Nét đẹp tục kết nghĩa của người Ba Na
Kết nghĩa làm cha (mẹ) con, hay anh (chị) em giữa những người có cùng tên, hoặc kết nghĩa chỉ để trả ơn một ai đó đã giúp đỡ mình trong lúc hoạn nạn, kết nghĩa vì đơn giản thấy quý mến nhau... là một trong những phong tục độc đáo của người Ba Na. Việc kết nghĩa không chỉ làm cho con người gần gũi, gắn bó nhau hơn, mà còn góp phần xây dựng mối đoàn kết, cố kết cộng đồng để tăng thêm sức mạnh…
|
Độc đáo lễ kết nghĩa cha con
Người Ba Na quan niệm, người trong cùng dòng họ, cộng đồng làng hoặc thậm chí trong vùng tuyệt đối không được đặt trùng tên nhau; nhưng nếu vô tình đặt tên giống nhau thì sẽ phải kết nghĩa làm cha (mẹ) con hoặc anh (chị) em tuỳ theo tuổi tác. Những người muốn trả ơn ai đó đã giúp đỡ mình vượt qua những lúc khó khăn, hoạn nạn như ốm đau, nghèo túng; hay cũng có thể chỉ là thấy ngưỡng mộ, quý mến nhau đều có thể kết nghĩa làm cha (mẹ) hoặc anh (chị) em. Để được trở thành những người thân thiết, những người kết nghĩa phải có một lễ kết nghĩa để mọi người trong dòng tộc, cộng đồng công nhận. Trong đó, độc đáo nhất là nghi lễ kết nghĩa làm cha (mẹ) con.
Già làng APik (làng Kon Klor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) kể rằng: Người Ba Na gọi lễ kết nghĩa làm cha (mẹ) là lễ bú vú kết nghĩa. Theo đó, nếu là con trai thì nhận cha, là con gái thì nhận mẹ kết nghĩa. Trước khi làm lễ nhận cha (mẹ) với con, để được người kia đồng ý kết nghĩa với mình, họ phải nhờ người có uy tín trong làng gọi là ông mai đến dò hỏi ý kiến trước. Nếu được đồng ý thì họ sẽ tổ chức một cái lễ để cúng thần linh, mời mọi người đến chứng kiến và công nhận. Bao giờ người nhận làm con cũng phải là người làm lễ trước. Tuỳ theo điều kiện kinh tế của mỗi nhà mà có thể giết gà, heo hoặc bò để làm lễ. Tuy nhiên, không phải cứ có điều kiện là có thể làm lễ to, vì nếu người con mổ heo hoặc bò để làm lễ nhận cha (mẹ) thì sau này cha (mẹ) nuôi sẽ phải chia của cho người con kết nghĩa.
Bà Y Đê vợ của già làng A Pik vẫn nhớ như in cái nghi lễ cách đây hơn 50 năm, khi đó bà còn ở làng Kon Rờ Bàng I (xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) được một người trong làng nhận làm con nuôi. Nghi lễ kết nghĩa diễn ra khá long trọng và mang ý nghĩa rất sâu sắc: sau khi mổ heo, ông mai lấy một chút huyết của con vật hiến tế hoà với một chút rượu cần, cầu khấn thần linh; sau đó, từ từ đổ rượu huyết từ trên vai của người mẹ để nó chảy xuống ngực và bà (người được nhận làm con nuôi) quỳ xuống hứng lấy dòng rượu đó trước sự chứng kiến của mọi người. Điều này có ý nghĩa là bà đã bú sữa mẹ, tức là đã như mẹ con ruột thịt. Khi dòng rượu huyết vừa cạn, thầy cúng tuyên bố kể từ lúc đó, hai người chính thức là mẹ con của nhau, sống chết có nhau, cùng nhau chia sẻ mọi vui buồn trong cuộc sống. Sau phần lễ, mọi người cùng nhau ăn uống, ca hát, chúc mừng cho tình thân mới.
Theo phong tục của người Ba Na, người con kết nghĩa sẽ không được yêu thương hoặc lấy một ai trong gia đình người mình nhận làm cha (mẹ), nếu vi phạm thì sẽ bị phạt rất nặng và bị đuổi ra khỏi cộng đồng làng.
Sau lễ nghĩa của người con một thời gian, người cha (mẹ) nuôi sẽ phải làm một cái lễ lớn hơn đễ ‘trả nghĩa” cho cha, mẹ ruột và dòng tộc của người con nuôi, sau đó sẽ chia cho người con nuôi một chút của như: rẫy hay trâu, bò, gà...
Kết nghĩa để tăng thêm tình đoàn kết
Kết nghĩa làm cha (mẹ) con, hay kết nghĩa làm anh (chị) em, theo quan niệm của người Ba Na thì mục đích cuối cùng là làm cho con người ta gần gũi nhau hơn, yêu thương nhau hơn. Vì thế, việc kết nghĩa không đơn thuần chỉ là mối quan giữa hai người, mà nó mang ý nghĩa đẹp đẽ hơn là để tăng thêm tình đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn, củng cố sức mạnh của cộng đồng dân cư.
|
Anh A Lê Khăm (làng Kon Tum Kơ Nâm, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) cho biết: Người Ba Na thích kết nghĩa với nhau, vì mong muốn qua việc này, cộng đồng sẽ gắn kết hơn và mạnh thêm, gia đình có thêm người thân để làm lụng, cùng bảo vệ tài sản, tính mạng trước thú dữ và thiên tai... Bởi theo luật tục, khi hai người đã trở thành anh (chị) em, cha (mẹ) con kết nghĩa, tức là họ đã trở thành một thành viên của gia đình, dòng họ và rộng hơn là trở thành một thành viên trong cộng đồng; do đó, họ phải có trách nhiệm giúp đỡ, chia ngọt sẻ bùi với nhau trong mọi hoàn cảnh, không được làm điều xấu với nhau, phải sống chết có nhau, nếu không sẽ bị trừng phạt...
Bà Y Đê tiết lộ thêm: Từ lúc làm con nuôi, có thêm một gia đình nữa cũng đồng nghĩa với việc tôi phải thêm trách nhiệm với gia đình mình nhận làm mẹ nuôi. Khi mẹ nuôi già yếu, ốm đau, tôi đến chăm sóc như những người con ruột chăm sóc mẹ; khi trong nhà có việc, chỉ cần mọi người gọi là tôi tới làm. Nhưng bù lại, mọi người cũng đối xử với tôi như một thành viên chính thức trong nhà, khi đi lấy chồng cũng được cho của hồi môn, đến giờ mấy chục năm rồi mà anh em trong nhà vẫn tới thăm nhau.
Ngày nay, việc kết nghĩa làm cha (mẹ) con có phần ít đi, phần vì nghi lễ khá rườm rà, tốn kém; phần vì nó liên quan đến việc chia của cải, nên chỉ có những người cùng tên mà thật quý mến nhau, hoặc không cùng tên nhưng có tình cảm đặc biệt với nhau thì mới kết nghĩa nhau. Nhưng riêng tục kết nghĩa làm anh (chị) em thì vẫn còn khá nhiều. Chỉ cần hai người thấy trân trọng, muốn gắn bó với nhau, không phân biệt tên họ, nam hay nữ, địa bàn hay dân tộc... họ đều có thể kết nghĩa với nhau. Nghi thức cũng đơn giản chỉ với một con gà, ghè rượu và vài người chứng kiến là họ đã có thể trở thành anh (chị) em với nhau... Cái đáng quý là kể từ sau khi kết nghĩa, họ phải có trách nhiệm giúp đỡ nhau, bảo ban nhau làm ăn, bảo vệ nhau để không bị người khác bắt nạt, căn dặn nhau không làm điều xấu với dân làng, với người kết nghĩa của mình...
Cuộc sống thay đổi, người Ba Na cũng đã từng bước biết loại bỏ những tập tục lạc hậu trong đời sống trước đây; tuy nhiên, nét đẹp trong tục kết nghĩa vẫn còn được họ lưu giữ. Đây cũng là một trong những hình thức để người Ba Na hôm nay xây dựng khu dân cư đoàn kết, văn hoá.
Thuỳ Hương