Làng Đăk Răng
Không hiện đại, cũng chẳng cổ kính, rêu phong nhưng làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi vẫn thu hút du khách bởi giữ trong mình những nét tinh túy văn hóa truyền thống của người Giẻ Triêng.
Trong ngôi làng nhỏ bé với 120 hộ dân này, du khách tìm thấy sự yên bình từ những con người thật thà, chất phác; được đắm mình trong tiếng cồng chiêng của các đội nghệ nhân; được chiêm ngưỡng những nhạc cụ, trang phục truyền thống dưới mái nhà rông lợp tranh mát rượi; được thưởng thức những món ẩm thực truyền thống và được hòa mình trong tiếng dân ca Giẻ Triêng réo rắt…
Đâu chỉ có du khách mới ấn tượng khi đến với Đăk Răng, ngay cả bản thân chúng tôi, dù đã quá quen với mảnh đất này, nhưng sao, lần nào đến, cảm xúc vẫn nguyên vẹn như thuở ban đầu.
Bước chân vào cổng chào, trên con đường bê tông với những mái nhà san sát mọc hai bên, nhìn ra phía trước, mái nhà rông truyền thống sừng sững tạo cảm giác yên bình đến lạ. Không “tiếng suối reo như tiếng hát xa” cũng chẳng “trăng lồng cổ thụ” nhưng cảnh vật, không gian nhẹ nhàng như xua tan mọi suy nghĩ, lo toan trong cuộc sống bộn bề.
Trưa, đội trưởng đội nghệ nhân nữ - Y Loan đang say giấc trong ngôi nhà nhỏ bên đường. Tiếng gọi cửa khiến chị giật mình, bật dậy. Đôi mắt vẫn đỏ hoe, cay xè nhưng nụ cười đôn hậu đã nở trên môi. Uống vội ngụm nước, chị đon đả: Ban ngày các nghệ nhân đi làm hết rồi. Các em vô bất ngờ quá, chị không có gì tiếp đón.
Để mưu sinh hàng ngày, cũng như bao hộ dân trong làng, chị Y Loan phải toan tính, lo làm cao su, bời lời, trồng mì. Nhưng, chỉ là những lúc nhọc nhằn ngoài đồng, khi màn đêm buông xuống, bỏ qua mọi lo toan, suy nghĩ, chị lại vui với khung cửi, với những tấm thổ cẩm đủ sắc màu.
|
Chỉ vào tấm thổ cẩm chưa hoàn thiện trên khung, chị Loan vui vẻ: Mình làm cho quen cái tay, không quên cái nghề từ ngày xa xưa cha mẹ truyền lại thôi chứ không phải làm để kinh doanh. Bây giờ nhà mình ai cũng có 4-5 bộ đồ truyền thống.
Ở Đăk Răng, đi từ đầu đến cuối làng, hầu như nhà nào cũng có khung cửi, cũng có những tấm thổ cẩm màu sắc. Bởi, dệt thổ cẩm là niềm vui của nhiều phụ nữ Giẻ Triêng nơi này. Như bà Y Ngói, Y Giỏ, Y Pleor, Y Ngân… dù lớn tuổi, mắt đã lờ mờ nhưng ngày ngày vẫn miệt mài bên khung cửi, cọc cạch dệt từng tấm thổ cẩm để may trang phục truyền thống cho các thành viên trong gia đình.
Cũng nhờ vậy mà nơi đây, hầu như người nào cũng có ít nhất 1-2 bộ đồ truyền thống. Đến ngày hội, từ già, trẻ, gái trai đều khoe mình trong những bộ thổ cẩm. Chỉ như vậy thôi, đã thấy được sự gìn giữ tinh túy trong văn hóa; du khách đến cũng cảm nhận được nét riêng biệt, sự lôi cuốn và ấn tượng.
Nằm sát bên tuyến đường Hồ Chí Minh, xe cộ tấp nập, nhạc sống, nhạc trên các phương tiện nghe nhìn phủ sóng khắp từng nóc nhà, nhưng bà con nơi đây vẫn giữ nếp cũ, không âm thanh, loa thùng xập xình mà thành lập 2 đội nghệ nhân để giữ lại tiếng cồng, tiếng chiêng với những điệu múa xoang mềm mại, uyển chuyển.
“Ngày trước, già làng Brôl Vẻ và Bloong Lê vận động bà con mình tập, thành lập đội nghệ nhân. Bao nhiêu năm rồi, đến bây giờ, 2 đội nghệ nhân vẫn duy trì, phát triển mạnh lắm” – chị Y Loan nói.
Không có tiền, cả làng chắt chiu góp tiền, góp thóc mua bộ cồng chiêng để tiếng chiêng cồng vang xa. Trong ngôi làng nhỏ bé, cứ 1 tháng 2 lần, đội nghệ nhân nam, nữ với khoảng 50 người trong sắc phục truyền thống cùng ôn lại những bài múa xoang, cồng chiêng và sáng tác thêm những điệu múa mới, dựa trên âm thanh vang vọng núi rừng.
Hướng đến trẻ hóa đội nghệ nhân, hằng tháng, chị Y Loan – đội trưởng đội nghệ nhân nữ và già A Bê – đội trưởng đội nghệ nhân nam vẫn tập luyện, hướng dẫn các em nhỏ tập cồng chiêng, múa xoang. “Giờ trong đội nữ của mình có đến 10 em từ 21-30 tuổi. Được mình truyền niềm đam mê, các em rất yêu thích và luôn sẵn sàng tập luyện” – chị Y Loan nói.
Với sự truyền dạy đầy nhiệt huyết của các nghệ nhân lớn tuổi, nhiều năm nay, các em nhỏ, thanh niên trong làng miệt mài theo tập đánh cồng chiêng. Bởi vậy, không khó để hiểu khi hai anh em A Trần (21 tuổi), A Trực (15 tuổi) đều đánh thành thạo cồng chiêng. Riêng A Trần còn được nằm trong đội nghệ nhân nam chính, sẵn sàng trình diễn trong các ngày hội của làng, của huyện; giao lưu văn hóa với các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh hoặc ra các tỉnh bạn.
Tết đã qua 3 tháng nhưng dư âm của những ngày xuân như vẫn còn vang vọng với mỗi người dân ở Đăk Răng. Bởi năm nay, khác với những năm khác, trong suốt đêm Giao thừa đến ngày mồng 2 Tết, nhà nhà tưng bừng. Trên đường làng, trong trang phục truyền thống, trai đánh cồng chiêng, gái múa xoang, cả làng vào chúc Tết từng nhà. Tiếng cười nói râm ran trong tiếng cồng chiêng vang dội; uống men rượu cần đậm đà, nhắm miếng thịt chuột, cá muối chua, ai nấy như say trong tình đoàn kết.
Chỉ được nghe kể lại mà lòng cũng hân hoan, phấn khởi như được có mặt trong ngày hội. Trân quý làm sao khi giữa Tết nay bà con vẫn giữ được những điều xưa cũ; tự hào làm sao khi giữa nhịp sống hiện đại, ở ngôi làng ấy vẫn mặc trang phục truyền thống, vẫn nấu cơm lam, uống rượu ghè, vẫn tay trong tay múa xoang trong tiếng cồng chiêng… dưới mái nhà rông bập bùng ánh lửa.
|
Bước từng bậc thang xuống khỏi nhà rông – nơi lưu giữ hồn làng của Đăk Răng, đôi chân vẫn cảm thấy bịn rịn. Ra khỏi làng, trong tai vẫn văng vẳng tiếng đàn ting ning, tiếng sáo trong veo, tiếng đàn t’roan do chính tay già làng Brôl Vẻ làm; vẫn cọc cạch tiếng khung cửi của các chị, các mẹ; đâu đó vọng lại tiếng cồng chiêng dội vào rừng cao su với lời mời gọi: nhớ ghé thăm làng nhé!...
Bình An