Xin chữ ngày xuân
Đêm giao thừa, người người vẫn đứng xếp hàng, thành tâm chờ xin chữ từ các ông đồ. Những nét chữ: Tâm, Nhẫn, Bình an, Cát tường, Tín, Hiếu… được các ông đồ trân trọng viết trên tấm liễn đỏ như một họa phẩm trang trí, vừa cho tết thêm màu sắc và hương vị.
Thành tâm xin chữ ông đồ
Mỗi độ Tết đến xuân về, nhiều gia đình lại tìm chọn mua những câu đối đỏ, những bức thư pháp, những nét chữ treo trong nhà để cầu bình an, lộc tài. Tết nay, những ông đồ xưa vẫn ngồi đó, bên các tấm liễn màu đỏ, họ viết từng nét chữ phóng khoáng với tất cả tâm trí để cho, để tặng, để nhắc nhở đến nét đẹp truyền thống của ông cha – tục xin chữ ngày xuân.
Năm nào cũng vậy, suốt những ngày tết, ngôi nhà của ông đồ Lê Hát Sơn, thôn 2, xã Kroong, thành phố Kon Tum lại nhộn nhịp. Bên khoảng không gian nhỏ, người ghé đến chúc tết, người đến xin chữ làm cho không khí thêm đầm ấm, xum vầy.
Trong những giai điệu xuân rộn ràng, ông đồ Sơn nhìn vào từng người rồi có cách cho chữ khác nhau. Người kinh doanh ông cho chữ lộc, học sinh ông cho chữ trí, các cháu nhỏ ông cho chữ lễ, người lại được ông cho chữ nghĩa, cát tường, bình an… “Tôi mừng tuổi mọi người bằng các nét chữ với tất cả tấm lòng” – ông đồ Sơn chia sẻ.
Không chỉ cho “độc chữ”, ông còn viết những chữ thư pháp về tình nghĩa vợ chồng, những câu châm ngôn, lý lẽ sống, các câu đối đỏ để mọi người treo trước nhà.
|
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ không thể thiếu trong ngày tết, bởi vậy, năm nào tôi cũng thành tâm xin chữ từ ông đồ Sơn. Những nét chữ nhẹ nhàng, phóng khoáng được treo trong nhà gợi nhớ lại hương vị tết cổ truyền”- ông Hòa ở xã Sa Bình, huyện Sa Thầy chia sẻ.
Hình ảnh ông đồ Hồ Việt áo the, quần trúc bày mực tàu giấy đỏ tại chợ hoa đã quá quen thuộc với người dân huyện Đăk Hà. Giáp tết, dù khá bận bịu nhưng những bậc cao niên, trung niên cho đến các bạn trẻ vẫn ghé đến, vừa trò chuyện, vừa xin chữ về treo tại nhà. Nhiều người mải mê xem viết chữ đến tối mịt mới trở về nhà.
Đêm giao thừa, góc phố nơi ông đồ Việt viết chữ càng thêm đông đúc. Người người xếp hàng xin chữ, cầu may mắn cho một năm mới.
Dù còn trẻ nhưng gia đình anh Tuấn ở huyện Đăk Hà rất trân trọng việc xin chữ ông đồ. Bởi vậy, dù bận bịu nhưng cứ đến ngày 30, mùng Một tết, anh lại ghé đến, chờ để được xin chữ cho năm mới.
“Khi xin được chữ, thực sự rất vui mừng, bởi đó là tinh hoa xưa, là văn hóa. Nét chữ đó được gia đình tôi đặt ở nơi trang trọng nhất” – anh Tuấn nói.
Mỗi người đến xin chữ, ông đồ lại dồn hết tâm sức, vừa viết, vẽ vào tấm liễn đỏ, vừa gởi đến người dân với tất cả sự trân trọng. “Rất khó để cho chữ! Người nào thành tâm xin chữ, tôi cho rất dễ dàng nhưng có nhiều người chỉ xin để cho vui, không trân trọng thì tôi nhất quyết không cho” – ông đồ Việt nói.
Vui vì được… cho chữ
Vén mái tóc bạc ra sau mũ, ông đồ Lê Hát Sơn đặt hết tâm trí vào nét chữ chuẩn bị tặng cho khách. Tặng chữ, không lấy tiền, không lấy lộc, nhưng làm sao diễn tả hết niềm vui, niềm hạnh phúc trên gương mặt của ông đồ Sơn.
“Cuộc sống hiện đại nhưng mọi người vẫn không quên những giá trị truyền thống xa xưa, thật sự tôi rất mừng” – ông đồ Sơn phấn khởi.
Với nhiều bạn trẻ, việc viết thư pháp, làm ông đồ như một hình thức kinh doanh, nhưng với ông đồ Sơn thì không. Mỗi nét chữ ông cho, mỗi câu thư pháp ông viết ra với tất cả niềm đam mê, cái tâm của một ông đồ. Bởi vậy mới có chuyện, nhiều lần bày mực tàu giấy đỏ, cho chữ, tặng chữ đến lỗ vốn (tiền mua giấy, mua mực… - PV) nhưng ông vẫn rất vui mừng.
Ông đồ Sơn chia sẻ: Khi cho chữ, không phải họ gởi lộc nhiều là mình mừng. Nhiều người xin chữ, mình tặng không nhưng lại rất vui, bởi họ quý nét chữ của mình và hơn hết họ trân trọng giá trị truyền thống.
Tết 2015, ông đồ Hồ Việt không viết thư pháp, không ít người như cảm thấy thiếu vắng. “Ông đồ xưa đâu rồi?” – mỗi lần đi ngang chợ hoa, dù không nói ra nhưng ai nấy đều tìm kiếm, có chút gì đó buồn buồn.
Và ngay cả bản thân ông đồ Hồ Việt, chỉ 1 năm không được viết, không được cho chữ, đã thấy đau đáu, bồn chồn, khó chịu. “Mọi người cứ gọi điện hỏi thăm rồi xin chữ. Sau này dù bận bịu thế nào, tôi đều tranh thủ ngồi viết thư pháp” – ông Hồ Việt nói.
|
Chia sẻ với chúng tôi, ông Hồ Việt nói rằng, từ ngày viết chữ, viết thư pháp tặng, bán cho mọi người, cứ mỗi khi xuân chạm ngõ, ông lại thấy tâm trạng phấn khởi.
“Nhiều năm, tết chỉ ở nhà viết chữ cho mọi người nhưng vui lắm. Ít ra thì mọi người vẫn hiểu, vẫn trân quý những giá trị truyền thống” – ông đồ Hồ Việt nói.
Xuân gõ cửa phố phường. Tết chạm ngõ. Người người lại rộn ràng rủ nhau đi xin chữ về treo, đón một năm mới. Trong cái tất bật đó, ông đồ Lê Hát Sơn, Hồ Việt lại chuẩn bị cả sức khỏe, tinh thần, giấy mực để viết chữ cho mọi người.
Mỗi nét chữ cho đi, người nhận mong được lộc, tài, may mắn, sức khỏe, hạnh phúc, bình an trong năm mới; ước vọng thông qua chữ sẽ được hưởng phúc đức, tài năng của người cho chữ. Còn người cho chữ lại gởi gắm nỗi niềm, mong muốn: luôn giữ nét phong tục xưa, tết xưa trong nhịp sống hiện đại…
Bình An