Thơ của niềm đam mê và trăn trở
“Có một nỗi buồn” là tập thơ thứ hai của Vũ Việt Thắng, sau tập “Cỏ” (xuất bản 2010), là sự tiếp nối đầy thôi thúc và trách nhiệm của một hồn thơ mang nhiều nỗi niềm đam mê và trăn trở. Đam mê tình yêu, tình người, tình đất nước; trăn trở về thế thái nhân tình, về cõi nhân sinh, về giá trị con người…
Mặc dù Vũ Việt Thắng có mở rộng biên độ cảm xúc sáng tạo sang nhiều chủ đề (gia đình, nghề nghiệp, bạn bè…), nhưng ở tập thơ này có thể quy gọn lại ở ba mảng đề tài chính được thể hiện đậm nét nhất: Tình yêu, Tình quê và Tình đời.
* Tình yêu: Cái đề tài “cũ xưa như trái đất” nhưng luôn là khởi nguồn uyên nguyên muôn thuở của thi nhân. Mọi cung bậc, sắc màu của tình yêu đôi lứa được Vũ Việt Thắng khai thác triệt để. Tiến trình của những gặp gỡ, cách chia, nhớ thương, buồn khổ, hạnh phúc… đi vào thơ tình Vũ Việt Thắng với tần suất dày, đậm. Từ những câu thơ mát tươi khi vừa gặp, vừa yêu: “Áo xanh hỡi, em dịu dàng đến thế/ Thì làm sao anh có thể yên lòng…” đến những câu thơ ray rứt nhớ nhung: “Cuộc đời đã đặt tên/ Gọi đó là nỗi nhớ/ Anh như người mắc nợ/ Kể từ ngày gặp em!”, rồi những câu thơ khi viên mãn hạnh phúc: “Xưa anh nói nhiều về tình yêu/ Tình yêu ta bằng non bằng bể/ Giờ anh không nói nhiều/ Mà anh đã làm tất cả/ Cho căn nhà nho nhỏ/ Có em và các con…”. Tất cả những cung bậc tình yêu ấy đều được Vũ Việt Thắng biểu đạt bằng một ngôn ngữ cuồng nhiệt, một cảm xúc đam mê chân thành, không chút che giấu hoặc ước lệ điệu đà như nhiều thơ tình thường gặp, ví như: “Anh yêu em bởi vì em… nhan sắc!/ Lời anh đây tự thú rất chân thành/ … Ôi, nhan sắc! Người ơi, em có thấu/ Trái tim đau anh khổ đến bao giờ?”… Vâng, nó là thế và phải thế, bởi… “Rằng thơ thấy đẹp phải tìm theo!” mà nhà thơ Nam Trân đã nói trong “Huế đẹp và thơ” tự thời tiền chiến.
* Tình quê: Cũng là một đề tài không thể thiếu trong thơ của những nhà thơ giàu ý thức công dân và nặng tình dân tộc. Tình yêu quê hương và dân tộc là một quy tắc mà… “nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người!” (thơ Đỗ Trung Quân). Vũ Việt Thắng “thiên di” từ đồng bằng châu thổ sông Hồng vào núi rừng biên giới Tây Nguyên công tác và lập nghiệp, do vậy bên cạnh những vần thơ tụng ca quê hương mới Kon Tum – nơi hằng ngày đang buồn vui ấm lạnh cùng anh – thì hình bóng quê nhà Bắc bộ vẫn chưa mờ phai trong tâm tưởng người con xa xứ: “Giờ khôn lớn chúng con đi khắp nẻo/ Vẫn khôn nguôi vị đất hương đồng”; hoặc: “Bây giờ về lại làng mình/ Mà thương chưa hết mái đình cây đa”…
* Tình đời: Đây là đề tài đã làm tốn hao bao nhiêu giấy mực của các bậc tao nhân, mà thi nhân là hạng tao nhân mặc khách bậc nhất, bởi đó là những người được “trời phú” cho cái giác quan ưu thời mẫn thế. Họ sống giữa đời, buồn vui ấm lạnh với đời, đau theo bao nỗi đau đời. Nói như nhà thơ Phùng Quán, họ luôn… “đứng về phe nước mắt”! Với Vũ Việt Thắng, nỗi đời không chỉ đơn giản là những ưu tư trăn trở chung chung, mà anh còn muốn đẩy lên thành một thứ triết luận riêng mình, dẫu có khi vì quá “duy lý” mà ý tưởng thơ đi đến cực đoan, khiến nghệ thuật thơ mất cả tính mềm mại trữ tình vốn là điều cần thiết của thi ca.
Mà, ngẫm ra cũng… không thể khác! Những người hay trắc ẩn nỗi đời thì thường buồn, cái buồn mà nhà báo Hữu Thọ gọi bằng cụm từ “kẻ sĩ mặt buồn”! Kẻ sĩ mặt buồn Vũ Việt Thắng buồn thế này: “Có một nỗi buồn/ Không hiểu vì sao/ Không biết từ đâu/ Khắc khoải trong lòng không dứt/ Không buồn về mình/ Không buồn về gia đình/ Mà cứ buồn/ Cái buồn không liên quan đến mình…”! Và, như để thuyết phục bạn đọc hơn, tác giả còn đem cái tuổi bốn mươi của mình (tuổi bốn mươi, không là bốn mươi tuổi) – là độ tuổi đã “chín” của đời người để “tín chấp” cho nỗi buồn của mình: “Tuổi bốn mươi/ Tôi thấy mình có nhiều khoảng buồn/ Tuổi bốn mươi/ Những điều tôi tin/ Đều cười vào mặt tôi hô hố/ Rằng ngươi là thằng ngố/ Tuổi bốn mươi/ Những thứ tôi tìm/ Từ thuở thiếu thời đi học/ Đều lặng im/ Lặng im/ Lặng im…”.
Bạn đọc cũng dễ nhận ra nguyên nhân những nỗi buồn “vô cớ” ấy. Có thể là cái buồn vì sự bất lực trước số phận: “Số phận của anh/ Đôi khi lại do người khác sắp đặt/ Anh nào quyết định được đâu!”. Có thể là buồn vì cái hữu hạn của khả năng con người: “Được, mất, dại, khôn ai biết/ Trăm năm không hết tay mình”. Có thể là cái buồn trước bao biến thiên khôn lường của lòng người và xã hội: “Có có không không/ Làm sao biết trước/ Cuộc đời như một cuộc chơi”…
Từ đó Vũ Việt Thắng có cách triết lý sống cho riêng mình, nghe ra cứ như là đùa chơi tưng tửng, bất cần đời, nhưng ngấm ngầm đầy vị chát chua, u-mặc: “Gia tài tôi một chữ KHÔNG/ Mốt mai theo Phật cõi lòng thảnh thơi/ Gia tài tôi một chữ NGƯỜI/ Mặc ai mơ ước cõi trời cao xa…”. Thế cho nên Vũ Việt Thắng bèn “khuyên” mọi người (không biết có rơi và chủ nghĩa “tiêu cực” hay không), rằng: “Thôi thì trong cõi nhân sinh/ Mấy ai thắng được phận mình đâu em?”…
Những câu thơ ắp đầy chiêm nghiệm và đau đáu nỗi niềm đủ bảo chứng cho bạn đọc nhận ra Vũ Việt Thắng là một người thơ đáng tin cậy, một cây bút có ý thức và trách nhiệm nghề nghiệp với chính mình, với cuộc đời và xã hội.
Tạ Văn Sỹ