Tiếng chuông chùa Khánh Lâm
Trong không gian yên tĩnh của núi rừng, bỗng tiếng chuông chùa Khánh Lâm ngân dài, vang xa, tạo thành bản nhạc khiến các ngả nguồn nghe thấu. Đã hơn 5 năm nay, kể từ khi chùa Khánh Lâm được xây dựng, hàng ngày, khi tiếng chuông chùa được gióng lên đã khiến cho người nghe cảm thấy khoan thai, nhẹ nhàng, mọi phiền não dường như tan biến, bước chân như vội tìm về cội nguồn…
Chùa Khánh Lâm được động thổ xây dựng ngày 7/3/2012 nhân Đại lễ Trai đàn Bạt độ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ. Chùa được xây dựng trên một ngọn đồi nguyên sinh, cao trên 1.200m so với mực nước biển.
Việc đầu tư xây dựng chùa Khánh Lâm của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Kon Tum có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nguyện vọng sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng tâm linh của nhân dân; đồng thời tạo nên một điểm nhấn du lịch tâm linh cho du khách khi đến tham quan khu du lịch sinh thái Măng Đen.
Sau hơn 5 năm xây dựng, đến thời điểm hiện tại, mặc dù vẫn còn một số hạng mục chưa hoàn thiện, nhưng chùa Khánh Lâm đã trở thành điểm lựa chọn đầu tiên của nhiều du khách trong hành trình đến Măng Đen.
Hoà thượng Thích Quảng Xả - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Kon Tum cho biết: Người xưa có câu "Xây chùa, tô tượng, đúc chuông/Trong ba việc ấy thập phương nên làm”. Nơi nào có chùa, có phật tự, nơi đó có thêm trường học, có thêm bệnh viện, có thêm khu dân cư, có những con người hiền hoà biết sống chia sẻ với cộng đồng xã hội. Phật giáo là đạo giác ngộ mang ánh sáng từ bi, trí tuệ lấy từ bi xoá hận thù, lấy ân báo oán. Nơi nào có ánh sáng chánh pháp thì nơi đó cuộc sống của người dân sẽ chan hoà an lạc, đời sống sẽ ấm no hạnh phúc… Một mái chùa cong cong, không khí thanh tịnh an nhàn; một tiếng chuông ngân là tiếng thức tỉnh kêu gọi con người về trong thực tại. Ấy vậy khi tìm đến một cảnh chùa, người ta đã cảm nhận được một sự an vui nhẹ nhàng mà trong cuộc sống đời thường không thể nào tìm thấy được.
Theo Đại đức Thích Nhuận Bảo - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Kon Tum, trụ trì chùa Khánh Lâm thì chùa chiền đã trở thành nét văn hóa của người dân Việt và là nơi thanh tịnh để mọi người ký thác tâm sự. Sau khi xây chùa, việc thứ hai là tô tượng, chủ yếu là tượng Phật và tượng Bồ tát. Những hình tượng giải thoát của chư Phật và chư Bồ tát rất đa dạng, nhưng đều thể hiện những mẫu người đạo đức thánh thiện, làm lợi ích cho nhiều người, nêu gương sáng cho đời qua nhiều thế hệ. Việc thứ ba là đúc chuông. Chuông tiêu biểu cho Pháp âm, tuy không phát ra thành lời nói, nhưng có thể chuyển tải âm thanh vi diệu của pháp Phật, mà kinh thường gọi là Vô tự chân kinh. Vì vậy, khi tiếng chuông chùa ngân vang, người ta thường cảm thấy như nghe được pháp Phật đi thẳng vào lòng, làm cho họ vơi bớt khổ đau buồn phiền, lòng trở nên nhẹ nhàng, thanh thản, để từ đó, lần sống theo lời Phật dạy, chuyển hóa cuộc sống có ý nghĩa. Trong mỗi con người chúng ta, đôi lúc do bon chen cuộc sống, nỗi lo cơm áo gạo tiền mà quên đi những điều tốt đẹp, thì tiếng chuông chùa mang tính thức tỉnh những tính thiện của con người. Tiếng chuông chùa còn đưa ta về cái nhất tâm, làm các điều lành, làm các điều thiện để cho bản thân mình, gia đình mình và xã hội được tốt dẹp lên. Tiếng chuông chùa chính là nhân duyên xúc tác để làm khởi sinh tâm bồ đề, hóa giải những xung đột, trái ngang, những dằn vặt khổ đau của con người trần thế, tiêu trừ các phiền não, gieo thiết tha tình người vào lòng cuộc sống…
Hiện nay, tại khu du lịch sinh thái Măng Đen, ngoài tiếng chuông Chùa Khánh Lâm còn có tiếng chuông của Tháp chuông tại Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở khu trung tâm huyện Kon Plông. Khu tưởng niệm này cũng được động thổ xây dựng cùng ngày với chùa Khánh Lâm do Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương tài trợ cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp, phật tử, đạo hữu bốn phương.
Điều đặc biệt có ý nghĩa là sau ngày động thổ xây dựng chùa, xây dựng khu tưởng niệm, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Kon Tum đã phối hợp cùng chính quyền huyện Kon Plông quyết định lấy ngày 14/2 (âm lịch) hàng năm tổ chức lễ hội văn hóa “Uống nước nhớ nguồn”.
Đại lễ Uống nước nhớ nguồn theo tôn chỉ của Phật giáo là lấy hiếu đạo làm đầu và lòng tri ân, báo ân sâu sắc đối với những người đã hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Từ khi phát công xây dựng chùa Khánh Lâm đến nay, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Kon Tum đã 6 lần tổ chức lễ cầu siêu tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ, đồng bào tử nạn và cầu cho quốc thái, dân an.
|
Không gian càng rộng, càng yên tĩnh, tiếng chuông nghe càng sâu lắng. Chỉ một tiếng chuông nhưng cũng đủ để lắng đọng bao buồn vui, khắc khoải của một đời người. Nếu lưu lại Măng Đen một đêm, dù với loại hình du lịch nào, quấn mình trong chăn ấm, du khách sẽ nghe tiếng chuông chùa văng vẳng và cảm nhận hương trầm thoảng trong không gian tĩnh mịch. Tiếng chuông như tan loãng trên đầu cây, ngọn lá, sương khói chập chờn trên ngàn thông xanh biếc. Đêm, sương vẫn cứ rơi, đưa du khách vào giấc ngủ an lành sau một ngày trải nghiệm trên vùng đất hữu tình lưu giữ nhiều câu chuyện huyền bí, linh thiêng. Với tiếng chuông chùa, một nhà thơ có bút danh Hạt Cát đã cảm tác: Đêm thẳm tình mây gió/Man mác trăng ngọc lan/Khói trầm thơm tiếng kệ/Sâu lắng hồi chuông tan…
Dương Lê