Kỳ thú vườn tượng gỗ
Bước chân vào vườn tượng gỗ trong cánh rừng nguyên sinh ở khu du lịch sinh thái Măng Đen (huyện Kon Plông), cảm giác như đang lạc vào khu vườn cổ tích với bao điều hấp dẫn. Sự mộc mạc trong từng nét gọt đẽo tự nhiên trên mỗi bức tượng như gợi lên những điều cổ xưa, cứ thế dẫn khách tham quan khám phá các câu chuyện sinh động về núi rừng, về vòng đời, về sự sinh tồn của vạn vật, cho đến nhịp sống sinh hoạt phong phú của người dân núi rừng Kon Tum.
Là phóng viên báo ảnh, đã từng đi du lịch, tìm hiểu nhiều nơi nhưng chính sự đơn sơ, mộc mạc trong khu vườn tượng đã gợi lên cho chị bạn tôi nhiều ý tưởng, nhiều cảm xúc. Dưới màu xanh mát của cánh rừng nguyên sinh, hàng giờ đồng hồ, chị cứ thế đăm chiêu, ngắm nghía thật kĩ rồi thả hồn mình, tỉ mẩn chụp lại không gian, chụp lại những nét tinh túy, độc đáo trong từng bức tượng. Để rồi, đứng giữa bao la, mênh mông trời với đất, với những câu chuyện ẩn mình trong từng tượng gỗ, chị phải thốt lên rằng: “Quá độc đáo, quá kỳ thú, quá tuyệt vời tượng gỗ Kon Tum!”.
Có riêng gì chị - khách từ Hà Nội đến, ngay bản thân chúng tôi, dù vào vườn tượng đã nhiều lần, nhưng lần nào cũng dạt dào cảm xúc. Chẳng cầu kì, chẳng tính toán chi ly, những bức tượng được đục đẽo bằng tay, bằng rìu của chính đôi bàn tay những nghệ nhân Ja Rai, Xê Đăng, Mơ Nâm, Ba Na… trong các ngôi làng đã thực sự cuốn hút. Và bất kể ai đặt chân vào khu vườn cổ tích với những nét hoang sơ, đầy ý nghĩa này đều mong muốn được khám phá, tìm hiểu.
|
Dưới tán rừng, những bức tượng như vẫy gọi du khách. Mộc mạc thôi nhưng mỗi bức tượng ẩn chứa trong đó hình thái, linh hồn, những câu chuyện diễn ra trong đời sống hàng ngày của người dân nơi đây. Đó là tình yêu thương trong bức tượng mẹ địu con; đó là sự mong cầu hạnh phúc, ấm no, giàu có trong bức tượng con khỉ của nghệ nhân A Hương (người Xê Đăng). Đó là nét mặt trang nghiêm nhưng hiền hòa, gần gũi toát ra từ bức tượng già làng vận động bà con đi làm ruộng, làm rẫy; là nhịp sống sinh hoạt phong phú được tái hiện qua bức tượng cồng chiêng đầy vui tươi của các nghệ nhân đến từ huyện Đăk Hà; là quả bầu đựng nước, là hình ảnh giã gạo, bà con lên rẫy, là đứa trẻ đến trường…
Đâu chỉ thế, bước vào vườn tượng như bước vào một thế giới nội tâm hoang sơ mà sâu lắng như chính những người dân bản địa ngàn năm gắn bó với đất rừng nơi đây. Từ những bức tượng khỏa thân, giao hoan cho đến người mẹ mang thai, đứa trẻ mới lớn lên rồi cả hình ảnh khi về với đất mẹ… chẳng phải đã cất lên tiếng nói của mình về giới hạn đời người, chu trình vòng đời và khát vọng sinh tồn muôn đời của con người nơi trần thế.
Bằng đôi bàn tay khéo léo, chỉ với rìu, đục, những nghệ nhân hồn nhiên thổi hồn vào từng tác phẩm từ những ý nghĩ, quan niệm về quá trình sinh thành con người. Ngôn ngữ gợi tả trên tượng gỗ được khắc họa rõ nét qua từng dáng ngồi ôm gối, dáng đứng, nét mặt trầm tư, chống cằm, sự vui tươi, nụ cười...
Nhìn vào từng bức tượng, cảm xúc có lẽ cũng phần nào thay đổi. Ta như trầm tư trước sự khắc khổ bên bức tượng người đàn ông ngồi chống cằm trước vạn vật; như hạnh phúc khi thấy niềm vui ẩn chứa trên gương mặt của người phụ nữ mang thai; như hân hoan khi thấy sự lạc quan trong những bức tượng hăng say lao động; như đắm chìm trong những điệu nhạc từ những bức tượng đánh ting ning, giã gạo…
Đã từng tìm hiểu nhiều về tạc tượng gỗ, đã từng gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều nghệ nhân, nhưng phải đến đây, trong không gian giữa núi rừng hoang sơ đầy huyền thoại, nằm cạnh thác nước Pa Sỹ hùng vĩ huyền bí, nghe những câu chuyện về tượng gỗ, mới thấm, mới hiểu, mới thấy đầy đủ giá trị của từng bức tượng. Và phải chăng như thế, vườn tượng là điểm nhấn thu hút nhiều du khách tìm đến du lịch, trải nghiệm, khám phá mảnh đất này. Dưới cái ẩm, cái se lạnh của núi rừng, nghe những bức tượng kể câu chuyện về đời sống, về con người, bỗng thấy yêu sao mảnh đất này; yêu lắm sự khoáng đạt, sự mộc mạc trong suy nghĩ, trong đời sống tinh thần, văn hóa của người dân nơi đây.
Tượng dân gian được sống trong không gian của núi rừng, của thiên nhiên mới toát được hết phần hồn của nó, nhưng cũng chính độ ẩm, những cơn mưa, những đợt nắng làm những bức tượng gỗ “đổ sụp” theo thời gian. 100 tượng trong khu vườn tượng, chưa đầy 5 năm, giờ đây còn được vài chục tượng “gồng mình” chống chọi trước mưa gió, côn trùng.
Trong kho tàng văn hóa dân gian, tượng gỗ là một di sản văn hóa độc đáo. Thế nhưng, theo thời gian, nguyên vật liệu chất lượng để làm tượng gỗ cũng dần hiếm; những bức tượng được làm bằng các loại gỗ tạp lại có tuổi đếm bằng ngày, bằng tháng. Đó phải chăng là một trong những khó khăn khiến tượng gỗ mai một dần theo thời gian?
Hi vọng rằng, trong cuộc sống hội nhập hiện đại, trước những khó khăn và thách thức đặt ra, bà con đồng bào các dân tộc thiểu số Kon Tum sẽ giữ mãi và trao truyền lại nét đẹp tạc tượng gỗ dân gian để làm phong phú hơn bề dày văn hóa truyền thống trong văn hóa dân tộc.
Bình An