Ngày hội cồng chiêng nhí
Dưới nhịp chiêng trầm hùng, trước nhà rông, các em với nét hồn nhiên, ngây thơ của tuổi học trò hóa thân thành già làng khi gọi Yàng; lúc khác, lại hóa thành anh thợ rèn khỏe khoắn nhóm lửa, dùng hơi thổi bùng ngọn lửa cháy rực sáng; rồi dịu dàng những thiếu nữ ra suối đùa nghịch, tung hứng những giọt nước mát đầu nguồn…
Dưới nhà rông Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) cao sừng sững, trong những bộ trang phục truyền thống, gần một ngàn học sinh tự tin hòa vào nhịp cồng chiêng, nhịp trống, lúc ngân nga sâu lắng, lúc trầm hùng giữa đại ngàn đầy nắng và gió. Những điệu múa xoang từ những đôi bàn tay non nớt nhẹ nhàng, uyển chuyển theo làn gió; những hoạt cảnh tái hiện các lễ hội truyền thống được các em học sinh biểu diễn đã thu hút đông đảo người dân, du khách đến xem, làm cho Liên hoan Cồng chiêng – múa xoang và Hội thi Trang phục dân tộc truyền thống càng thêm rộn ràng và ý nghĩa.
Rộn ràng cồng chiêng
Những ngày đầu tháng 4 vừa qua, có mặt tại nhà rông Kon Klor từ sớm, chúng tôi cảm nhận được không khí rộn ràng và phấn khởi, khi Liên hoan Cồng chiêng – múa xoang và Hội thi Trang phục dân tộc truyền thống sắp bắt đầu. Còn hơn 1 tiếng nữa mới đến giờ vào hội nhưng các em học sinh đến từ các trường học (trực thuộc ngành GD&ĐT thành phố Kon Tum) đã có mặt đầy đủ, náo nức chuẩn bị trang phục, cồng chiêng, mặt nạ, các đạo cụ để hòa mình vào ngày hội.
Không nhốn nháo cũng chẳng chạy lăng xăng, các em nhỏ như những con chim non nhỏ, ngoan ngoãn đứng thành hàng, cùng chỉnh trang lại trang phục cho nhau, cùng nhẩm lại lời các bài hát dân ca, điệu múa, gõ khẽ khàng từng tiếng chiêng theo tiết tấu, động viên tinh thần bình tĩnh trước khi ra sân khấu biểu diễn.
|
Với các em học sinh, hôm nay không phải là một cuộc thi mà là một ngày hội. Ở đây các em được biểu diễn, được thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình qua nhịp cồng chiêng trầm hùng, những bộ trang phục thổ cẩm đầy sắc màu, và những lễ hội mang đậm nét văn hóa Tây Nguyên. Dẫu vậy, trên những gương mặt hớn hở không giấu được những nét hồi hộp, lo lắng...
Em A Nghi – học sinh lớp 1D, Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (xã Ngọc Bay) thỏ thẻ: Lần đầu tiên em đi biểu diễn ở ngoài trường. Trước đó, em năn nỉ nhiều lắm, mẹ em mới đồng ý để cô chủ nhiệm đón cùng các anh chị lớp 4, 5 tập biểu diễn cồng chiêng ở trường. Em chưa bao giờ được đi xa hơn con đường từ nhà đến trường, nhưng hôm nay đội cồng chiêng của trường đã đưa em đến tận nhà rông Kon Klor. Em vui lắm, thấy nhà rông rộng hơn ở làng em; nhiều thầy cô, bạn bè khác đến tham gia cũng đông hơn. Em cũng hồi hộp lắm... Em sẽ cố gắng cùng với đội biểu diễn thật hay, giới thiệu đến mọi người văn hóa của dân tộc Ba Na.
Sau một thời gian chờ đợi, tiết mục thi cồng chiêng - múa xoang với chủ đề “Lễ hội cúng giọt nước, cúng lò rèn của người Ba Na”, biểu diễn “Trang phục của người Ba Na xưa và nay” của Trường THCS Phạm Hồng Thái và TH Nguyễn Thái Bình (xã Đăk Rơ Wa) đã mở màn Liên hoan. Khác với nét mặt đầy âu lo phía sau hậu trường, khi bước ra ngoài sân khấu để biểu diễn, em nào cũng thể hiện được sự tự tin, khỏe khoắn, mạnh mẽ. Tiếng cồng chiêng ngân lên, dồn dập, mạnh mẽ hòa quyện với tiếng gió, tiếng hò reo càng làm cho không khí thêm sôi động.
|
Theo tiếng cồng chiêng, các em lần lượt bước lên, tự tin thể hiện hồn riêng trong từng bộ trang phục truyền thống từ thưở xa xưa đến hiện đại hôm nay. Theo lời giới thiệu của cô Y Yang Thanh – giáo viên Trường THCS Phạm Hồng Thái: Người xưa truyền lại, người Ba Na đã chọn cây đonlơ ở khe suối để lấy vỏ cây, ngâm nước, phơi khô, ép làm trang phục. Khi đó, trang phục con trai con gái đều giống nhau, chưa có đường nét, màu sắc, văn hoa như bây giờ. Ông bà kể lại, chiếc áo làm vỏ cây vừa ấm chống lại những mùa đông ẩm thấp của núi rừng, vừa để ngụy trang tránh thú giữ khi đêm xuống. Sau này, cuộc sống bắt đầu tiến bộ hơn, người Ba Na biết tìm chọn cây goòng để kéo sợi, dệt quần áo… Với đôi bàn tay khéo léo, các mẹ, các chị đã “bắt” thiên nhiên phục vụ con người, trang phục có được màu sặc sỡ từ việc nhuộm vỏ, quả cây rừng. Cuộc sống hiện đại ngày nay, bà con cũng kịp thay đổi phù hợp với các loại vải dệt sẵn từng tấm, kết hợp với công nghệ may hiện đại đã cách tân về kiểu dáng những chiếc áo dân tộc đủ màu sắc, tỉ mẩn và tinh tế hơn. Không chỉ sử dụng vào dịp lễ hội, đời thường của người dân ở làng, mà còn được các dân tộc khác và du khách yêu thích mua để mặc, trưng bày mỹ thuật, hoặc làm quà tặng kỷ niệm cho những chuyến đi khám phá bản sắc đặc trưng Tây Nguyên.
Dưới nhịp chiêng trầm hùng, trước nhà rông, hoạt cảnh tái hiện lễ hội “Cúng lò rèn và cúng giọt nước của người Ba Na” của học sinh ở các trường trên đã nhận được sự cổ vũ nhiệt thành của đông đảo khán giả. Đó là lúc, các em thể hiện sự hồn nhiên, nét ngây thơ của những cô cậu học trò khi hóa thân thành già làng khi gọi Yàng; lúc khác, lại hóa thành anh thợ rèn khỏe khoắn nhóm lửa, dùng hơi thổi bùng ngọn lửa cháy rực sáng, len theo ngọn gió của đại ngàn cuộn chặt từng làn khói thành những dải lụa bất chợt tung lên cao vỡ òa giữa trời xanh; đến tiếng lao xao của những thiếu nữ ra suối đùa nghịch, tung hứng những giọt nước mát đầu nguồn, sau phần nghi thức cúng tạ ơn Yàng đã đưa nước về cho làng…
Gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Sân khấu tại nhà rông Kon Klor ngày một đông. Hòa cùng với tiếng cồng, tiếng chiêng là tiếng vỗ tay khích lệ tinh thần các đội nghệ nhân nhí biểu diễn. Các tiết mục tham gia liên tục nối tiếp, đem đến không gian sôi động, xen lẫn sự thích thú khi được các “nghệ nhân nhí” thể hiện qua điệu hát, múa.
Hòa vào nhịp chiêng, nghệ nhân A Đẹp ở làng Kon Rờ Bàng (xã Vinh Quang) lau vội mồ hôi đọng lại trên trán, khi kết thúc bài tập điệu múa xoang cho nữ sinh ở Trường THCS Trần Khánh Dư và động viên lũ trẻ ra sân khấu biểu diễn.
Ông chia sẻ: Trời thương cho tôi sức khỏe dài dài, thì năm nào cũng đăng ký luyện tập, dạy cho mấy đứa con trai con gái ở làng biết múa xoang, đánh cồng, đánh chiêng. Nhất là mấy đứa con gái, phải luyện cho đôi tay thật dẻo, biết múa đẹp, biết cầm cây kim, con thoi để dệt vải, tự may váy hoa, áo đẹp cho bản thân, người thân, người yêu. Mấy đứa con trai biết làm cây nêu, biết các lễ nghi, bài cúng thần linh, cúng Yàng… Để sau này, dân làng không mai một văn hóa dân tộc.
Đưa con trai đến cổ vũ các bạn biểu diễn tại Liên hoan, chị Nguyễn Thị Thu Trang – phụ huynh em Trần Quốc Đạt đang học Trường Tiểu học Phan Chu Trinh cho hay, bản thân chị và các phụ huynh khác đều ủng hộ ngành GD&ĐT tổ chức hoạt động ý nghĩa này.
Theo chị, mỗi lần tổ chức Liên hoan cồng chiêng múa xoang, nhiều nghệ nhân và thầy cô giáo đã sưu tầm, làm sống dậy không ít tác phẩm văn học dân tộc dân gian. Cũng thông qua mỗi tiết mục biểu diễn của học sinh các dân tộc cùng tham gia đã thắt chặt tình cảm hồn nhiên trong sáng của lứa tuổi học trò.
Ông Trần Việt Hùng – Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum cho hay, 2 năm học một lần, đơn vị tổ chức Liên hoan Cồng chiêng – múa xoang và Hội thi Trang phục dân tộc thiểu số cho toàn thể học sinh ở các trường học trực thuộc tham gia. Năm nay, dù có khó khăn về điều kiện vật chất và thời gian kéo dài gần 1 tháng chuẩn bị, nhưng các trường đã cố gắng mời nghệ nhân địa phương, phân công giáo viên vận động phụ huynh có các em tập luyện, sưu tầm và làm nhiều đạo cụ, phục trang dân tộc khá phong phú, đa dạng.
|
“Tôi thấy tự hào học sinh của mình và có thể nói, không nơi nào làm tốt công tác này bằng môi trường giáo dục, ngoài sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở làng các em. Do đó, khó khăn đến mấy, ngành cũng phấn đấu tổ chức hoạt động trên theo định kỳ đã đề ra, vào dịp kỷ niệm giải phóng tỉnh Kon Tum (ngày 16/3) và ngày thống nhất đất nước (30/4) để tuyên dương, nhân rộng và truyền dạy thế hệ trẻ không quên văn hóa nguồn cội.” - ông Trần Việt Hùng cho biết.
Bài và ảnh: Mai Trâm – Hoài Tiến