Trải nghiệm Chư Mom Ray
Với tính đa dạng sinh học cao nhất trong hệ thống Vườn quốc gia trên cả nước, di sản ASEAN – Vườn quốc gia Chư Mom Ray là điểm đến hấp dẫn với những ai thích du lịch trải nghiệm, mạo hiểm; khám phá nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, những cảnh đẹp thiên nhiên mẹ rừng ban tặng.
Theo lời giới thiệu hấp dẫn của ông Đào Xuân Thủy – Phó Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray, chúng tôi đi dọc tỉnh lộ 674 để đến với những địa điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn trong khu vườn.
Sa Thầy mùa này nắng gió và hanh hao nhưng trong Vườn quốc gia Chư Mom Ray khó để thấy ánh nắng chiếu rọi xuống. Đi dưới tán rừng khổng lồ, cây cối rợp bóng làm không khí mát lạnh như đang bật điều hòa. Giữa khu rừng, trên những hàng bằng lăng trắng, bằng lăng tím… chim hót líu lo, rộn ràng.
Đi hơn 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi như lạc vào một tòa tháp lồ ô tại khu vực Ya Mô, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy. Hai bên đường, từng cây lồ ô “nghiêng đầu” chụm vào nhau như hình chóp nón. Phía trong rừng, lồ ô xen theo gỗ bạt ngàn, đu đưa theo gió như mời gọi những ai đến thăm.
“Toàn vườn có 17.000ha lồ ô, trong đó ở Ya Mô có khoảng 2.000ha. Đây cũng là một trong những điểm nhấn để du khách đến tham quan vườn”- ông Thủy giới thiệu.
Chiếc xe tiếp tục băng qua con đường mòn để đưa chúng tôi đến với thác 7 tầng – một trong những điểm du lịch tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray.
Để đến được với thác 7 tầng, cả đoàn phải để xe phía ngoài đường và đi bộ vào. Trên lối mòn với tiếng lá khô xào xạc, ông Trần Khắc Toản – Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Ya Mô nói rằng, trước đây để vào được thác 7 tầng phải mất cả tiếng đồng hồ. Nhưng mới đây, Trạm đã đi phát quang tạo thành lối mòn nên chỉ mất khoảng nửa tiếng đã có thể đến nơi.
“Chúng tôi phát quang bụi rậm dẫn thành 2 con đường, 1 con đường men theo suối cho những ai thích mạo hiểm; 1 lối mòn dưới tán rừng cho những nhóm đi du lịch gia đình có trẻ nhỏ. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục làm thoáng hơn để thuận tiện cho việc đến thác” – ông Toản cho biết.
Đã được khuyến cáo trước rằng đường khá trơn nên chúng tôi men chậm rãi theo dòng nước chảy. Đi giữa rừng, tiếng lá khô xào xạc kèm với tiếng suối chảy róc rách như tiếng hát reo; từng tảng đá giữa suối vừa là chỗ ngồi nghỉ chân vừa là điểm nhấn, giúp khung cảnh thêm đẹp, nên thơ.
Chỉ mất 15 phút, chúng tôi đã đến được với tầng thứ nhất của thác. Tại tầng này, nước chảy va vào đá tung lên những bọt tuyết trắng xóa rồi cùng đổ từ trên xuống tạo thành dòng. Đứng tại đây mới cảm nhận hết được sự không khí thoáng đãng mà thiên nhiên đem lại. Giữa thác nước, nhìn 4 bề là những bóng cổ thụ rợp bóng; xung quanh thác, những cây leo, pơ lang, xoài rừng… nhẹ nhàng đu đưa, càng làm không khí thêm mát mẻ.
Lên đến tầng thứ 7, mọi người như trố tròn mắt ngạc nhiên bởi sự tuyệt vời của cảnh vật. Thác nước trắng xóa đổ từ trên cao xuống được ánh mặt trời chiếu trở nên lung linh ánh bạc, sáng trong và long lanh. Từng dòng nước hiền hòa in bóng cây cỏ, hoa lá, bầu trời, trông như một thế giới dưới nước, trong trẻo và thanh bình đến lạ.
|
“Phía trên là trời xanh, mây trắng; ở giữa là thác nước chảy ầm ào, xung quanh là rừng, cảm giác như đang phiêu lưu trong bộ phim Tây Du Kí vậy. Thật thích thú!” – chị Thu Thủy, một thành viên trong đoàn trầm trồ.
Còn nhà thơ Tạ Văn Sỹ, một thành viên khác trong đoàn lại bảo rằng: Nhìn thác này tựa như một nàng tiên ngủ trong rừng. Nếu có đường sá đi lại thuận tiện, thác 7 tầng chắc sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn và có tên trong bản đồ du lịch Kon Tum.
“Nhưng mùa này thác không đẹp bằng mùa mưa đâu” – anh Toản lại nói. Theo lời anh, mùa mưa thác hùng vĩ hơn rất nhiều. Nước nhiều, tung bọt trắng xóa, quyện vào vũ điệu của thiên nhiên, những ai đến đây sẽ phải ngất ngây trước vẻ đẹp này.
Đứng trước vẻ đẹp của thiên nhiên, cả đoàn bịn rịn, chẳng muốn rời. Thế nhưng, thời gian không cho phép, chúng tôi tiếp tục trên con đường mòn để về với Khu trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật – địa điểm du lịch ấn tượng thứ 2 trong Vườn quốc gia Chư Mom Ray.
Trên đường ra, bạt ngàn những bông lau trắng phấp phới, nhẹ đưa trong gió như vẫy tay chào, tạo cảm giác yên bình, nhẹ nhàng.
Khu trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật nằm trên địa bàn xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy. Ông Thủy nói rằng, những năm trở lại đây, nhất là trong dịp tết, đông đảo người dân từ các nơi, trên địa bàn huyện tìm đến đây để tham quan, vui chơi.
Ở khu trung tâm, ngoài hệ thống các con suối nhỏ, khu rừng già trở thành điểm nhấn. Đến đây, chúng tôi như được hòa mình với thiên nhiên, được ngắm nhìn những gốc bằng lăng, sấu rừng cổ thụ hơn trăm năm tuổi. Ngồi dưới những gốc cây cổ thụ, nghe tiếng lá xào xạc rơi, tiếng suối chảy róc rách hòa với tiếng chim rừng như quyện thành một bản hòa tấu sôi động.
|
Đến khu trung tâm, chúng tôi cũng được ngắm xem hơn 1.000 loài lan đang được nghiên cứu và một số loại động vật: trăn, khỉ, chim trĩ, gà rừng… đang được bảo tồn.
Ngoài điểm trung tâm, tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray còn có nổi bật với hang dơi nằm trên địa phận xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy. “Ngoài những ánh sáng hắt vào làm tăng thêm phần kì bí thì nơi đây có rất nhiều dơi. Nếu ai thích khám phá, thích mạo hiểm thì đây cũng là một trong những điểm đến thú vị”- ông Thủy cho hay.
2 ngày dạo quanh Vườn quốc gia Chư Mom Ray, chúng tôi phải trầm trồ vì nơi đây có rất nhiều điểm đến du lịch sinh thái rất hấp dẫn. Để phát triển du lịch tại Vườn, ông Thủy cho biết, hiện tại đơn vị đang chuẩn bị xây dựng đề án “Phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Chư Mom Ray”.
Ông Thủy nói rằng, hiện tại vì chưa được phê duyệt, du khách mới chỉ được đến khu trung tâm để tham quan còn những điểm đến khác chưa được khai thác. “Ngoài điểm đến: Thác 7 tầng, hang dơi, khu trung tâm, chúng tôi cũng chú trọng phát triển du lịch cộng đồng tại làng Ba Gốc và làng Le thuộc xã Mô Rai. Hiện tại, mọi việc vẫn đang ở bước đầu nên vẫn gặp rất nhiều khó khăn” – ông Thủy cho hay.
Rời Vườn quốc gia Chư Mom Ray nhưng bên tai chúng tôi vẫn văng vẳng tiếng hát của gió, của lá cây, của chim rừng, của suối nguồn. Với những tiềm năng trên nếu được khai thác hợp lý, chắc chắn nơi đây sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách ưa thích thiên nhiên, yêu hoang dã.
Bình An
Bình luận (1)