NGÀY DU LỊCH VIỆT NAM (9/7)
Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Những năm qua, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã xây dựng các đề án, chương trình phát triển ngành Du lịch với mục tiêu đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh đến năm 2020. Chiến lược phát triển ngành Du lịch tỉnh Kon Tum là đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tăng khả năng thu hút khách du lịch.
Để đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thời gian qua, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa ra nhiều giải pháp như điều tra, đánh giá hiện trạng về tài nguyên du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch nhằm phát hiện các tài nguyên chưa được khai thác, những tồn tại, những bất cập của hệ thống và đề ra hướng khắc phục; đầu tư cho loại hình vui chơi giải trí, quy hoạch làng văn hóa dân tộc, có chính sách quảng bá các lễ hội truyền thống...
Tuy vậy, theo các doanh nghiệp kinh doanh về du lịch, nhìn chung sản phẩm du lịch của Kon Tum trong thời gian qua còn đơn điệu; chất lượng sản phẩm du lịch còn hạn chế, việc khai thác còn khép kín, hiệu quả kinh doanh chưa cao. Đáng lưu ý là việc kết hợp sản phẩm và thị trường chưa được quan tâm đúng mức, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, chưa có các sản phẩm nổi bật, đặc trưng để thu hút khách, tạo ấn tượng mạnh, kích thích du khách trở lại.
Ông Huỳnh Đức Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay, chiến lược sản phẩm phải có tính cạnh tranh cao, chiến lược tăng trưởng vừa thể hiện khai thác tốt tài nguyên, đồng thời phải giữ vị trí chi phối cạnh tranh. Vì vậy, chiến lược sản phẩm phải xem sản phẩm du lịch trong một chuỗi liên hoàn, gắn kết, bổ sung cho nhau; do đó chất lượng sản phẩm phải gắn với các sản phẩm khác, ví như du lịch hội nghị - hội thảo gắn liền tham quan, nghỉ dưỡng…
Ông Phan Văn Hoàng – Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch nhìn nhận: Điểm yếu trong chiến lược sản phẩm du lịch ở Kon Tum là chưa gắn sản phẩm du lịch với chiến lược chung, chưa đánh giá chiến lược sản phẩm có phù hợp hay không. Sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng là quan trọng nhất của du lịch Kon Tum, là sản phẩm khung cho các sản phẩm khác. Các hoạt động hội nghị, hội thảo, nghiên cứu văn hóa, lễ hội... cũng phát triển từ loại hình du lịch nghỉ dưỡng, làm nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo nên sản phẩm đa dạng hơn.
|
Theo ông Huỳnh Đức Tiến, do nhu cầu của khách du lịch ngày càng đa dạng, và do cuộc cạnh tranh quyết liệt trong việc thu hút khách nên các địa phương phát triển du lịch, các đơn vị, cá nhân tham gia kinh doanh du lịch thường xuyên tiến hành việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới. Chính vì vậy, sản phẩm du lịch ngày càng trở nên đa dạng. Ngay trong cùng một nhóm sản phẩm, cơ cấu các loại sản phẩm cũng rất phong phú. Chẳng hạn, đối với dịch vụ lưu trú, tuỳ theo sở thích và khả năng thanh toán, khách du lịch có nhiều lựa chọn về loại phòng hoặc loại hình lưu trú, họ có thể lựa chọn một loại phòng ngủ nào đó tại khách sạn cao cấp, hoặc tại khu vực cắm trại, hoặc tại nhà dân...
Tour du lịch cũng được thiết kế theo nhiều loại khác nhau, có thể là tour chuyên đề (du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, du lịch hội thảo, du lịch mạo hiểm...) hoặc tour tổng hợp, tour mở... Ngay tại một cơ sở kinh doanh, các dịch vụ cũng được đa dạng hoá. Sự đa dạng hoá sản phẩm du lịch được thực hiện không chỉ bằng ở cách tạo ra các dịch vụ riêng lẻ mới, mà còn tạo ra các sản phẩm trọn gói mới.
Ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động để quảng bá, thu hút khách du lịch, góp phần giúp lượng khách du lịch đến Kon Tum năm sau luôn cao hơn năm trước. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, tổng lượng khách đến Kon Tum ước đạt 144.267 lượt khách, tăng 3,85% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, lượng khách quốc tế ước đạt 48.764 lượt khách, tăng 2,79% so với cùng kỳ; tổng ngày khách đến Kon Tum ước đạt 217.526 ngày, tăng 5,96% so với cùng kỳ; tổng doanh thu chuyên ngành ước đạt 86.256 triệu đồng, tăng 4,97% so với cùng kỳ; tổng doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt 323,064 tỷ đồng, tăng 2,25% so với cùng kỳ; công suất phòng ước đạt 61%, tăng 0,83% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo bà Phạm Thị Trung - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, việc xây dựng các sản phẩm du lịch phải theo định hướng chiến lược, xác định rõ thị trường trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, sản phẩm du lịch Kon Tum phải độc đáo, mang những giá trị đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch chất lượng cao; cần tập trung xây dựng các sản phẩm mang thế mạnh của tỉnh Kon Tum. Chính quyền và doanh nghiệp phải có sự gắn kết, hợp tác với nhau trong việc xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch.
Để thu hút khách đến với Kon Tum, trong thời gian tới, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch chú trọng tổ chức các hoạt động như: lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; ngày hội văn hóa - thể thao - du lịch các dân tộc; liên hoan cồng chiêng và đàn hát dân ca; mở các tour du lịch khám phá Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, rừng quốc gia Chư Mom Ray, tìm hiểu đời sống và văn hóa các dân tộc tại chỗ, du lịch tâm linh, du lịch về thăm chiến trường xưa; tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp, địa phương xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, các dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng; liên kết với các tỉnh đưa khách đến Kon Tum theo tour con đường xuyên Á qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, con đường di sản miền Trung-Tây Nguyên...
|
Bên cạnh đó, nghiên cứu và định hướng rõ trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, hấp dẫn mang thương hiệu riêng của Kon Tum. Xu hướng kết hợp giữa du lịch sinh thái và du lịch văn hóa bản địa với các loại hình du lịch: hội nghị, nghỉ dưỡng, mạo hiểm, cộng đồng, khám phá, tham quan các công trình kinh tế, nông nghiệp chất lượng cao, tạo cho du khách sự thích thú về các loại hình du lịch mới tại Kon Tum. Từ đó, ngành Du lịch tỉnh sẽ có những bước phát triển mới và Kon Tum ngày càng là điểm đến thực sự hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020.
Thảo Nguyên