Tiếng thơ từ núi rừng Tu Mơ Rông
Sau miền quê cũ là vùng quê mới Tu Mơ Rông dưới bóng Ngọc Linh quanh năm mây khói phủ. Nơi đây Nguyễn Đình Toán đã gắn bó thâm tình, bao nhiêu gió núi suối rừng cứ ào ạt thổi vào hồn thơ thầy giáo trẻ một xúc cảm dạt dào.
* Ngai ngái hương quê
Là thầy giáo “cắm bản” lâu năm ở huyện Tu Mơ Rông, gắn bó lâu ngày nơi đầu núi cuối rừng xa tắp ấy, thầy giáo Nguyễn Đình Toán đã chắt lọc hồn mình thành những vần thơ chân phương chất phác nhưng đầy ắp ấm nồng tình yêu cuộc sống qua tập thơ đầu tay “Hoa cỏ mật” (nxb Lao động, Hà Nội 2010).
Điều dễ nhận thấy trong thơ Nguyễn Đình Toán là nỗi niềm nhớ vọng cố hương. Cái vùng quê nghèo miền núi Thanh Chương – Nghệ An đã là ký ức, là tâm thức không rời trong người con xa xứ này.
Nào là: “Bức tranh quê thổn thức nỗi lòng/ Đêm tha phương lặng thầm nét vẽ/ Vần thơ khuya hướng về quê mẹ/ Một tình yêu tha thiết ấm nồng”.
Rồi thì: “Nỗi nhớ dài da diết mỗi xuân sang/ Bóng quê nhà ngập tràn trong ký ức/…Chắp cánh cho tôi đến miền mơ ước/ Ghi khắc trong lòng quê cũ mãi không quên”…
Những hình ảnh “ngập tràn trong ký ức” đó là: “Câu ca dao nghiêng cánh cò trắng muốt/ Chuyến đò chiều lữ thứ bên sông”; là: -“Cánh đồng tháng năm cháy khô màu cỏ/ Đàn trâu đói gầy mơ một bữa no/…Gãy mòn bao nhiêu đòn gánh đòn xóc/ Mẹ gánh một đời khó nhọc không buông”…
Miền quê ấy mãi vấn vương trong hồn trí người thơ như một mùi hương đồng nội ngai ngái không phai: “Nay trở lại quê nhà/ Bóng người em xa khuất/ Cánh đồng xưa vẫn còn hoa cỏ mật/ Hương cỏ nhớ ai theo gió vẫn loang xa”…
Sau miền quê cũ là vùng quê mới Tu Mơ Rông dưới bóng Ngọc Linh quanh năm mây khói phủ. Nơi đây Nguyễn Đình Toán đã gắn bó thâm tình, bao nhiêu gió núi suối rừng cứ ào ạt thổi vào hồn thơ thầy giáo trẻ một xúc cảm dạt dào.
Cái âm hưởng của địa danh Tu Mơ Rông luôn trở đi trở lại trong thơ Nguyễn Đình Toán: “Vượt dốc Ngọc Leng bàn chân rũ mỏi/ Chợt mát lạnh gió từ đâu tới/ Nhớ là đây, Tu Mơ Rông ơi/…Tiếng ting-ting vì thế trong ngần/ Vang tiếng nước tiếng ngàn tiếng gió/ Tu Mơ Rông một vùng quê nhỏ/ Như người tình níu bước chân tôi”; - “Vượt bao gian nan về Tu Mơ Rông/ Xứ sở mù sương đồi núi chập chùng/ Vượn hú chim ca hòa cùng tiếng suối/ Thành tiếng đại ngàn ngân vang đồi nương; - “Tu Mơ Rông chập chùng nắng gió/… Kỷ niệm đường rừng chân sạn từng qua/ Nỗi vất vả theo tận ngày bạc tóc/ Con suối thương tình vọng lên khúc hát/ Hàng cây biết ơn che bóng mát cho thầy”…
Có phải chính những nét đẹp đơn sơ mộc mạc đầy quyến rũ sau đây đã giữ chân người thầy giáo trẻ này bao tháng năm qua?: “Nơi tôi đã từng qua/ Miền Tê Xăng nắng gió/ Những bản làng nho nhỏ/ Thấp thoáng giữa đồi nương”; - “Tháng Sáu, mùa lễ hội Xê-đăng/ Mái nhà rông bập bùng ánh lửa/ Điệu xoang nối vòng tay đôi lứa/ Trao ché rượu cần chuếnh choáng men say”; - “Nhịp cồng chiêng văng vẳng/ Hồn đại ngàn chơi vơi/ Thoảng thơm mùi gió núi/ Men rượu cần ngọt môi”…
Ngay cả sự khắc nghiệt về thời tiết của Tây Nguyên cũng được Nguyễn Đình Toán cảm xúc thành như một phạm trù khái quát: “Gặp em cuối mùa mưa/ Âm thầm ngong ngóng đợi/ Ngờ đâu em lạc lối/ Chờ mỏi suốt mùa khô!”.
Song hành cùng tình yêu quê hương xứ sở là một tình yêu nồng ấm, đầy ý thức trách nhiệm dành cho người mình gắn bó. Với một tâm hồn chân chất, Nguyễn Đình Toán có cách “triết lý” cũng quá đỗi thật thà: “Đâu đâu trong trời đất/ Vạn vật đều có nhau/ Anh và em cũng vậy/ Quen nhau và yêu nhau”.
Và, vẫn giọng chân tình như thế, Nguyễn Đình Toán “phủ dụ” người mình yêu: -“Em là mây trắng êm trôi/ Vì yêu, anh hóa bầu trời riêng em/ Một mai gió lặng trời êm/ Mây ơi đậu nhé, dịu hiền bên anh”.
Sự bao dung ấy giúp Nguyễn Đình Toán có được những câu thơ dẫu không mới lạ, chưa hoa mỹ, nhưng ấm áp nghĩa tình khi viết về người vợ thân yêu: “Sự mệt nhoài đưa em vào giấc ngủ/ Em của tôi vất vả một ngày/ Bàn chân nhỏ chống chèo tất bật/ Vẫn chưa quen cuộc sống cuồng quay”; - “Hạnh phúc là khi kề cận bên nhau/ Là lúc vắng xa nặng lòng thương nhớ/ Niềm hạnh phúc hai ta dù nhỏ bé/ Hãy nâng niu giữ lấy trọn cho mình”…
Và cứ thế, thơ Nguyễn Đình Toán thể hiện một tâm hồn đôn hậu của một người làm công tác giáo dục, một người tình… Có lẽ người đọc không yêu cầu gì nhiều hơn ở thơ anh ngoài tấm lòng và tinh thần sáng đẹp ấy.
* Sóng đời vẫy gọi tin yêu (Tập thơ “Sóng đời”, nxb Lao động 2013).
Sau ba năm tập thơ đầu tay ra đời, Nguyễn Đình Toán lại có tập thứ hai “Sóng đời”. Điều ấy chứng tỏ sức cảm xúc của tác giả là dồi dào. Và, cũng như ở tập trước, âm hưởng chủ đạo của Nguyễn Đình Toán ở đây vẫn là những ngợi ca quê hương xứ sở, nghề nghiệp và tình người, tình yêu.
|
Thoáng một ít nỗi niềm hoài vọng cố hương Nghệ - Tĩnh để tăng tần suất cho miền quê mới Kon Tum, tác giả dành cho nơi mình đang sinh sống, đang cùng buồn vui, ấm lạnh những dòng thơ rất chân chất, diết da: “Núi Ngọc Linh cao nghiêng trườn dốc/ Thêm oai linh đất nước quê mình”; - “Dòng Đăk Bla xanh màu huyền thoại/ Phố huy hoàng thắp cánh hoa mai”; - “Xin gửi lại tâm tình tha thiết/ Đăk Tô bây giờ - ơi, Đăk Tô xanh”, v.v…
Tập thơ cũng dành nhiều bài cho tình yêu đôi lứa. Điều ấy không lạ, bởi đó là chủ đề muôn thuở của thi ca! Hãy nghe Nguyễn Đình Toán “triết lý” về tình yêu: “Gì đẹp bằng cuộc sống/ Gì thắm bằng mùa xuân/ Gì ngon bằng nụ hôn/ Gì yêu bằng đôi lứa?”! Và tác giả chứng minh cho triết lý ấy, như một cách ngợi ca tình đời: “Ngôi nhà ấm êm khuya sớm/ Bữa cơm đạm bạc mong chờ/ Tình yêu nồng nàn tha thiết/ Cuộc đời đẹp tựa vần thơ”…
Bạn đọc cũng thấy được độ nhạy bén thời sự nơi Nguyễn Đình Toán với những bài thơ có viết về biển đảo. Vâng, đây là chuyện thời sự mà mọi công dân Việt Nam đều đang quan tâm. Và cách quan tâm của Nguyễn Đình Toán là: “Lắng nghe sóng vỗ rì rào/ Tiếng sóng dập dờn ngỡ nhịp tim Tổ quốc…/ Triệu triệu trái tim ở chốn đất liền/ Hướng về xa khơi phía mặt trời mọc”!
Thơ của Nguyễn Đình Toán là vậy, chân phương, ấm nồng, như chính anh thổ lộ: “Tôi chập chững bước vào làng thơ/ Câu dọc, ngang, vẹo xiêu, nghiêng ngả/ Thương vần thơ, chao ôi, thật quá/ Như trang đời hiện trước mắt em…”.
Và, những “trang đời” ấy của Nguyễn Đình Toán đang chờ bạn đọc.
Tạ Văn Sỹ