Nhịp chày
Cối chày là vật dụng không thể nào thiếu vắng trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình. Thường thì mỗi cối, hai người đứng giã. Khi muốn nhanh hơn, một cối to, đến 3, 4 tay chày. Cối, chày được làm nên từ những bàn tay khéo khỏe, miệt mài của những người ông, người cha, các chàng trai vốn giỏi tay đan lát.
Thùm thụp, thùm thụp, thùm thụp…
Tôi ngồi lặng yên trên bậc cầu thang, nhẩm đếm từng tiếng chày chậm rãi gõ vào lòng cối. Từng tiếng, từng tiếng khoan thai, êm êm như từ đâu vọng lại...
Đang ở rất gần, nơi tôi ngồi, trên cái nền đất lâu năm đã phẳng lì như đổ hồ xi măng kết dính, một chiếc cối sậm nâu vững chãi. Chị đứng một bên, chiếc váy xám xanh đã ngả màu đung đưa theo nhịp chày. Một bên là bé con, quần ngắn, áo thun; tuổi 15 đã cao hơn mẹ, mới qua mấy tháng nghỉ hè càng lớn vổng lên. Trong lòng cối gỗ tròn sâu, thấy rõ mớ lá mì non xanh mướt, chỉ một chốc đều tay “thùm thụp, thụp thùm”… đã nhuyễn, tóe nhẹ ra nền đất những tia nước li ti.
Cái cối cái chày có tự bao giờ? Chị nhoẻn cười… Bấy lâu nay, dường như không để ý. Ngày còn be bé, chị đã quấn chân mẹ bên cái cối chiếc chày trên sàn nhà cao. Người Ba Na siêng năng và khéo léo, từ xửa từ xưa, cũng như cái rổ, cái gùi…, cái cối cái chày, không nhà nào thiếu. Một cối, hai chày là bình thường. Có nhà, 2-3 chiếc cối, 5-7 cái chày kích cỡ khác nhau. Nhà chị cũng vậy. Cối đang dùng, là cái cối nhỡ còn lại. Chiếc cối lớn được mang đi trưng bày. Cái cối nhỏ thì đã quá mòn sau bao năm miệt mài “thùm thụp, thùm thụp…”.
|
Chị kể, ngày trước, người Ba Na tỉa lúa cả ở “ô” gần, lẫn rẫy xa. Mỗi khi lúa chín, tuốt về; lúa cất trong teo, để ở nhà chòi, phơi hong cho khô rồi đem vào cối giã. Cối chày vì thế là vật dụng không thể nào thiếu vắng trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình. Thường thì mỗi cối, hai người đứng giã. Khi muốn nhanh hơn, một cối to, đến 3, 4 tay chày. Cối, chày được làm nên từ những bàn tay khéo khỏe, miệt mài của những người ông, người cha, các chàng trai vốn giỏi tay đan lát. Nhưng giã gạo, giã bắp lại là công việc thường khi của các chị, các cô, những người đàn bà, con gái siêng năng.
Chị bảo, thường thì lúa khô bỏ vào cối giã; lần đầu tiên, giã cho tróc vỏ trấu nâu, sảy qua một lượt. Bỏ lại vào cối, giã thêm một lượt thứ hai. Lượt thứ hai, gạo đem ra sàng sảy… Không khi nào phải đến lượt thứ ba.
Ngày trước, gạo của người Ba Na phổ biến được làm ra từ loài lúa Lốc và lúa Xà Cơn. Lúa Lốc, hạt gạo trắng ngà, vị đượm; nhưng để nguội, cơm khô. Lúa Xà Cơn, gạo đỏ hồng, hạt dài và cơm thơm, mềm hơn giống Lốc. Bây giờ, nhiều giống nhiều tên, nhưng Xà Cơn, lúa Lốc vẫn còn gieo tỉa.
Gạo giã bằng cối chày không trắng toát trắng tinh. Hạt mộc thô lớp vỏ lụa hồng, ngà… lúc nấu lên, ăn bùi bùi, ngòn ngọt. Còn lớp cám thơm nên bổ dưỡng rõ rành. Ban ngày bận bịu rẫy nương, giã gạo thường được miệt mài lúc chiều, lúc tối, khi mọi công việc nặng nhọc đã xong. Rảnh rang hơn nhiều là những ngày mưa nhiều, bão gió, tranh thủ thời gian, giã gạo để dành.
Chị bảo, tiếng Ba Na, “hơpăl” là cối, “hơdrei” là chày. Còn nhớ lời cha, ngày trước, cối chày thường được làm bằng gỗ cây “long giar” (cây sao), hay là “long chơ mâu” (cây trâm). Cả cây Kơnia (t’nghia) làm cối chày cũng tốt… Cây càng già, cối chày càng đẹp, bền chắc càng lâu. Thông thường, cối được “ưu tiên”, bao giờ cũng là thân cây gần đoạn gốc để mà đục đẽo. Chiếc chày lại cần “nặng tay”, kích cỡ sao cho dễ nắm dễ cầm.
Ngày xưa, cối chày liên quan đến hồn Mẹ Lúa, nên người Ba Na nâng niu, bảo quản kỹ càng. Thêm cả những điều kiêng kỵ mà trẻ, già, trai, gái phải “tự tuân”. Cối được đặt trên nền bằng, thường nơi cao ráo, thoáng mát; nơi nhà chồ hoặc mái hiên của nhà sàn, tránh được nắng được mưa. Chày được đặt ngang trên hai sợi dây, treo bên mái hiên sạch sẽ. Cũng như cồng chiêng và ghè, nhiều cối nhiều chày thể hiện nhà sung túc, ấm no.
Sau mỗi lần giã gạo, cối chày được lau chùi sạch sẽ, cất giữ cẩn thận. Cối chày dùng để giã rau, giã củ, giã bột … càng được rửa sạch, lau khô. Dùng lâu, lòng cối đầu chày đều nhẵn thín, ánh lên màu thời gian xưa cũ. Lòng cối có khi lõm, vỡ; được dùng ngay miếng gỗ mới trám vào. Khi không còn dùng được nữa, cối chày vẫn được giữ lại, như một kỷ vật thân quen. Không ai vứt đi, cũng không ai làm củi đun gỗ nấu.
Liên quan đến hồn Mẹ Lúa, nên ngày xưa, cối chày là vật dụng thân quen, không bao giờ thiếu trong mỗi gia đình. Ngày nay, khi máy móc đã thay cho nhiều công sức, chày cối thuở nào ít nhiều cũng vắng thưa. Hiển nhiên vậy, nhưng không vì thế mà nhịp chày hư hao, chìm lắng… Gần gũi để giã rau, giã củ. Vẫn siêng năng vì nhớ gạo lứt, thèm lớp cám thơm… Và “thùm thụp” để khuấy bột, nấu cháo… Nhịp chày tay thuở trước, vẫn bây giờ.
Chị bảo, lòng còn vui hơn nữa, vì cối chày lam lũ ngày nào, giờ cũng được ngắm chăm, để ý. Gắn với những lễ hội truyền thống được làm sống lại, nét đẹp sinh hoạt đời thường của đồng bào ngày xưa được tái hiện thân thương. Con bé gái trăng rằm của chị, vẫn váy áo thổ cẩm, vẫn nhịp nhàng điệu xoang, vẫn tay cối chân chày giúp mẹ. Ở lễ hội mừng thu hạt lúa, trông nó và lũ bạn mới đáng yêu làm sao trong nhịp chày khoan thai…
Tôi ngồi xòa bên chày cối. Nhịp giã neo vào trong tim...
Bài, ảnh: Thanh Như