Người của núi
Đọc tập thơ “Có một ngày của núi” của Nguyễn Phúc Đoan, nhà xuất bản Lao động - Hà Nội, bạn đọc cũng cảm nhận được đó là tập thơ đậm đặc những cái “tinh” và cái “tình” của một miền quê núi...
Dường như ngày của núi ngắn hơn ngày ở mọi nơi thì phải?
Ngắn, có phải vì núi đằng đông thì che ánh sớm mai lên muộn và núi đằng tây lại chắn khuất bóng chiều nhanh?
Bạn đọc đoán định thế, bởi ở ngay bài thơ mở đầu mà tác giả đã dùng làm tên gọi chung cả tập thơ “Có một ngày của núi”, Nguyễn Phúc Đoan viết: “Chưa hết một lời ru/ Mà trăng đã ngang đầu núi”!
Hãy tưởng tượng, người mẹ núi vừa địu con trên lưng vừa làm nương rẫy, (như ca khúc Lời ru trên nương), tiếng à ơi dường như chưa dứt mà trời đã ngả bóng chiều, thì quả thật là… ngắn, chứ sao!
Nguyễn Phúc Đoan đã “phát hiện” ra điều này, và vào những buổi cuối ngày như thế, tác giả lại nảy ra một ý thích ngồ ngộ: “Đạp xe vào hoàng hôn núi/ Thèm được bâng khuâng một khoảnh khắc muộn màng/ Gió tắt nắng đi cho chiều tím lại/ Lang thang/ Và/ Lang thang…”. Anh lang thang trên những “Con đường mòn khúc khuỷu/ Chảy xiết ánh trăng gầy”…
Tác giả “sáng tạo” ra cụm từ “hoàng hôn núi”. Vâng, hoàng hôn núi chứ không phải “hoàng hôn đồng bằng” hay “hoàng hôn trên biển cả”. Ở những “hoàng hôn núi” ấy tác giả tìm kiếm, bắt gặp và cảm nhận được những gì? Nhiều thứ lắm, mà toàn là “đặc sản” Tây Nguyên! Này là: “Bao chàng trai/ Bao cô gái/ Rón rén bước chân trần/ Giẫm vào hương cỏ/ Nghe xôn xao tiết tấu hương rừng”. Này là: “Đêm núi rừng say ngất ngây/ Chiêng xoang giữ nhịp/ Sóng sánh giữa vô cùng”. Này là: “Người già trầm tư/ Nhà sàn trầm tư/ Lũ con nít khúc khích cười trong giấc ngủ/ Chiêng ché âm thầm”. Này là…, v.v… Những thứ ấy làm sao ở đồng bằng hay hải đảo nào có được!
Bên bóng núi thân thương đến trở thành tâm thức, tâm linh như thế, tác giả đã sống, đã cảm và đã yêu hết lòng. Này là một khúc nhỏ trong vô vàn yêu thương và cảm nghiệm đầy chất “núi” ấy: “Tôi và em như hai đầu trăng khuyết/ Dễ chạm vào và cũng dễ chia xa/ Chênh chếch mọc giữa muôn ngàn cây lá/ Giấu giếm màn đêm để sáng lên. Và…/ Nửa mùa trăng rồi nhưng vẫn thấy xa/ Bên kia đỉnh đồi là con đường sỏi đá/ Ở nơi đó gặp và nhận ra bao điều rất lạ/ Bỗng rung lên ở trái tim mình…”…
Tác giả “thèm núi” và yêu người ở núi như thế, nên có khi một “cô giáo vùng cao” nào đó bỏ núi đi xa, tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ trẻ cũng trở nên chới với, chơi vơi: “Em đi rồi phố núi cũng chông chênh/ Gió cứ thổi ở hai đầu nỗi nhớ/ … Phố núi mình không đủ rộng để quên nhau”! Cái tứ thơ đầy sức gợi cảm này có thể dùng để những người yêu nhau nơi phố núi trích tặng nhau!
…
Vài trích dẫn ngẫu hứng những câu thơ nho nhỏ trong cả một tập thơ cũng là quá ít để chứng minh cho điều muốn nói. Tuy nhiên, có lẽ cũng chỉ cần thế thôi, bạn đọc cũng đã nhận biết “Có một ngày của núi” của Nguyễn Phúc Đoan là tập thơ đậm đặc những cái “tinh” và cái “tình” của một miền quê núi.
Núi, qua cách nhìn vừa chiêm nghiệm vừa cảm hoài của một hồn thơ đa cảm đã hiện lên âm trầm lặng lẽ, thấm đẫm sắc thái một không - gian - núi, một văn - hóa - núi không lẫn vào đâu được. Đây cũng là minh chứng cho sự mở rộng biên độ tâm hồn của tác giả với quê hương thứ hai của mình sau ngần ấy năm gắn bó thiết thân.
Bạn đọc cũng dễ dàng nhận ra ở đây một hồn thơ không thích ồn ào, cao giọng, mà chỉ lặng lẽ, khẽ khàng. Lặng lẽ khẽ khàng đến độ bạn đọc ngờ rằng nếu chẳng may một ai đó vô ý, vô tình khi ngang qua hồn thơ ấy, chỉ cần một bước chân nhanh, một vung tay mạnh, một tiếng nói to, thậm chí một hơi thở mạnh… cũng đủ làm xao động, biến tan cái nét vẻ lung linh của những cảm xúc vô cùng thuần khiết về một cõi nguyên sơ.
Tập thơ đầu tay với 35 bài thơ ghi dấu 35 tuổi đời là một hữu ý của tác giả.
Những vần thơ được lẳng lặng hoài thai và sinh nở bằng một bút pháp chớm mang nhiều nét thơ mới của thời đại, nhưng vẫn giữ được vẻ nền nã, tao nhã của thơ truyền thống. Đấy là điều đáng mừng và trân trọng một tâm hồn đang độ tươi trẻ nhưng cũng vừa đủ độ già giặn trong từng quan sát và cảm nghiệm.
Tất cả quanh mình, từ cảnh sắc thiên nhiên độc đáo của vùng đất đầy huyền thoại, đến mọi trạng huống thế thái nhân tình của cõi nhân sinh đầy biến động đều được Nguyễn Phúc Đoan luận giải bằng thơ ở tầm vừa phải!
Hy vọng thơ Nguyễn Phúc Đoan còn đi vào nhiều chiều kích của cảm xúc và tư duy, còn mang nhiều âm vọng loang xa hơn nữa.
Tạ Văn Sỹ