Nhà rông văn hóa - Góc nhìn từ vật liệu, kiến trúc
Nhà rông - Một biểu tượng kiến trúc độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Trước đây, khi làm nhà rông, người dân chủ yếu sử dụng các vật liệu lấy từ núi rừng như gỗ, mây, tre, nứa, lá. Ngày nay, khi nguồn vật liệu truyền thống khan hiếm dần, việc sử dụng các vật liệu thay thế trong xây dựng, sửa chữa nhà rông đang trở thành xu hướng phổ biến. Từ góc nhìn thực tiễn đời sống văn hóa cơ sở, xin trao đổi đôi điều về vấn đề này.
Sự độc đáo trong kiến trúc nhà rông truyền thống
Hình dáng, vật liệu và kỹ thuật xây dựng luôn là những yếu tố quyết định sự độc đáo của mỗi công trình kiến trúc.
Khi đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum, từ xa chúng ta đã dễ dàng nhận ra mái nhà rông cao vút, nổi bật giữa không gian làng.
Nhiều người thường ví mái nhà rông giống như cánh buồm no gió, nhưng có lẽ gần gũi hơn là hình của lưỡi rìu, lưỡi búa. Tuy nhiên nó không phải là mặt phẳng mà được cấu trúc theo hình elip để tránh sức cản gió tối ưu.
Thoạt nhìn, phần mái có vẻ như mất cân đối so với cấu tạo tổng thể của nhà rông, nhưng nó lại tạo ra sự thanh thoát, khác biệt giữa những mái nhà sàn của cư dân trong cộng đồng.
Phần chân đế gồm 10- 14 cột nâng đỡ toàn bộ sàn và mái nhà, trong đó có 8 cột chính và 2- 6 cột phụ nhà “chồ” nơi đặt cầu thang.
Chiều cao của nhà rông phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Kiến trúc của mỗi dân tộc; thể hiện sự quyền uy, sức mạnh của cộng đồng làng; tỷ lệ so với chiều rộng… do đó không cố định. Tính từ mặt đất đến nóc nhà rông thường dao động từ 8 đến khoảng 20m, tuy nhiên cũng có những nhà rông cao đến 25m (Nhà rông văn hóa huyện Sa Thầy).
|
Nói đến nhà rông truyền thống, theo cách hiểu phổ biến có nghĩa là nó được làm bằng vật liệu lấy từ núi rừng. Cột là những thân gỗ to, loại tốt như trắc, hương, blũ... để bảo đảm không bị mối, mọt, mục ruỗng, nhất là phần chân ngập dưới nền đất.
Rường mái sử dụng những loại cây không mọt, nhẹ và có độ dẻo dai cao như bằng lăng, kơ nia hoặc lồ ô già đanh. Sàn, vách thưng ván gõ, sao xanh... hoặc đan bằng tre, nứa cùng với các loại dây rừng như song, mây, cóc để buộc.
Đặc biệt, mái nhà rông thường được kết bằng cỏ tranh, dân làng chọn thời điểm lá vào kỳ bánh tẻ, khoảng tháng 9-10 cắt về rồi phơi vàng óng, chẻ hom đan thành tấm cất giữ cẩn thận cho đến khi lợp.
Nhà rông được làm bằng vật liệu lấy từ núi rừng luôn tạo nên sự mềm mại, gần gũi, thân thiện, ấm cúng.
Trước đây, duy chỉ việc chọn gỗ làm cột là tốn kém nhiều thời gian và công sức. Các già làng cùng trai tráng phải vào rừng sâu tìm cây ưng ý, thực hiện các nghi lễ tâm linh rồi mới đốn hạ, vận chuyển về làng. Còn lại các loại vật liệu khác như cây làm rường mái, dây buộc, lá đan tấm lợp,…sẵn có và dễ dàng tìm kiếm hơn trong phạm vi gần làng.
Kỹ thuật thiết kế, xây dựng nhà rông là một kinh nghiệm quý báu, không phải làng nào cũng có nhiều người làm được. Nó thường do một số nghệ nhân nắm giữ, trao truyền trong dòng tộc nhằm thể hiện vai trò với cộng đồng.
Trước hết, đó là ước lượng các tỷ lệ phù hợp, phương pháp hoàn toàn thủ công nhưng tính khoa học lại cực kỳ chính xác. Chẳng hạn tỷ lệ tối ưu giữa chiều cao và chiều rộng để đạt sự vững chãi và thanh thoát, cách tạo vòng cung elip cho phần mái để hạn chế lực cản gió, chiều cao của sàn nhà so với mặt bằng khu đất...
Kiến trúc nhà rông là tổng hợp các loại hình nghệ thuật điêu khắc, hội họa, trang trí… trên chất liệu chủ đạo là gỗ, tranh, tre, nứa, lá vốn thân thuộc trong cuộc sống mỗi ngày của các nghệ nhân.
Việc chỉ sử dụng các công cụ đơn giản như rìu, xà gạt để thi công nên thoạt nhìn các chi tiết có vẻ mộc mạc, thô ráp nhưng lại ẩn chứa sự tinh tế hài hòa một cách tự nhiên.
Đặc biệt, trong kỹ thuật xây dựng nhà rông truyền thống, ngoài các đầu cột chính, xà đỡ sàn có khoét ngàm ốp vào nhau. Còn lại hầu hết các chi tiết đều được kết nối bằng dây buộc khéo léo, giàu chất thẩm mỹ, chắc chắn, đối xứng nhằm triệt tiêu sự xô lệch của gió về một chiều.
Sự độc đáo của nhà rông truyền thống là vấn đề đã được khẳng định. Tuy nhiên để phục dựng nó trong thời điểm hiện nay là vô cùng khó khăn, nhất là việc thực hiện đồng loạt trong toàn tỉnh.
Chúng ta đều biết “rừng vàng” ngày càng cạn kiệt, các loại gỗ quý còn rất ít và không thể khai thác tràn lan, cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Cũng không còn những khu đất trống bạt ngàn cỏ tranh như trước đây để lựa chọn, cắt làm tấm lợp...
Có thể nói vật liệu truyền thống đang hiếm dần, rất khó kiếm tìm, khai thác. Mặt khác, độ bền của vật liệu truyền thống, nhất là tấm lợp không cao, thường chỉ được khoảng 4-5 năm. Mái dột sẽ mất khả năng che chắn nắng mưa, dẫn đến các bộ phận khác nhanh chóng hư hỏng. Đó là chưa tính đến các yếu tố khác như gió lốc và nguy cơ cháy luôn thường trực.
Một vấn đề nữa là theo phong tục truyền thống, việc xây dựng, sửa chữa bất kỳ hạng mục nào của nhà rông cũng đều phải tiến hành các nghi lễ tâm linh, phải huy động sự đóng góp vật chất, ngày công lao động của cộng đồng. Do đó việc khôi phục nhà rông truyền thống ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề cần vận dụng một cách linh hoạt và phù hợp.
Sử dụng vật liệu thay thế trong xây dựng nhà rông văn hóa
Từ những khó khăn trong tìm kiếm nguồn vật liệu truyền thống, khoảng giữa thập niên 90 của thế kỷ XX, ở Kon Tum bắt đầu xuất hiện một số nhà rông được xây dựng bằng cột bê tông, mái lợp tôn và dùng đinh sắt. Đến nay, việc sử dụng vật liệu này để sửa chữa, xây dựng nhà rông đã trở nên phổ biến ở hầu hết các địa phương trong tỉnh...
Tuy nhiên, xung quanh vấn đề xây dựng nhà rông bằng vật liệu thay thế (xi măng, sắt thép, cát sỏi...) đã nảy sinh những ý kiến trái chiều.
Nhiều người cho rằng việc này đã làm mất đi sự gần gũi, ấm cúng của nhà rông truyền thống; yếu tố tâm linh, vẻ đẹp độc đáo của nhà rông cũng phai nhạt dần trong tâm thức người dân, do đó họ không còn mặn mà duy trì các hoạt động cộng đồng thường xuyên như trước đây nữa. Vì vậy, việc xây dựng, sửa chữa nhà rông nhất thiết phải sử dụng vật liệu truyền thống mới phát huy được hiệu quả.
Quan điểm này rất đáng trân trọng, đó là tình cảm đối với một di sản văn hóa, một biểu tượng của các buôn, làng Tây Nguyên đã in sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, chúng ta đều biết vật liệu thay thế không phải là nguyên nhân chính của tình trạng nêu trên.
|
Vật liệu thay thế là thành tựu của khoa học kỹ thuật, rất cần được khuyến khích ứng dụng vào cuộc sống. Nó có những tính năng vượt trội như độ bền cao, khả năng chống cháy tốt, nguồn cung dồi dào, vận chuyển dễ dàng, việc sáng tạo các loại hình nghệ thuật trên chất liệu này cũng rất thuận lợi... thời gian phải sửa chữa nhà rông cũng dài hơn, đồng nghĩa với việc ít phải huy động sự đóng góp của cộng đồng.
Vì vậy, việc sửa chữa, xây dựng nhà rông bằng vật liệu thay thế ngày càng được ứng dụng rộng rãi ở các thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chẳng hạn tại huyện Sa Thầy, số liệu thống kê đầu tháng 5/2017 cho thấy, trong số 38 nhà rông toàn huyện thì có đến 36 nhà rông được sử dụng vật liệu thay thế, chiếm tỷ lệ gần 95%.
Mặt khác, hãy đặt nhà rông trong tiến trình phát triển của xã hội. Ngược thời gian về thời khởi thủy, giả sử một cộng đồng làng khi cần bàn công việc hoặc cất giữ những chiến công, họ sẽ dựng một lán trại chung (nhà rông) giữa những lán trại riêng (nhà ở) của từng hộ. Vật liệu làm các lán trại lúc ấy có lẽ cũng chỉ đơn giản là những cành cây, lá cỏ tạm bợ xung quanh nơi ở. Càng về sau khi kinh nghiệm đã được tích lũy dần, khi ấy mới biết chọn những cây gỗ tốt, dây, lá... có độ bền để xây dựng nhà ở, nhà rông. Ngày nay, hầu hết nhà ở của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được xây dựng bằng vật liệu thay thế, vậy sử dụng trong xây dựng nhà rông cũng là việc tương đồng và phù hợp.
Thực tế có rất nhiều công trình được xây dựng bằng vật liệu thay thế, sự uy nghi, lộng lẫy của nó khó có thể viết hết thành lời. Ngay những căn biệt thự, những ngôi nhà ở của người dân quanh ta cũng rất độc đáo, tráng lệ mà đâu cần phụ thuộc vào vật liệu truyền thống.
Do đó, có thể xây dựng nhà rông ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số bằng vật liệu thay thế mà không làm mất đi sự uy nghi, độc đáo, gần gũi... của nó.
Vấn đề ở đây là khắc phục ngay tình trạng ứng dụng cẩu thả, khô cứng, tùy tiện. Cần phải áp dụng một cách khôn ngoan, chú trọng cảm xúc, nhấn mạnh các đặc thù của công trình và mối liên hệ đến môi trường tự nhiên của cộng đồng.
Một trụ cột bê tông làm nhà rông nếu được trau chuốt, các chi tiết thiết kế, lắp ghép sắc sảo, tinh tế... không thể nói là thua kém cột gỗ bình thường. Mái tôn lạnh với màu sắc phù hợp, các đường kẻ chân, riềm mái cắt xén hoa văn sẽ hạn chế nắng nóng và thỏa sức cho các nghệ nhân sáng tạo. Những bức tượng đầu cầu thang, cột nhà chồ tạo hình trên chất liệu bê tông, đá cũng rất dễ dàng và sống động...
Thiết nghĩ xây dựng nhà rông bằng vật liệu truyền thống hay vật liệu thay thế là vấn đề không nên cứng nhắc. Loại vật liệu nào cũng có ưu điểm và những hạn chế nhất định. Ở những vùng có điều kiện thuận lợi về khai thác vật liệu truyền thống thì khuyến khích sử dụng. Cũng có thể kết hợp vật liệu truyền thống với vật liệu thay thế, đây là cách làm phổ biến trong giai đoạn hiện nay.
Mặt khác theo xu hướng vận động, phát triển của xã hội, đến một lúc nào đó những vật liệu truyền thống sẽ khan hiếm dần, vật liệu thay thế mới lại xuất hiện - Đó là quy luật chúng ta cần tôn trọng, vấn đề là ứng dụng nó như thế nào cho phù hợp.
Cách đây gần 20 năm, Chỉ thị số 21/CT-UB ngày 19/12/1999 của UBND tỉnh cũng đã nêu rõ: "Khuyến khích nhân dân xây dựng nhà rông theo kiến trúc truyền thống bằng công sức, tiền của đóng góp tự nguyện, nhưng phải đảm bảo tiết kiệm, đạt hiệu quả thiết thực. Nghiêm cấm việc lợi dụng khai thác vật liệu làm nhà rông để phá rừng bừa bãi, vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng”.
Bản thân mỗi sự vật, muốn tồn tại và phát triển, trước hết phải biết thích nghi với điều kiện hiện tại.
Trần Văn Tiên