Thiếu niên Kon Tum trong thơ ca kháng chiến
Thời kháng chiến chống Mỹ, hình ảnh các thanh thiếu niên trên khắp địa bàn Kon Tum được phản ảnh nhiều trong dòng thơ ca kháng chiến tại chỗ.
Tác giả Phạm Nhớ - nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Kon Tum (1965-1971), lúc hoạt động khu vực Đăk Glei, có bài thơ về cậu thiếu niên dân tộc Giẻ - Triêng trong bài thơ “Em Tăng”: “Em Tăng quê ở Nú Vai/ Mới mười bốn tuổi lòng say hận thù/ Đêm nay gió mát trăng lu/ Lặng nghe em kể hận thù làng em/ … Em lúc ấy mới mười bốn tuổi/ Nó bảo em cõng rượu lên đồn/ … Em thì còn bé tí ti/ Vai mang ché rượu mà đi xa đường...”. – Điều thú vị là “Em Tăng” ấy sau này chính là bác sĩ Sô Lây Tăng - Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum.
Còn cậu bé A Đoong nơi xã Đăk Bla (cũ), khoảng xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei ngày nay, ước mơ cháy bỏng được làm Giải phóng quân, được tác giả Hồng Chinh Hiền - nguyên cán bộ Tuyên huấn H40 khi ấy, phản ánh trong bài thơ “Điều mong muốn của A Đoong”: “A Đoong mười bốn tuổi/ Nuôi được mấy con gà/ Đón bộ đội đi qua/ Em đưa ra đổi võng/ A Đoong lên rẫy sắn/ Vỡ đất cắm thêm chồi/ Sắn lớn củ lắm rồi/ Em lại đưa đổi mũ”… Cứ thế, em đổi thêm được áo quần… Đến khi em xin đổi súng, thì… dĩ nhiên là không được! Nghe anh bộ đội bảo: “Bao giờ tay có thịt/ Đôi vai em nổi u/ Khi nhà rông em vô/ Cái đầu cao chạm cửa/ Cách mạng đưa súng đeo” thì A Đoong giãy nảy: “Ôi, những bốn mùa rẫy/ Chu cha, lâu quá chừng/ Em mong lớn trước tuổi/ Sớm làm Giải phóng quân”!
Những thiếu niên có ý chí, tinh thần như vậy, khi đã được là Giải phóng quân thì chắc chắn sẽ rất anh hùng dũng cảm, như nhân vật A Bố sau đây: “Đến nhà, em thưa vội/ Rằng quân cướp nước còn/ Con phải đi bộ đội/ Giữ cái núi cái non/ … Em vào Giải phóng quân/ ... Đêm tháng Mười tấn công/ Đồn Đăk Rú, Đăk Tả/ Phát súng lệnh đầu tiên/ Em xông vào đồn giặc/ Thủ pháo em nổ rền/ Diệt chỉ huy gian ác/ Nhiệm vụ đã xong rồi/ Bố hy sinh dũng cảm/ Tên em lồng lộng sáng/ Gương em chói muôn đời!…”. - Ấy là cậu thiếu niên trong bài thơ “Người học trò sáng dạ” của tác giả Phan Vững - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum (1968-1973). Cuối bài thơ tác giả ghi thêm dòng lạc khoản: “Những ngày tấn công và nổi dậy ở Đăk Glei, 10-1960” ; và kế đó là dòng chú thích: “A Bố, dân tộc Giẻ, liệt sĩ, con ông Bá Bố ở làng Mâng Lon, xã Đăk Nú, nay là Đăk Môn, huyện Đăk Glei”.
Còn đây là hình ảnh đẹp trong ngần của em bé 11 tuổi trong bài thơ “Bé Xơ-ríp đi chiến trường” của tác giả Hồ Ngọc Sơn: “Chân thoăn thoắt theo mẹ ra tiền tuyến/ Lưng mang hòm đạn, tay búng đàn tre/ Xơ-ríp hát và mây bồng theo gió…/ Bông lúa ngẩng liềm vói cổ dòm theo/ Bóng em khuất núi, suối hát lưng đèo/ Mười một tuổi mang mười lăm cân đạn…/ Vẫn hát đàn như chim hót mùa xuân…/ Bước chậm rãi, mẹ à ơi, em ngủ/ Xơ-ríp ngoảnh nhìn, biết mấy là thương/ Cái bụng yêu em, miệng càng muốn hát/ Cho chân mẹ vui mau đến chiến trường”.
Tác giả Hồ Ngọc Sơn (nguyên bộ đội pháo binh đóng quân ở Kon Xà Lò - Kon Plông thời đánh Mỹ, hiện sinh sống tại Hà Nội) cho biết lúc được điều về làm Báo Quân giải phóng Trung Trung bộ, một hôm đi công tác tình cờ gặp mẹ con người nữ dân công gùi đạn đang nghỉ chân ở một dốc núi giáp ranh giữa Tu Mơ Rông (lúc ấy là Đăk Tô) – Kon Tum với Trà My – Quảng Nam. Hình ảnh em bé giúp mẹ gùi đạn đã khiến tác giả xúc cảm làm bài thơ này.
Lấy xúc cảm từ hình ảnh những thiếu niên có thật trên đây, năm 1970 nhà thơ Hồng Chinh Hiền đã hư cấu thành em bé có tên A Cron ở làng Tà Pók nổi danh thời bấy giờ để sáng tác nên tập truyện thơ thiếu nhi dài 334 câu (nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 1973 tại Hà Nội) với nhan đề RỪNG CÓ MẮT. Đây là tập truyện thơ đầu tiên và duy nhất - tính đến thời điểm này - viết về thiếu nhi Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng: “Trước, em tên Cron/ Của buôn làng Tà Pók/… Và buôn làng Tà Pók/ Như gật đầu ngợi khen…”.
A Cron có đôi mắt sáng tinh tường, khiến bao người ngợi khen ngợi: “A Cron sau này sướng/ Có con mắt tinh đời/ Người già khen thật bụng/ Em ngượng che mắt cười”. Còn cha mẹ thì càng trông mong vào đôi mắt ấy: “Cha yêu đôi mắt tỏ/ Biết nhìn rõ trông xa/ Chăm dạy con bắn nỏ/ Mũi tên bay chớp lòa/ Mẹ yêu đôi mắt ngọc/ Như hai giọt sương tròn/ Giỏi xâu kim chọn chỉ/ Mẹ trông nhờ mắt con”. Đôi mắt thơ ngây ấy chỉ biết: “Lấy nhìn - học điều khôn/ Mượn nhìn - thay tiếng nói/ Qua mắt em sáng chói/ Tây Nguyên hiện muôn màu…”…
Thế nhưng… kẻ địch đã tàn ác đâm mù mắt em, vì em kiên quyết bảo vệ người cán bộ Kinh đang về hoạt động trong làng. Hôm ấy A Cron đóng vai đứa bé đi săn chim săn chồn để do thám và cảnh báo. Toán lính đang truy lùng người cán bộ đã chận A Cron lại tra hỏi. A Cron bảo không biết, không thấy. Chúng hỏi: “Chân mày không dẫn đi/ Thì mắt mày khắc thấy”! A Cron trả lời: Mắt mình không thấy chi/ Miệng mình không nói bậy”. Nói mắt mình không thấy, nhưng ánh mắt kiên định ấy như thách thức: “A Cron vẫn đứng yên/ Đôi mắt nhìn không chớp/… Trong suốt và thơ ngây/ Lặng lẽ nhìn họng súng/… Mắt không chớp một giây/ Không một tia dao động”. Và sự kiên định ấy dẫn đến sự đau lòng: “Sau một hồi lúng túng/ Tên chỉ huy điên cuồng/ Thọc đầu nòng súng nóng/ Thui cháy đôi mắt Cron/… Được! Mắt mày không thấy/ Tao cho mày mù luôn!”. Lúc này A Cron: “Em nhức buốt đôi tròng/ Túa hai dòng lệ đỏ…”.
Sự hy sinh của người thiếu niên đã góp phần cho thành công của công cuộc cách mạng ở thôn làng: “Sau đó làng Tà Pók/ Xóa được ách kẹp kìm/ A Cron mừng khôn xiết/ Gặp lại cán bộ Kinh”. Thế là, vừa tri ân, vừa cảm phục, một lễ nhỏ theo phong tục được tổ chức trang trọng: “Giết gà trắng ăn thề/ Tiết nóng hòa rượu đoát/ Thề Kinh - Thượng một lòng/ Muôn đời ăn ở tốt”. Và chuyện thơ kết lại: “Chuyện rằng: Rừng có mắt/ Vì em mà sáng lên/ Vì em mà rõ thêm/ Những con đường ra trận”…
Tưởng tượng, những con người ấy, những gương mặt ấy, nếu may mắn được tiểu thuyết hoá và được phổ cập rộng rãi như những “Đất nước đứng lên”, “Rừng xà nu”, v.v… thì chắc chắn đã là những hình tượng sang ngời trong niềm cảm phục của mọi người.
Tạ Văn Sỹ