mầm non và phổ thông ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành Giáo dục tỉnh đã đặt ra mục tiêu phấn đấu có 55% giáo viên cấp mầm non, 3% đối với giáo viên cấp tiểu học và THCS, 15% đối với giáo viên cấp THPT đạt trên chuẩn về trình độ đào tạo; 100% cán bộ quản lý và giáo viên được bồi dưỡng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, 100% cán bộ quản lý và giáo viên được bồi dưỡng thường xuyên theo yêu cầu vị trí việc làm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hằng năm.
Theo đó, để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đáp ứng triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, ngành Giáo dục tỉnh đã không ngừng phối hợp, tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, gắn với nhu cầu thực tiễn và tình hình thực tế của địa phương, từng bước đáp ứng yêu cầu chuẩn nghề nghiệp và yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.
|
Không chỉ chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, ngành Giáo dục và các địa phương trong tỉnh còn rất quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Sự quan tâm này thể hiện rất rõ ở việc triển khai hiệu quả các chế độ chính sách dành cho nhà giáo, kịp thời động viên, khen thưởng cán bộ, giáo viên đạt các thành tích trong thực hiện nhiệm vụ.
Dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên việc xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên vẫn còn những khó khăn. Đơn cử từ chuyện thiếu giáo viên như trở thành “điệp khúc” vào đầu mỗi năm học mới khiến ngành Giáo dục và các đơn vị trường học, đặc biệt các trường học ở vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn trong việc phân công, bố trí lịch giảng dạy ở các khối lớp.
Ngay đầu năm học 2024-2025 này, theo Sở GD&ĐT, toàn tỉnh thiếu 468 giáo viên, trong đó, bậc mầm non thiếu 339 giáo viên, bậc tiểu học thiếu 66 giáo viên, bậc THCS thiếu 41 giáo viên và bậc THPT thiếu 22 giáo viên. Trong khi đó, năm học này là năm học ngành Giáo dục tỉnh triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 cho các lớp cuối cấp 5, 9, 12 để thực hiện đổi mới đầy đủ, đồng bộ các môn học và hoạt động giáo dục phổ thông, đồng thời cũng là năm đầu tiên triển khai kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với nhiều đổi mới.
Để thực hiện đảm bảo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 và thống nhất chủ trương “có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp”, ngành Giáo dục đã rà soát, bố trí, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ, linh hoạt trong việc sắp xếp, phân công giáo viên dạy học bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt là một số môn học như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật; đồng thời chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức dạy học, khắc phục triệt để tình trạng thiếu giáo viên cục bộ. Một số trường đã tiến hành hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP khi chưa tuyển dụng đủ giáo viên theo định mức, bố trí giáo viên linh hoạt giữa các cấp học ở một số bộ môn, giáo viên ở vùng thuận lợi tình nguyện dạy trực tuyến hỗ trợ các trường vùng sâu, vùng xa thiếu giáo viên.
|
Không chỉ là chuyện thiếu giáo viên vào đầu mỗi năm học, với đặc thù của một tỉnh miền núi nên đời sống của cán bộ, giáo viên, nhất là cán bộ, giáo viên đang công tác ở các xã vùng sâu, vùng xa mặc dù được hưởng nhiều chính sách, chế độ phụ cấp ưu đãi nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn những khó khăn. Nghề giáo với đặc thù thời gian gắn bó với lớp, với trường nhiều. Trong khi đó, các điều kiện sinh hoạt hạn chế, đường sá đi lại khó khăn, ngoài giảng dạy ở lớp còn chăm lo cho các em có bữa ăn bán trú đủ đầy, còn phải băng rừng, lội suối đến từng nhà vận động các em đến lớp.
Xác định muốn đổi mới giáo dục thành công trước hết phải bắt nguồn từ đội ngũ nhà giáo, thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh luôn động viên, hỗ trợ các thầy giáo, cô giáo khắc phục khó khăn, không ngừng nỗ lực và sẵn sàng đổi mới chính mình, nâng cao ý thức tự học, tự rèn để đáp ứng với các yêu cầu đặt ra.
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trình bày dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó đề xuất lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và hưởng phụ cấp thâm niên. Dẫu mới chỉ là đề xuất và để trở thành hiện thực cũng là cả quá trình, tuy nhiên đây cũng là một sự động viên lớn, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo nói chung và đội ngũ nhà giáo trên địa bàn tỉnh nói riêng cùng nhau nỗ lực, gắn bó với nghề, trở thành nhân tố quyết định đến chất lượng quá trình đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Nguyên Phúc