Vững vàng cánh nỏ
Bắn nỏ, trước kia để săn bắn chim, thú trong rừng. Nỏ làm vũ khí, cùng với bẫy chông, hầm thò... chống giặc giữ làng giữ rẫy. Ngày nay, nỏ được dùng để trưng bày, được giới thiệu trong các lễ hội, đặc biệt là trở thành một trong những môn thể thao truyền thống hấp dẫn. Thể hiện sự khéo léo, tinh tường, sức mạnh và quyết tâm chinh phục những mục tiêu hướng tới, bắn nỏ bây giờ cuốn hút cả trẻ, già, trai, gái... quan tâm.
Đáng khâm phục bởi tài nghệ cồng chiêng, xoang, chế tác và diễn tấu các nhạc cụ dân tộc bằng tre nứa, già làng Brôl Vẻ còn khiến chúng tôi bất ngờ khi cũng là một trong số lão làng làm nỏ thiện nghệ ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi.
“Ông mình, cha mình làm, thì mình phải biết làm chứ! Cũng như cồng như chiêng, như đàn như trống ấy... Nhưng mà, làm ra cái nỏ khó lắm, không như tập cái chiêng cái sáo đâu...” - già bộc bạch.
|
Đã làm bao nhiêu chiếc nỏ, già Brôl Vẻ không nhớ hết; nhưng riêng chiếc nỏ chắc chắn và xinh xắn mà già đang giữ thì đã gần 10 năm rồi, càng ngắm càng thấy thích. Thi thoảng, già phải vót thêm những mũi tên để đi rừng bắn chim bắn chồn.
Chiếc nỏ tuy nhỏ bé, song với ông, để làm nên nó là cả một quá trình lâu dài và kỳ công. Lâu dài bởi nhiều lúc phải tìm kiếm và dành dụm nguyên vật liệu (gỗ, mây, nứa, sừng con thú rừng...). Kỳ công vì thực sự rất cần sự tỉ mỉ, trau chuốt; đòi hỏi sự kỹ càng, tinh tế chứ không thể qua loa, nóng vội trong từng khâu chế tác nỏ.
Chúng tôi gặp A Thảo - Đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an huyện Tu Mơ Rông tại hội thi bắn nỏ trong khuôn khổ Đại hội Thể dục thể thao lần thứ VI - năm 2018 của tỉnh Kon Tum.
Không đạt thành tích cao như mong muốn, nhưng A Thảo đã góp phần đưa đội vận động viên bắn nỏ của Công an tỉnh giành giải Nhất đồng đội ở môn thể thao dân tộc vô cùng hấp dẫn này.
A Thảo kể, em sinh ra và lớn lên ở làng Đăk Văn 3, xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông. Cha Thảo là ông A Dút, năm nay 65 tuổi, vẫn là nghệ nhân chưa có ai ở địa phương vượt qua tài chế tác nỏ truyền thống của người Xơ Đăng. Ngày nhỏ đã biết bắn nỏ và thường lân la xem cha làm nỏ, năm 2005 giành giải Nhất môn bắn nỏ tại Đại hội TDTT huyện, song đến năm 2014, A Thảo mới thực sự tập quen với việc chế tác dụng cụ này từ người cha thân yêu.
Cũng như chiếc nỏ của đồng bào các dân tộc thiểu số anh em Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, người Xơ Đăng làm nỏ từ các nguyên liệu của núi rừng.
Chiếc nỏ gồm những bộ phận chính: Thân nỏ, cánh cung, lẫy nỏ, dây cung. Cùng với chiếc nỏ, không thể thiếu tên bắn.
Thân nỏ và cánh cung được làm bằng lõi của loài gỗ tốt, tốt nhất là gỗ trắc, bởi vì gỗ trắc không chỉ bền chắc mà màu đen rất bắt mắt, để lâu còn “lên nước” bóng đẹp. Cùng với gỗ hương, cà te, có khi nỏ cũng được làm bằng cây búa - một loại gỗ quý của núi rừng Tu Mơ Rông.
Học hỏi kinh nghiệm chế tác nỏ từ chính người cha giỏi giang của mình, A Thảo nhận thấy, ngoài kích cỡ chiếc nỏ dành cho trẻ em hay người lớn dường như đã thành khuôn mẫu, khó nhất trong chế tác nỏ là khâu lắp đặt lẫy nỏ vào thân nỏ.
Lẫy nỏ, tốt nhất được làm bằng miếng sừng nai nhỏ; cũng có khi bằng sừng con mang, con trâu... Để đục một khoảng trống trên thân nỏ và đặt lẫy nỏ vào cho phù hợp, chính xác thực sự là thử thách, cần sự khéo léo, tinh tế của người làm nỏ.
Không chỉ có thế, bộ phận cánh cung được làm từ gỗ cũng đòi hỏi sự tinh xảo không kém. Thao tác chuốt cánh cung lúc nào cũng phải liên tục, đều tay, không được để lại vết xước, mới tạo ra bề mặt nhẵn thín như mong muốn.
Với chúng tôi, anh A Phông (35 tuổi), một người trẻ giỏi chế tác nỏ ở thôn Măng Đen, xã Đăk Long, huyện Kon Plông chia sẻ: Việc gì cũng cần chịu khó học hỏi và tính cần cù, siêng năng mới làm tốt được. Riêng làm cái nỏ càng cần rút kinh nghiệm nhiều. Cố gắng làm nhiều chiếc thì mới biết chỗ để sửa chữa, bổ sung, cái nỏ sau mới tốt hơn cái trước.
Ông và cha A Phông đều giỏi làm nỏ. Từ khi 11-12 tuổi, anh đã được chỉ dạy để làm những chiếc nỏ nho nhỏ cho chính mình. Đến giờ, khi cha qua đời, A Phông đã có thể tự làm ra những chiếc nỏ vừa bền vừa đẹp.
Theo A Phông, mỗi bộ phận cấu thành chiếc nỏ đều cần được chế tác tỉ mỉ, kỹ càng. Không riêng cánh cung hay lẫy nỏ, mà dây nỏ cũng được tạo ra một cách rất đặc biệt bằng cách se những sợi xăm lũ cho thật chặt, thật khéo và bện vào hai đầu cánh cung cho thật chắc, thật đẹp.
“Xăm lũ là một loại cây thuộc họ tre nứa, nhưng chỉ có nó mới dùng làm dây cung, chứ tre hay lồ ô lại không thể...”- A Phông “bật mí”.
Mũi tên cũng được vót rất cẩn thận. Đầu mũi tên nhọn 4 cạnh hoặc 3 cạnh. Đuôi mũi tên luôn có “cánh” tên là một loại lá rừng khô được xếp nhỏ nhắn, gắn vào.
Đặc biệt, những chiếc nỏ càng đẹp và mang dấu ấn riêng của mỗi người chế tác khi được trang trí bằng dây mây trên cánh cung, hay những nét hoa văn trên thân nỏ.
Những chiếc nỏ bây giờ không chỉ dùng bắn con chim con chuột, bảo vệ mùa màng mà còn được giới thiệu tại lễ hội dân gian của người Xơ Đăng, theo các chàng trai đến đua tài ở các môn thể thao dân tộc.
Không chỉ dành cho nam giới như thuở trước, ngày nay, bắn nỏ còn thu hút sự quan tâm của nữ thanh niên các dân tộc vùng Bắc Tây Nguyên.
Cô gái Y Then ở làng Kon Gộp, xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy chẳng còn xa lạ với chiếc nỏ nhờ chính anh trai A Gor thành thạo tận tình chỉ dạy.
Làm quen với nỏ chưa lâu nhưng Y Then luôn đến với nó bằng sự hào hứng đặc biệt. Kinh nghiệm nho nhỏ của cô gái 22 tuổi này là để trúng đích, cùng với sự bình tĩnh, chuẩn bị tinh thần thoải mái, cần phải nhắm kỹ và giữ nhịp thở cần thiết trước khi buông tay cho mũi tên phóng tới.
Không chỉ săn bắn chim thú hay chống lại kẻ thù như ngày xưa, chiếc nỏ hôm nay vẫn rất gần gũi trong sinh hoạt, cuộc sống của đồng bào các dân tộc Bắc Tây Nguyên. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, những “tay nỏ” vững vàng, thiện xạ vẫn ra đời, tiếp nối niềm kiêu hãnh và tự hào từ những con người của núi rừng, cho dù năm tháng có thể đổi thay...
Bài, ảnh: Thanh Như