Một bài thơ ý vị về rượu cần
Rượu cần (rượu ghè) là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên. Thơ cảm đề về rượu cần đã có nhiều; trong đó có bài thơ “Rượu cần” của nhà thơ – nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Trọng Tạo. Chúng tôi không nói đây là bài thơ hay nhất về rượu cần, nhưng là bài thơ đã tái hiện một nét sinh hoạt văn hóa rượu cần rất sinh động và thi vị.
Hẳn nhiều người đã biết Nguyễn Trọng Tạo là một nhân vật đa tài nổi tiếng. Ông làm thơ cũng hay, soạn ca khúc cũng tốt, làm báo cũng giỏi, thiết kế bìa sách và vẽ minh họa cũng không thua gì các họa sĩ chuyên nghiệp! Đặc biệt mảng thơ trữ tình của ông đã khiến nhiều người thích, thuộc.
Những chuyến “lang thang” đến Tây Nguyên, Nguyễn Trọng Tạo đã để lại nhiều bài thơ hay về xứ sở này, trong đó có bài thơ “Rượu cần”. Đây là một cách diễn đạt trữ tình và ý nhị về một nét văn hóa ở Tây Nguyên không thể thiếu trong sinh hoạt thường ngày và trong các lễ hội địa phương. Rượu cần vừa là một nét đẹp của lễ tục, vừa là một hình thái giao lưu của những con người tìm đến với nhau trong gắn kết cộng đồng.
Nguyên văn bài thơ:
Cũng liều uống rượu cùng em
Bởi chưng người đẹp lại thêm rượu cần
Cái ghè rượu hóa chứng nhân
Chúng mình mỗi đứa một cần vít cong
Một kan cho má em hồng
Hai kan anh đã vội trồng cây si
Ba kan, đừng bỏ anh đi
Anh buồn, ghè rượu có khi lây buồn
Bốn kan, anh muốn chết luôn
Năm kan - Em đã thúc dồn sáu kan
Đã liều, chết cũng chẳng oan
Bảy kan anh uống, em van anh rồi
Thôi, thì một kan hai người
Hai đôi môi khát một thời tìm nhau
Chín kan, rượu chẳng còn đâu
Còn em hóa rượu - Cúi đầu, anh say!
Chỉ 8 cặp lục bát (16 câu), nhưng bài thơ đã tái hiện sinh động một cuộc uống rượu ghè giữa đôi nam nữ mời nhau trong văn hóa truyền thống.
Cái “duyên” của nhà thơ bắt đầu bằng từ “liều” ở câu mở đầu, nó khiến người đọc có hơi ngạc nhiên một tí, vì nam giới là phe “hay rượu” hơn nữ giới, thế mà sao ở đây một anh đàn ông lại bảo “cũng liều uống rượu cùng em”?
Có thể hiểu: đây là tâm lý của người lần đầu tiên tiếp cận với rượu cần; hình thức và cách uống hoàn toàn không giống gì với cách uống rượu thông thường đã được biết, khiến người uống có hơi e dè, lạ lẫm, nên… liều thử xem sao! Và, cũng có thể hiểu: đây là cách nói chuyện “có duyên” của người nam, kiểu “anh có ngán gì rượu đâu, nhưng vì em mà anh liều uống đấy”! Cách suy diễn này đã “bị lộ” ở câu thứ hai rồi: “Bởi chưng người đẹp lại thêm rượu cần”!
Hai người ngồi đối diện nhau ở hai phía ghè, do vậy chiếc ghè như một nhân chứng cho cuộc gặp gỡ, chuyện trò, giao lưu giữa hai người: “Cái ghè rượu hóa chứng nhân/ Chúng mình mỗi đứa một cần vít cong”.
Và ai cũng biết, cách uống rượu ghè là luôn có một thanh nứa được tước ra và bẻ gập một đoạn nhỏ hình chữ “T” gác trên miệng ghè làm “cữ” để đo và đếm lượng rượu được mời, được uống cho công bằng, gọi là “kan”. Uống ít kan thì say ít, uống nhiều kan thì say nhiều.
Thế cho nên, lúc ban đầu thì là: “Một kan cho má em hồng/ Hai kan anh đã vội trồng cây si…”. - Trời sinh ra vậy, phụ nữ vốn dĩ “má hồng”, huống chi đã có tí hơi men vào thì cái nét duyên ấy càng dễ “làm chết” các đấng nam nhi lắm! Má hồng ấy và những lời mời dịu ngọt mặn mà ấy khiến người đang đối diện vốn dĩ sẵn giống “nòi tình” này không… trồng cây si mới là chuyện lạ.
Và cuộc rượu tiếp tục. Có thể vì yêu cầu của buổi tiếp đón, hay vì nhiệt tình trong gặp gỡ, cô nàng đã dạn dĩ mời anh chàng nhiều kan nữa: “Ba kan, đừng bỏ anh đi/ Anh buồn, ghè rượu có khi lây buồn/ Bốn kan, anh muốn chết luôn/ Năm kan - Em đã thúc dồn sáu kan…”.
Cũng với một kiểu ăn nói “có duyên”, anh chàng sợ cô nàng rời mình, bèn “đổ” cho chiếc ghè sẽ buồn lắm nếu em bỏ đi khỏi đây! Bạn đọc đã bắt đầu thấy rõ cái ý “lém lỉnh”, hoạt ngôn của anh chàng đang dần ngấm rượu!
Đến kan thứ 7 thì anh chàng đã “nổi máu” nam nhi thật sự! Lúc này chẳng còn cái kiểu “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” (Kiều) gì nữa, chàng tuyên bố thẳng thừng: “Đã liều, chết cũng chẳng oan/ Bảy kan anh uống, em van anh rồi!”.
Khi anh chàng “đã liều, chết cũng chẳng oan” thì, dĩ nhiên cô gái làm sao theo nổi “đô rượu” của chàng; chàng bèn hạ giọng… ga-lăng chiều theo người đẹp: “Thôi, thì một kan hai người/ Hai đôi môi khát một thời tìm nhau…”. – Cái “nòi tình” đã hiển hiện rõ trong tình trạng “Sóng tình dường đã xiêu xiêu/ Xem trong âu yếm có chiều lả lơi” (Kiều).
Tứ thơ phát triển đến đây thì gút lại (có lẽ do chàng đã say!). Cái chất tài hoa nhất, trữ tình nhất, đạt “đỉnh điểm” nhất của bài thơ dồn lại ở hai dòng lục bát kết bài: “Chín kan, rượu chẳng còn đâu/ Còn em hóa rượu… Cúi đầu, anh say…”!
Không phải rượu không còn trong ghè, mà lúc này chàng đã ngất ngây, cây si chàng đã mọc rễ, trước mắt chàng không thấy ghè rượu nữa, mà chỉ… còn em!
Bạn đọc tinh ý sẽ thấy: từ kan thứ 7 nhảy sang kan thứ 9, thiếu kan thứ 8 theo thứ tự số đếm! Điều này nói lên rằng hai người còn mời nhau nhiều kan nữa. Tuy nhiên bao nhiêu kan thì cũng chẳng cần nhớ rạch ròi tỉnh táo làm gì, chỉ sực nhớ đến con số 9 là số cuối cùng, số lớn nhất của hàng số nguyên, nên chàng liền “thống kê bừa” theo kiểu ước định, phiếm định, thế thôi!
Hóa ra, đến lúc này, bạn đọc cũng không rõ chàng đã say gì – rượu hay em!
Một bài thơ mang cốt cách đa tình của hồn nghệ sĩ, đồng thời cũng lột tả, tái hiện rất đẹp cái không khí, không gian, cái thần cốt của tập quán rượu cần đồng bào Tây Nguyên, rất sinh động và thi vị.
Tạ Văn Sỹ