Phong trào xây dựng thôn, làng văn hóa ở huyện Sa Thầy: Những chuyển biến tích cực
Trong những năm qua, phong trào xây dựng thôn, làng văn hóa đã trở thành một nội dung thi đua trọng tâm, thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư và đông đảo người dân trên địa bàn Sa Thầy, góp phần tích cực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Với đặc thù của một huyện nghèo, cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế xã hội ở Sa Thầy còn thấp kém và thiếu đồng bộ; trong đó, hệ thống thiết chế văn hóa, nhất là đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập. Các yếu tố đó đã chi phối, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện phong trào.
Vì vậy, trong giai đoạn từ năm 2000- 2010, phong trào xây dựng thôn, làng văn hóa ở huyện Sa Thầy chủ yếu tập trung vào công tác xây dựng “Điểm sáng văn hóa vùng biên giới”.
Mặc dù có nhiều nỗ lực trong công tác phát động, hướng dẫn và tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng, tuy nhiên kết quả đạt được rất thấp. Nguyên một thập kỷ chỉ có 10 thôn, làng đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, tuy nhiên chất lượng một số tiêu chí đạt được cũng chưa thật sự thuyết phục.
|
Từ năm 2011 đến nay, cùng với việc triển khai phong trào trên diện rộng, huyện đã chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí. Nhằm khắc phục những khó khăn do hầu hết các tiêu chí đều có điểm xuất phát thấp, huyện chủ trương thực hiện phương châm làm từ dễ đến khó.
Những tiêu chí thuận lợi vận động các cộng đồng dân cư phấn đấu hoàn thành trước. Các tiêu chí khó hơn, cần nguồn kinh phí đầu tư, cần lộ trình thì gắn kết với thực hiện các chương trình, dự án có nội dung liên quan, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, làm cơ sở để Ban Chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức thực hiện. Tăng cường công tác phối hợp, phân công nhiệm vụ, phân công phụ trách địa bàn cụ thể cho mỗi thành viên trong Ban Chỉ đạo.
Đồng thời, Ủy ban MTTQ huyện đã tiến hành ký kết chương trình phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo huyện) về tăng cường công tác phối hợp, chỉ đạo thực hiện, nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” trong giai đoạn mới; hằng năm đều có phát động và hướng dẫn đăng ký thi đua xây dựng khu dân cư văn hóa, thực hiện nghiêm túc việc đánh giá kết quả vào cuối năm.
Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo huyện tiến hành kiểm tra việc thực hiện 25 tiêu chí cụ thể về xây dựng thôn, làng văn hóa đối với những khu dân cư đã đăng ký; đề nghị UBND huyện công nhận danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa” cho những thôn, làng đủ điều kiện.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, phong trào xây dựng thôn, làng văn hoá của huyện phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành phong trào sôi nổi và rộng khắp, nhất là từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
|
Tính đến hết năm 2015, toàn huyện đã có 24/74 thôn, làng được công nhận danh hiệu “Thôn văn hóa, Làng văn hóa”, đạt tỷ lệ 32%; trong đó, các xã có số thôn, làng đạt tỷ lệ cao tiêu biểu là Sa Sơn (3/4 thôn, làng), Sa Nghĩa (4/6 thôn, làng), Sa Nhơn (4/6 thôn, làng)…
Kinh nghiệm rút ra trong thực hiện phong trào xây dựng thôn, làng văn hóa ở huyện Sa Thầy cho thấy: Yếu tố quyết định trước hết là vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền và Ban Chỉ đạo các cấp, đồng thời phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể; thực hiện lồng ghép với các cuộc vận động, các phong trào thi đua hiện có trong xã hội để cùng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời điều chỉnh, uốn nắn những lệch lạc, bổ sung những vấn đề cần thiết, thích hợp nhằm đảm bảo nội dung, tránh sự chồng chéo thiếu đồng bộ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân ở khu dân cư hiểu về mục đích, ý nghĩa của phong trào, từ đó nâng cao tính tự giác, chủ động trong tổ chức triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, phong trào xây dựng thôn, làng văn hóa bao gồm nhiều nội dung, nhiều tiêu chí có sự liên quan chặt chẽ đến tất cả các lĩnh vực; vì vậy, cần phải đa dạng hóa các hình thức tổ chức thực hiện. Trên cơ sở những quy trình, quy định chung, cần chủ động, linh hoạt vận dụng những cách làm phong phú, phù hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi khu dân cư, tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau. Tuy nhiên, không được hạ thấp các tiêu chí đã quy định, nhằm đưa phong trào ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Những kết quả đạt được qua thực hiện phong trào xây dựng thôn, làng văn hóa ở huyện Sa Thầy đã có tác động tích cực, phát huy tốt vai trò tự quản, tính chủ động của các cộng đồng dân cư; đặc biệt là ý thức tự giác, tinh thần tương thân, tương ái, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, trợ giúp các gia đình khó khăn, xây dựng môi trường cảnh quan xanh- sạch- đẹp.
Việc thực hiện quy ước, hương ước thôn, làng đã phát huy được hiệu quả tích cực, nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, bảo tồn, phát huy, quan hệ gia đình, hàng xóm ngày càng được gắn bó, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương được giữ vững.
Có thể nói, phong trào đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện.
TRẦN VĂN TIÊN