Phát triển bóng đá phong trào
Những năm gần đây, các môn thể thao phong trào, đặc biệt là môn bóng đá đã và đang thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, thanh niên, học sinh, lực lượng vũ trang tham gia tập luyện để rèn luyện sức khỏe.
Nhễ nhại mồ hôi sau một hồi quần thảo với trái bóng cùng đám bạn trong làng, A Sơn (14 tuổi, thôn Nông Nội, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi) nở nụ cười hồn nhiên với tôi, chia sẻ: Chiều nào tụi em cũng ra sân đá bóng. Nó thành thói quen rồi, không chơi thì thấy bứt rứt, khó chịu thế nào ấy! Chơi bóng đá có nhiều cái lợi; thứ nhất là tăng cường sức khỏe cho bản thân; thứ hai là hạn chế sa đà vào các thú vui không lành mạnh, vừa tốn tiền, vừa bị cha mẹ rầy la.
Đều đặn mỗi chiều sau giờ làm việc, Nguyễn Văn An (chiến sĩ Đồn biên phòng Đăk Long, huyện Đăk Glei) cùng một số anh em trong đơn vị rủ nhau ra sân đá bóng. An cho biết: Chơi bóng đá giải tỏa được căng thẳng, làm cho đầu óc minh mẫn, tinh thần phấn chấn hơn, sức khỏe cũng tốt hơn. Anh em trong đơn vị rất coi trọng việc này. Hàng ngày, ai làm việc nấy. Lúc đá bóng với nhau, anh em vui vẻ, hòa đồng, gắn bó với nhau hơn.
“Môn bóng đá cũng là môn thể thao được nhiều thanh thiếu niên lựa chọn, tham gia chơi nhiều nhất ở địa phương” - ông Đặng Ngọc Tiến - Chủ tịch UBND xã Ngọc Wang (huyện Đăk Hà) cho hay. Trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã đã ưu tiên dành một phần đất tại các thôn để xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao, trong đó có sân bãi dành cho môn bóng đá. Chiều nào cũng vậy, đa số thanh thiếu niên ở các thôn đều tham gia chơi bóng đá hoặc bóng chuyền. Nhờ vậy, phong trào thể thao quần chúng ở đây phát triển khá mạnh, thôn nào cũng có đội bóng đá, bóng chuyền, thường xuyên thi đấu giao lưu lẫn nhau, nhất là vào các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh, huyện.
|
Có thể nói, những năm qua, bóng đá phong trào phát triển rộng khắp ở các xã vùng xa, vùng sâu, vùng đồng bào DTTS. Tại các vùng đô thị, đặc biệt là thành phố Kon Tum, tuy đất chật người đông nhưng chính quyền các địa phương cũng ưu tiên dành quỹ đất để làm sân bãi phục vụ nhu cầu tập luyện thể thao cho nhân dân.
Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người chơi bóng, nhiều người đã không ngần ngại bỏ tiền xây dựng các sân cỏ nhân tạo. Cùng với các sân bóng đá do ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đầu tư, các sân cỏ nhân tạo này đã thu hút đông đảo cán bộ, viên chức, người lao động, thanh niên, học sinh tham gia chơi bóng, thúc đẩy phong trào bóng đá quần chúng trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.
Đều đặn mỗi tuần 3 buổi, em Trần Quang Huy (phường Quang Trung, học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Kon Tum, thành phố Kon Tum) rủ các bạn cùng lớp tới Nhà tập luyện Thể dục thể thao tỉnh (203 Lê Hồng Phong) để đá bóng. Huy cho rằng, sau những giờ học căng thẳng ở trường, chỉ có đá bóng thì đầu óc mới thỏa mái, hơn nữa còn rèn luyện sức khỏe cho bản thân.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các sân bóng đá mi ni làm bằng cỏ nhân tạo tại thành phố Kon Tum chiều nào cũng thu hút đông đảo người chơi với nhiều thành phần, từ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đến học sinh.
|
“Chơi riết thành “nghiện” rồi...!” - A Kiên (21 tuổi, thôn Kon Tum Kpơng, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) hồ hởi cho biết. Chiều nào cũng vậy, sau khi đi làm rẫy về, Kiên cùng các bạn trong thôn rủ nhau ra sân bóng đá trên đường Bắc Kạn để chơi bóng.
Câu lạc bộ bóng đá Kon Tum Kpơng của Kiên là một trong những câu lạc bộ mạnh của thành phố Kon Tum, thường xuyên đại diện cho thành phố tham gia các Giải bóng đá truyền thống do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức hàng năm, và không ít lần xếp nhất hoặc nhì cấp tỉnh. Có được kết quả đó là nhờ các thành viên trong Câu lạc bộ tham gia tập luyện thường xuyên, trình độ kỹ thuật chuyên môn, chiến thuật ngày càng nhuần nhuyễn và nâng cao.
Ông Nguyễn Xuân Truyền - Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: Những năm qua, cấp ủy và chính quyền các địa phương rất quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho việc phát triển phong trào thể dục thể thao, trong đó có môn bóng đá. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã ưu tiên dành quỹ đất đầu tư các thiết chế văn hóa – thể thao, trong đó có sân bãi dành cho môn bóng đá. Hiện nay, toàn tỉnh có 10 sân vận động; 11 nhà thi đấu từ 2 – 3 môn; 5 nhà tập từng môn; 346 sân bóng đá, trong đó có 15 sân bóng đá cỏ nhân tạo do tư nhân đầu tư. Nhờ vậy, phong trào bóng đá quần chúng phát triển khá mạnh, có 30 câu lạc bộ bóng đá với gần 1.000 hội viên; số người tham gia chơi bóng đá trong toàn tỉnh chiếm 16% trong tổng số 27% (so với tổng dân số) số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.
Bài, ảnh: Quang Định