Những trang văn, trang thơ xao động nỗi niềm
Trong tập truyện và ký “Lối mòn ngược dốc” của Đặng Lê Lành, tác giả tập trung phản ánh, phơi bày sự thật cuộc sống hiện tại. Còn cảm tưởng khi đọc tập thơ “Gió vuốt nhẹ thời gian” của Đào Quốc Sủng lại là một dòng miên man cảm thức....
1. Miên man một cảm thức thơ (Đọc tập thơ “Gió vuốt nhẹ thời gian” của Đào Quốc Sủng, nxb Lao động, 2013)
Cảm tưởng mà bạn đọc có được khi đi vào thơ Đào Quốc Sủng là một dòng miên man cảm thức. Thật vậy, dẫu là bài thơ được viết với chủ đề gì thì Đào Quốc Sủng cũng lôi, cũng cuốn, cũng đưa đẩy nguồn cảm xúc và ý tưởng của mình trôi đi trên cõi bồng bềnh ngỡ như bất tận. Vậy nên muốn trích, muốn dẫn một vài câu ngắn gọn nào đó để minh chứng cho một lập luận, một nhận xét nào đó thật là khó khăn. Chỉ còn cách phải đọc luôn cả đoạn, cả bài thì mới tận tường nguồn ngọn.
Là nói vậy thôi, chứ cũng không khó khăn lắm để nắm bắt những cảm thức chủ đạo trong thơ Đào Quốc Sủng. Mà, hình như chính tác giả cũng cảm nhận ra điều ấy nên đã chủ động sắp xếp tập thơ riêng từng phân nhóm nhỏ để bạn đọc dễ tiếp cận. Và nhờ vậy, bạn đọc sẽ dễ dàng đồng cảm cùng tác giả qua từng chủ đề.
Trước hết là âm hưởng ngợi ca mà Đào Quốc Sủng muốn gửi gắm:
- Này là những nét đẹp tinh thần vô giá của nghề giáo mà tác giả đã từng gắn bó mấy mươi năm: “Ríu rít trẻ thơ, tháng năm rộn rã/ Hơi ấm giữa rừng, tiếng hát mãi ngân vang”;
- Này là những nét đẹp thân thương của vùng quê núi Đăk Hà, nơi tác giả đã từng buồn vui ấm lạnh trong đời: “Đắk Hà trẻ giữa cao nguyên già dặn/ Rộn rã công trình, nhịp sống hăng say”;
- Này là xứ sở Kon Tum với tiềm ẩn bao nhiêu cảnh đẹp, người thương được tác giả “ngẫu hứng” khái quát vào một màu mắt huyền thiếu nữ: “Đến Kon Tum đầu mùa hoa nhãn/ Thấy mắt em đen nhánh diệu huyền/ Như hò hẹn những mùa quả chín/ Dẫu có đi xa cũng nhớ về…”.
Ngoài miền quê thân thuộc đang sinh sống, Đào Quốc Sủng cũng chủ động mở rộng biên độ cảm nhận sang những vùng miền khác mà tác giả có dịp ngang qua, ví như một Sa Pa huyền tích, một Lý Sơn lịch sử, một Vũng Tàu tráng lệ v.v… Đến đâu, ở đâu Đào Quốc Sủng cũng “chịu khó” soi tìm, chắt lọc, nâng niu những tứ thơ hay, đẹp.
Và cũng giống như bao thi sĩ khác, Đào Quốc Sủng cũng đã dành phần lớn thơ mình cho những luận ngẫm tình yêu.
Tình yêu trong thơ Đào Quốc Sủng có gì đó cứ dìu dặt, day dứt khôn cùng. Một mùi hương tóc xa xăm suốt đời còn vương vấn, một kỷ niệm xa xưa chưa biết thuở nào nguôi, một lời hẹn hò mà như câu thề son sắt… Có phải thế không, mà tác giả (lại ngẫu hứng) muốn “thạch hoá”, muốn vĩnh cửu hoá tình yêu vào đá núi ngàn năm! Ví như bài thơ nhỏ này, có phải chăng là một “tuyên ngôn” về tình yêu của Đào Quốc Sủng? “Giữa bình minh tan vội những hạt sương, lộ vết chân trần trên đá, dòng suối ấy đã bao lần tẩy xóa, vệt tình vẫn vẹn nguyên/ Theo thời gian, suối có khi đầy, khi cạn, đá vẫn trụi trần lộ nét yêu xưa/ Từ trong tim, vệt tình in hình trên đá, dòng máu nóng không bao giờ tẩy xóa, vệt tình mãi y nguyên/ Người với người khắc vệt tình trong tim, in hình trên đá, ở miền kí ức có còn nhau?”.
Cứ thế, bạn đọc thử đi tiếp vào những cảm thức thơ…
2. Những trang văn chân phương và đau đáu (Đọc tập truyện và ký “Lối mòn ngược dốc” của Đặng Lê Lành, nxb Lao động 2013)
Bạn bè ở Kon Tum đều rất quen thuộc với cái dáng vẻ trầm mặc của một người đàn ông ngày ngày đi về lặng lẽ. Anh ta thuộc tuýp người không ầm ào sôi nổi, dẫu cho là đang lúc vui say tưng bừng cùng bè bạn. Con người ấy đích thị là một mẫu cán bộ, viên chức mẫn cán, tận tuỵ từ lúc công tác ở ngành Văn hoá và bây giờ là ở Liên đoàn Lao động tỉnh.
Người đàn ông trung niên ấy có cái tên cũng giống như người: Đặng Lê Lành! Vâng, anh “lành” đến độ chân chất, lạnh lùng!
Người viên chức trầm lặng ấy, ít ai ngờ, lâu nay lại âm thầm lặng lẽ viết văn. Văn của anh là những trang viết xuất phát từ bức bối trước bao nhố nhăng của thế thái nhân tình. Những cảnh ngộ trớ trêu, những con người bỉ lậu, những sự đời ngang trái cứ đập vào mắt anh thường ngày đến độ không cần phải hư cấu mới thành chuyện kể. Và anh cứ thế bê nguyên xi cuộc đời đặt vào trang sách. Do vậy bạn đọc sẽ bắt gặp ở đây những trang văn rất đỗi chân phương, chân phương đến độ có đôi chỗ gần như rơi vào… tự nhiên chủ nghĩa. Và dĩ nhiên, những trang văn – trang đời ấy ngồn ngộn một nỗi niềm đau đáu lòng người đến xót xa, quay quắt.
Những truyện ngắn của Đặng Lê Lành tập trung phản ánh, phơi bày sự thật cuộc sống hiện tại, nó hiện thực đến không thể nào hiện thực hơn nữa. Anh không nệ nhiều vào nghệ thuật văn chương để văn hoa hoá những hiện thực không thể nào văn hoa được.
Mỗi truyện ngắn trong tập là những cảnh đời, những sự kiện đang nhan nhản diễn ra giữa đời thường. Người tốt và kẻ xấu sống xen nhau, nụ cười và nước mắt hoà lẫn vào nhau… Những chuyện này dường như ở thời nào cũng có, ở nơi nào cũng có, cho nên nó đã là một thực thể, một hiện hữu mà Đặng Lê Lành với ý thức công dân, với tấm lòng đôn hậu vốn sẵn của mình không thể nào im lặng được, dẫu là người… lành tính.
Một cái nhìn khinh bỉ với bọn cầu danh hãnh tiến hợm mình đến không còn nhân cách; một đón nhận đồng cảm với người tốt nhưng thế yếu thân cô giữa bốn bề gian nịnh; một tấm lòng sẻ chia với muôn nỗi khó khổ của đồng bào vùng sâu vùng xa miền núi; một lời cảnh tỉnh nhân tâm với bọn đánh mất tình người, v.v… Tất cả những điều đó được ẩn lặng trên những trang văn của Đặng Lê Lành như muốn bật lên tiếng lòng trắc ẩn trong một thứ ngôn ngữ vô ngôn.
Văn Đặng Lê Lành không mới, không sang, chỉ như là những lời thủ thỉ tâm tình dắt dẫn bạn đọc vào những câu chuyện kể. – Những câu chuyện mà bạn đọc biết chắc rằng chính tác giả cũng không bao giờ muốn kể!
Nhưng… biết làm sao được, khi cuộc sống quanh đây vẫn còn những… “lối mòn ngược dốc”!
Tạ Văn Sỹ