Một tâm hồn thi sĩ
Đến nay, Hoàng Đăng Du đã viết và xuất bản gần 200 bài thơ, không chỉ đăng trên các báo, tạp chí trong tỉnh mà còn đăng trên nhiều báo, tạp chí Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tôi gọi anh là người có tâm hồn thi sĩ.
Tổng Phú Khê xưa thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, sau nhiều lần tách nhập, nay thuộc xã Yên Thành, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Phú Khê nổi tiếng là đất địa linh nhân kiệt bởi có nhiều tài danh giống giòng Nhà Mạc (Mạc Đăng Dung) về đây mai danh ẩn tích nhằm thoát nạn truy sát của danh tướng Nhà Lê Nguyễn Kim sau khi Nhà Mạc thất thủ, đổi Mạc thành Hoàng truyền đời cho đến ngày nay.
Nếu như Mạc Đăng Dung là võ tướng xưng vương, thì sau khi Nhà Mạc thất thủ, con cháu chủ yếu theo nghề dạy học và nghề văn chương. Điển hình gần đây có nhà văn Chu Thiên (Hoàng Minh Giám) với tác phẩm Bóng nước Hồ Gươm; nhà thơ Hoàng Minh Chính với bài thơ Đi học (Hôm qua em đến trường/ Mẹ dắt tay từng bước/ Hôm nay mẹ lên nương/ Một mình em đến lớp...) mọi trẻ thơ đều thuộc. Trong nhiều năm qua, con cháu các cụ đi định cư ở nhiều nơi, trong đó có Nhà báo-Nhà thơ Hoàng Đăng Du mà tôi giới thiệu sau đây.
Nhà báo-Nhà thơ Hoàng Đăng Du là con trai trưởng trong một gia đình nông dân có 6 người con gồm 4 trai, 2 gái; mẹ là cụ Hoàng (Mạc) Thị Hiệp, thuộc lớp hậu duệ nhiều đời của cụ Mạc Đăng Dung.
Năm 19 tuổi, Hoàng Đăng Du nhập ngũ thuộc Sư đoàn 370 Không quân, trực tiếp phục vụ chiến đấu trong chiến dịch giải phóng Campuchia khỏi ách Khơ Me Đỏ, ngày 07-01-1979 và anh được kết nạp vào Đảng ngay sau đó, năm 1980, đến nay đã được 38 năm tuổi đảng.
Là cán bộ tuyên huấn của đơn vị, Hoàng Đăng Du vừa viết bài cho Báo Không quân vừa tham gia Trại viết hồi ký về các anh hùng Không quân, trực tiếp viết hồi ký cho Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị, nguyên Tư lệnh Quân chủng Không quân (nay là Phòng không-Không quân).
Năm 1993, do bén duyên với nghề báo (Hoàng Đăng Du có bài viết trên báo Nam Hà và sau đó là báo Hà Nam Ninh từ rất sớm), anh xin về làm phóng viên, được đề bạt làm Chánh Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh Kon Tum (2000-2005) và sau đó làm Trưởng phòng Hành chính-Trị sự Báo Kon Tum cho đến ngày nay.
|
Thơ Hoàng Đăng Du hay, mộc mạc và dung dị, chủ yếu về đề tài tình yêu quê hương, đất nước, lứa đôi, gia đình... Xuất thân là người lính nên tình yêu Tổ quốc, đất nước đã ngấm sâu vào máu thịt của anh. Anh viết: “…Ta đánh giặc vì ta yêu ruộng lúa bờ khoai/ Yêu mồ mả ông bà/ Yêu bát nước chè xanh/ Yêu những cánh cò/ Yêu tiếng sáo diều ngân nga/ Yêu câu ca dao làn điệu dân ca…” và cũng bởi vì “Ta đánh giặc vì dưới đáy biển sâu/ Xác cụ kỵ cha ông còn đang nằm lại/ Ở trên bờ ta phải làm mộ gió để thắp hương…” (Ta đánh giặc vì tất cả những gì không thể mất).
Hoàng Đăng Du cũng rung động trước cỏ cây hoa lá, cảnh vật quanh mình; anh viết: “Ô kìa một chiếc lá rơi/ Đã đi qua một cuộc đời đấy thôi/ Đã từng nuôi lộc nuôi chồi/ Nuôi cây và đã một thời ngát xanh… (Chiếc lá). Hoàng Đăng Du sống ở Tây Nguyên. Mùa khô ở Tây Nguyên thì vô cùng khốc liệt, bỏng rát trước nắng và gió. Vì lẽ đó, anh viết: “Tôi đem cơn mưa ném vào nương rẫy/ Cho dịu đi nắng và nóng đất này/ Cỏ khô khốc, tiếng chim gù khô khốc/ Gió mênh mang đồng lõa với mặt trời..” và thật lãng mạn: “Con suối nhỏ oằn mình quanh chân núi/ Em từ đâu nhẹ đến bên tôi/ Vồng ngực căng đầy như cánh ná/ Tôi khát mê man giữa vùng đồi..” (Tản mạn trước mùa khô). Đọc bài thơ này tôi cứ băn khoăn không hiểu Hoàng Đăng Du khát gì. Khát một cơn mưa “Cho dịu đi nắng và nóng đất này”, hay khát bởi “Vồng ngực căng đầy”. Thôi thì cái khát nào cũng đẹp, cũng quý, vì giữa mùa khô khốc liệt như vậy, Hoàng Đăng Du “khát mê man” là điều dễ hiểu.
Là người sống xa quê, nghĩa tình với quê hương nên Hoàng Đăng Du luôn đau đáu một nỗi niềm nhớ quê. Anh viết: “Bỗng dưng thèm được về quê/ Nằm nghe tiếng cuốc não nề đầm xa/ Mấy con chẫu chuộc ao nhà/ Tiếng qua tiếng lại như là cãi nhau… (Tiếng quê). Hay như: “Tôi đi mỏi gối chồn chân/ Nhớ quê tôi lại tìm lần về quê/ Dạo quanh giếng nước bờ đê/ Lòng tôi xóa hết bộn bề lo toan” (Về quê).
Hoàng Đăng Du đặc biệt dành những vần thơ tâm huyết để viết về người mẹ của mình. Anh viết: “Nhớ nhiều những lúc cuối chiều/ Bóng mẹ ta đổ liêu xiêu đường làng”, “Ta đi cuối đất cùng trời/ Mẹ là bếp lửa ấm nơi quê nhà” (Nhớ mẹ). Anh viết nhiều về tình yêu lứa đôi, trong đó có nhiều bài về người vợ thân yêu: “À ơi em ngủ cho ngoan/ Ngoài kia đêm đã buông màn từ lâu/ Ru em anh hát đôi câu/ Lời thì chẳng thuộc ơi ầu nghêu ngao”. Và, anh mong một niềm mong muốn giản dị: “ Hãy ngủ ngon nhé em ơi/ Trong mơ hãy nở nụ cười thật tươi/ Hãy mơ về những niềm vui/ Hãy mơ về một cuộc đời bình an… (Lục bát ru em).
Đến nay, Hoàng Đăng Du đã viết và xuất bản gần 200 bài thơ, không chỉ đăng trên các báo, tạp chí trong tỉnh mà còn đăng trên nhiều báo, tạp chí Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tôi gọi anh là người có tâm hồn thi sĩ.
Lê Văn Thiềng