Ngày hội cồng chiêng, xoang giữa lòng phố thị
Ngày 18/11, tại Trường PTDTNT tỉnh, gần 900 học sinh ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh đã thi tài ở Hội thi Cồng chiêng - xoang năm 2017. Bằng cả trái tim, niềm say mê, các em đã tấu lên những âm thanh của cồng chiêng, hòa quyện cùng vũ điệu xoang của núi rừng, đánh thức người yêu văn hóa dân tộc giữa lòng phố thị Kon Tum.
Đắm chìm trong không gian lễ hội
Hội thi do Sở GD&ĐT và Sở VHTTDL phối hợp tổ chức thu hút gần 900 học sinh các Trường Phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn 9 huyện và thành phố Kon Tum tham gia tái hiện những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc Jarai, Ba na, Xê đăng, Brâu, Mơ Nâm… Các em đã chia sẻ, truyền lửa yêu văn hóa dân tộc qua những phần biểu diễn: “Mừng lúa mới”, Mừng chiến thắng”, “Mừng giọt nước”, “Mừng nhà rông”, “Mừng người Ba Na có Đảng, Bác Hồ”…,
Mở đầu Hội thi, em Y Phú - học sinh Trường PTDTNT huyện Sa Thầy đã thổi chiếc tù và bằng một hơi dài, như muốn đánh thức vạn vật núi rừng đang ngủ say phải bừng thức giấc: “Ơ…Thần lửa, thần núi, thần nước, thần rẫy, thần lúa, thần nhà! Hôm nay, bà con dân làng làm lễ cảm tạ các ngài đã ban cho dân ta nhà ở, được lúa gạo để ăn, được bầu nước để uống, được sức khỏe để làm rẫy. Chúng tôi mời các thần xuống đây ăn chân gà, cắn lợn, uống rượu cùng những lễ vật bà con dâng thần…Ơ…thần linh”.
Dứt lời trang trọng mời gọi các thần linh về chứng kiến bà con dâng lễ trong “Lễ tạ ơn các thần linh của người dân tộc Jarai”, 20 học sinh nam mặc trang phục truyền thống tấu lên những âm thanh của cồng chiêng, nối tiếp là 74 bạn nữ nhẹ nhàng xếp lần lượt múa điệu xoang cúi chào lần lượt khách. Những điệu múa xoang đặc trưng của người Ja Rai xoay chuyển dần theo chiều ngược của kim đồng hồ. Mỗi cái nhún chân, hất đôi tay say sưa theo nhịp cồng, nhịp chiêng - các cô học trò nhỏ như muốn biểu đạt tái hiện cho người xem (thưởng thức) sự ngưỡng mộ, thành kính dâng lên báo cáo các vị thần của vụ mùa năm nay…
|
Đắm chìm trong không gian của lễ hội “Tạ ơn các thần linh của người Jarai”, các bạn trẻ ở Trường PTDTNT huyện Sa Thầy còn đưa người xem đến phần cảm tạ thần linh với những lời khấn nguyện, giữa tiếng cồng chiêng nổi lên. Em A Triên chia sẻ: Lễ tạ ơn các thần linh của dân tộc Jarai của làng thường được tổ chức vào khoảng tháng chạp cho đến tháng ba âm lịch. Đó là thời điểm mùa màng đã thu hoạch xong, thóc được đưa vào bồ, các gia đình được nghỉ ngơi. Người dân tổ chức lễ tạ ơn cầu mong sức khỏe các mọi người và cầu chúc chúc một năm mới mùa màng tươi tốt hơn, ban cho người già, trẻ nhỏ có sức khỏe tốt và cầu mong cho niềm vui mới luôn đầy nhà.
Nối tiếp tiết mục đặc sắc của các em học sinh ở Sa Thầy, các em học sinh dân tộc thành phố Kon Tum giới thiệu “Lễ hội đâm trâu mừng nhà Rông mới”. Sau phần giới thiệu, gần 100 học sinh nhập vai, lần lượt trình diễn không khí sinh hoạt đặc trưng của bà con làng dân tộc Ba Na đang chuẩn bị cho lễ hội mừng nhà rông mới. Không ai bảo ai, từng tốp chục bạn nhỏ theo tiếng cồng chiêng tụ về một góc sân, vừa múa đôi tay thể hiện động tác mặc quần áo mới gọi nhau đến nhà Rông. Bên phía góc sân kế đấy, những cụ già đang chọn con trâu đực khỏe mạnh để chuẩn bị hiến tế thần linh. Hai bạn nam được chọn đóng giả con trâu, đã khoác trên mình tấm vải thô dài chừng 2 m, ngang 1,4 m và cầm chiếc sừng trâu đứng sẵn chờ người có uy tín ở làng đưa về cột trước cây nêu trong khuôn viên nhà rông. Những thiếu nữ nhún nhảy theo tiếng cồng hối hả giã thóc để lấy hạt nếp ngon nhất nấu cúng Yàng. Xong mọi công việc chuẩn bị, người già, thanh niên nam nữ, trẻ nhỏ lần lượt đưa đồ cúng đến nhà rông nhữngvật phẩm dân dã được bà con thu hoạch trên nương rẫy, được hái lượm từ núi rừng về.
|
Vẫn tiếng cồng chiêng, điệu nhạc rộn rã, những vòng xoang ngày càng lớn rộng, chừa khoảng cách cho người đảm trách lễ mang vật phẩm trưng bày trước cây nêu giữa sân nhà rông. Cứ thế, mọi người say sưa múa, tiếng trống, tiếng chiêng càng mạnh mẽ thì điệu nhún nhảy càng nhanh…Đợi đến khi ông mặt trời bắt đầu đứng trên đỉnh núi, là thời khắc Lễ cúng thần linh bắt đầu. Ba thanh niên cường tráng được chọn nắm giữ đôi sừng trâu, vừa hô to vừa đuổi đâm con vật bằng chiếc giáo sắc nhọn, cùng đó thầy cúng bước lên làm phép xin trời đất chứng giám, cầu mong thần linh về với lũ làng…
Các em đã tái hiện không gian sinh hoạt ở làng, gửi gắm ước mơ, khát vọng của bà con vào tiếng cồng, tiếng chiêng, điệu xoang…
Trân trọng gìn giữ, bảo tồn
Một ngày cùng học sinh vui tiếng trống - điệu múa xoang, bà Đinh Thị Lan - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Trưởng Ban tổ chức Hội thi cồng chiêng xoang năm 2017 cho hay, hoạt động trên là cơ hội để các em đang học các trường Phổ thông dân tộc bán trú, nội trú giao lưu văn hóa; đồng thời là dịp, các em thể hiện tâm tư, tình cảm với các thầy cô giáo, nhân kỷ niệm 35 ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2017).
Cô Lan còn tâm sự, ngày nay, cuộc sống người dân tộc ở vùng sâu được cải thiện, nhu cầu hưởng thụ văn hóa vật chất - tinh thần cao hơn. Do đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, nhất là không gian văn hóa cồng chiêng cần gìn giữ và truyền lại cho các em ngay những ngày còn học ở nhà trường sẽ thuận lợi hơn.
Đưa học sinh xuống phố Kon Tum dự Hội thi, cô Đinh Thị Hồng - Phó hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Kon Rẫy cho biết thêm, học sinh của đơn vị có 2 tiết mục tham dự biểu diễn. Khó khăn của nhà trường là không có cồng chiêng, nên Ban giám hiệu đã mời 7 nghệ nhân làng Kon BJap Du (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) tập luyện trong 80 học sinh trong thời gian gần 1 tháng. Mỗi nghệ nhân sẽ cầm tay, kèm từng em nam tập đánh cồng, đánh chiêng, đánh trống và dạy các bạn nữ múa xoang. Những những bộ trang phục dân tộc của học sinh mặc cũng mượn từ người dân ở làng này. “Đặc biệt, khi nhà trường mượn bộ cồng chiêng của làng Kon Bjrap Du. Già làng đồng ý, nhưng trường phải đưa học sinh đến dự lễ ở thôn để xin thần linh cho di chuyển bộ cồng chiêng ra khỏi cộng đồng. Điều này, cũng là phần trang trọng của văn hóa dân tộc, giúp cho các em ý thức được vật thiêng của làng là như thế nào, để gìn giữ, bảo vệ” - cô Hồng nói.
Cùng đi với con gái là học sinh Trường THCS Phạm Hồng Thái (thành phố Kon Tum) dự Hội thi, phụ huynh A Nhum tự tay làm đàn tơ rưng cho con gái biểu diễn âm nhạc dân tộc. A Nhum nói, bản thân anh biết làm các nhạc cụ của dân tộc Ba Na, và chiếc đàn tơ rừng được làm xong trong 6 tháng. Thời gian làm đàn, anh đều cho con gái học tập theo. Anh chia sẻ: “Cháu được đi biểu diễn dân ca dân tộc nhiều nơi, được đem điệu múa đẹp giới thiệu cho mọi người. Tôi cũng dạy cháu làm các nhạc cụ, để không mai một văn hóa dân tộc”.
Ngắm nhìn các em say sưa điệu múa giữa âm thanh lúc réo rắc, lúc trầm hùng của tiếng cồng chiêng, tiếng trống – nhạc sĩ A Đủ, thành viên Ban giám khảo Hội thi đã thốt lên: Quá tuyệt vời, gần như 900 học sinh dân tộc của 17 đơn vị giáo dục cơ sở đều biết thưởng thức, cảm thụ âm nhạc dân tộc. Mỗi động tác thật đều, không chệch, không lỗi nhịp của cái đánh tay, nhịp chân, ánh mắt long lanh các em biểu diễn đã hòa với tiếng chiêng, bằng cả trái tim trong sáng tuổi học trò. Tôi thật sự xúc động. Tôi là người dân tộc thiểu số, nên cảm nhận được niềm vui này. Bảo vệ, giữ gìn văn hóa dân tộc không đâu xa vời lắm, ngay ở chính các em học sinh dân tộc thiểu số trong môi trường giáo dục nội trú, bán trú ở tỉnh ta.
Trần Hà