Lạc điệu những mái nhà rông
Khó khăn về nguyên, vật liệu: tranh, tre, gỗ…, nên đến nay, gần 30% nhà rông trên địa bàn tỉnh “được hiện đại hóa” bằng những khối bê tông, cốt thép. Trước những ngôi nhà rông văn hóa được lợp tôn nằm thô kệch giữa làng, tiếng cồng chiêng, điệu múa xoang, những bếp lửa bập bùng… dường như mất đi phần hồn vốn có.
Gần 30% nhà rông “hiện đại”
Trước đây, mỗi làng đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố Kon Tum đều có 1 ngôi nhà rông được làm bằng tranh, bằng gỗ, cao sừng sững như một biểu tượng của đại ngàn. Ấy vậy mà giờ đây, ngoài một vài làng ở xã Vinh Quang, Đăk Rơ Wa có nhà rông truyền thống thì ở hầu hết các xã, phường khác chỉ còn lại những ngôi nhà mang dáng dấp nhà rông: vẫn mái lưỡi rìu vươn cao nhưng lại lợp bằng tôn; các trụ gỗ, tường, cầu thang bị thay bằng các nguyên vật liệu: xi măng, bê tông, cốt thép…
Theo số liệu từ Phòng Văn hóa thông tin thành phố, trên địa bàn thành phố hiện có 62 làng đồng bào DTTS; trong đó, 57 làng có nhà rông nhưng có đến 31 nhà rông bị “xi măng hóa”, “bê tông hóa”.
|
Ngôi nhà rông cao sừng sững nằm trong khuôn viên trụ sở UBND xã Ia Chim trông khá thô cứng với mái tôn, trụ đúc bê tông, tường, cầu thang xi măng. Ông Hoàng Nguyên Chiến – Chủ tịch UBND xã Ia Chim cho biết, trước đây, nhà rông này được thiết kế và làm theo đúng mẫu truyền thống với mái tranh, trụ, sàn gỗ… Thế nhưng, đến năm 2015, nhà rông bị hư hỏng, không sử dụng được nên bà con đã làm mới lại.
“Đây là ngôi nhà mang hình dáng nhà rông chứ không còn như nhà rông truyền thống nữa. Chúng tôi vẫn biết thế nhưng vì không có tranh, tre, không có vật liệu nên đành phải làm theo kiểu hiện đại” – Ông Chiến cho biết.
Có riêng gì ngôi nhà rông trung tâm xã, xã Ia Chim có 11 thôn làng, trong đó có 9 làng đồng bào DTTS, nhà rông ở các làng này tất cả đều bị tôn hóa, xi măng hóa. Già A Láo - 87 tuổi ở làng Plei Sar, xã Ia Chim nói rằng, khi nhà rông cũ bị hư, cả dân làng đều mong muốn được làm lại nhà rông truyền thống. Thế nhưng, việc tìm kiếm nguyên vật liệu quá khó khăn nên cả làng đành phải sinh hoạt dưới mái nhà rông với những khối sắt, khối bê tông nặng nề.
|
Tương tự địa bàn thành phố, huyện Sa Thầy có đến 35/38 nhà rông đã bị tôn hóa, bê tông hóa. Ông Trần Văn Tiên – Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện cho biết, ngoài khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu truyền thống thì nhà rông truyền thống rất dễ cháy, hư hỏng nên người dân ở các thôn, làng trên địa bàn huyện thống nhất xây dựng nhà rông theo kiểu bê tông hóa.
Không chỉ làm bằng mái tôn màu, một số làng còn làm bằng tôn trắng. Trưa nắng, mái tôn ở nhà rông chói lóa, tạo cảm giác nóng nực, khó chịu. “Dẫu vậy, đây vẫn là điểm sinh hoạt cộng đồng, diễn ra các lễ hội của bà con nơi đây” – ông Tiên cho hay.
Còn đâu “linh hồn”?
Là người thiết kế ngôi nhà rông hiện tại cho làng Rắc, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy nhưng khi nhìn về phía nhà rông, ánh mắt ông A Dót lại buồn rười rượi. Ông bảo, trước đây, nhà rông trong làng to lắm. Ngày ấy, cả làng phải chung sức kèo cột, đan, bện, trang trí cả tháng trời mới xong được ngôi nhà rông làm bằng tranh, gỗ… Dù mộc mạc, đơn sơ nhưng nhà rông mang hơi thở của đất, hơi thở của đại ngàn. Mùa nóng vào nhà rông rất mát còn mùa mưa, từng giọt mưa thấm vào từng lớp tranh cũng nhẹ nhàng, êm ái.
|
Năm 2011, khi nhà rông cũ bị hư, trong làng đành phải làm nhà rông mới. “Không có tranh, không có tre nên làng mình phải làm bằng tôn, bằng xi măng. Làm thì làm nhưng mình vẫn thích nhà rông truyền thống hơn” – già A Dót bộc bạch.
Ngồi trầm ngâm một hồi, già bảo rằng, mặc dù đến nay các hoạt động văn hóa, hội họp vẫn được tổ chức tại nhà rông nhưng sao trong lòng già không mấy hân hoan. “Dưới mái nhà rông truyền thống, tiếng chiêng mới vang vọng, mới trầm, mới bổng như giữa đại ngàn vậy; bếp lửa mới bập bùng, hiền hòa” – già A Dót trầm ngâm.
Có riêng gì già A Dót, già A HYeu ở làng Lâm Tùng, xã Ia Chim cũng buồn. Già bảo rằng, dù trời có nắng nóng cỡ nào, dưới mái nhà rông truyền thống vẫn “nghe” được hơi thở mát xanh từ tranh, từ tre, từ gỗ. Còn bây giờ, buổi trưa, vào ngôi nhà rông được lợp bằng tôn của làng, cảm giác ngột ngạt, nóng bức. “Trời mưa, tiếng mưa va vào tôn làm ồn đến bưng tai. Dáng dấp nhà rông cũng không mềm mại như trước nữa rồi” – già Hyeu đượm buồn.
Nhà rông là thiết chế văn hóa cổ truyền, là biểu tượng sinh động, đầy kiêu hãnh của các DTTS Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Ấy thế mà nay, những mái nhà rông lợp tôn, cột bê tông cốt thép nằm chơi vơi, thô kệch giữa làng như “một cái xác không hồn”.
“Vẫn biết việc giữ gìn và phát huy nhà rông truyền thống là điều vô cùng cần thiết nhưng trong thời kì đô thị hóa, để có đủ nguyên, vật liệu làm nên một ngôi nhà rông truyền thống vô cùng khó. Mỗi địa phương có thể nghiên cứu, chọn làm một ngôi nhà rông truyền thống. Ngôi nhà rông đấy sẽ là biểu tượng, là điểm để giới thiệu với mọi người, với thế hệ sau về văn hóa nhà rông… Đó cũng là một trong những cách để bảo tồn văn hóa nhà rông” – ông Trương Xuân Nhật – Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết.
Bài và ảnh: Hoài Tiến