Kon Plông: Bảo tồn giá trị truyền thống của lễ hội
Đến Kon Plông là đến với vùng đất gắn liền với các lễ hội văn hóa cộng đồng đặc sắc của các DTTS Tây Nguyên. Trong nhiều năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, huyện Kon Plông đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác này gắn với phát triển du lịch sinh thái để xây dựng một trong ba vùng động lực kinh tế của tỉnh.
Trong Tuần lễ Văn hóa - Du lịch lần thứ V năm 2018 vừa qua tại huyện Kon Plông, chúng tôi có dịp gặp lại nghệ nhân dân gian A Nuông gần 70 tuổi, trú tại thôn Kon Chênh, xã Măng Cành.
Sâu nặng với các lễ hội văn hóa dân tộc Xơ Đăng (nhánh Mơ Nâm), ông A Nuông tâm sự: Từ lúc còn rất nhỏ, mình đã theo bố mẹ đến nhà rông tập đánh cồng chiêng, thổi Tà Vẩu, hát dân ca với bà con trong làng. Tiếng trầm bổng của cồng chiêng hay lời ca du dương của những điệu hát vẫn luôn theo mình đến tận hôm nay. Vì thế, mình luôn vận động bà con trong làng thường xuyên sinh hoạt văn hóa, để qua đó lưu giữ, bảo tồn vốn văn hóa quý báu của dân tộc mình.
|
“Nói đến đồng bào DTTS Tây Nguyên là phải nói đến văn hóa sinh hoạt cộng đồng. Bởi chính từ nơi đây đã tạo nên sức mạnh cộng hưởng để người dân chống chọi với thiên nhiên, thú dữ bao đời nay và cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương hôm nay giàu đẹp. Lễ hội còn là nơi để gửi gắm tâm tư, tình cảm lứa đôi, để từ đó xây dựng gia đình ấm êm, hòa thuận” - nghệ nhân dân gian A Uê trú tại thôn Kon Ke II, xã Đăk Long của huyện tự hào.
Ông Nguyễn Văn Hạnh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kon Plông cho biết: Lễ hội là cầu nối của quá khứ với hiện tại, giữ vai trò như sợi dây gắn kết tạo dựng không gian văn hóa, là nơi công chúng đến với lịch sử cha ông, trở về với cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ công ơn người đi trước, cầu mong những điều tốt lành về sau, là nơi mọi người được vui chơi, giải tỏa, bồi đắp, làm giàu thêm những giá trị về mặt tinh thần.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Kon Plông có rất nhiều lễ hội văn hóa đã và đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy có hiệu quả. Trong đó, phải kể đến 9 lễ hội tiêu biểu, như: Lễ hội đâm trâu, lễ làm chuông trâu, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội cúng máng nước, lễ cúng làng, lễ vào nhà mới, lễ chọc tỉa, tết con chuột, tết con khỉ.
Trong những năm qua, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cũng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, tuần lễ văn hóa, ngày hội văn hóa cồng chiêng.
Hàng năm, các đội cồng chiêng, các đội văn nghệ quần chúng từ huyện đến cơ sở đã góp phần khơi dậy và giữ gìn những phong tục tập quán tốt đẹp, đồng thời cổ vũ, động viên bà con quý trọng và phát huy vốn văn hóa truyền thống của mình vào việc xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, bài trừ các tập tục lạc hậu và các tệ nạn xã hội.
Bên cạnh đó, Phòng Văn hóa - Thông tin tiến hành điều tra đời sống văn hóa cơ sở 6 tháng/lần để có kế hoạch bảo tồn và giữ gìn các nhạc cụ dân tộc, như: Cồng chiêng, tà vẩu, đàn brân, hát dân ca, dân vũ, các điệu múa dân gian…
Ngoài những nhạc cụ dân gian đơn sơ làm bằng tre nứa…, toàn huyện hiện còn lưu giữ gần 100 bộ cồng chiêng. Hơn nữa, toàn huyện hiện có 89% dân số là đồng bào DTTS và hầu như đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân chưa bị tác động của các loại hình văn hóa ngoại lai. Vì vậy, các phong tục tập quán, lễ hội truyền thống cơ bản vẫn còn được nhân dân gìn giữ và bảo tồn nguyên trạng, không có tình trạng bỏ rơi lễ hội.
|
Nhờ đó, trong những năm gần đây, đời sống văn hóa cộng đồng của các DTTS trên địa bàn huyện Kon Plông đã được khởi sắc, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, thưởng lãm.
Ông Nguyễn Văn Hạnh cho biết thêm: Để tiếp tục bảo tồn và phát huy có hiệu quả các lễ hội văn hóa của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ hơn nữa vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của các lễ hội truyền thống trong đời sống sinh hoạt cộng đồng gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời thường xuyên tổ chức các lễ hội để làm giàu thêm những giá trị về mặt tinh thần cho nhân dân trên địa bàn huyện. Đặc biệt, quan tâm đến lực lượng nghệ nhân, già làng để khai thác vốn tài liệu quý báu về lễ hội truyền thống từ đời này sang đời khác, đồng thời hỗ trợ xây dựng các dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và hiểu biết cho đồng bào các dân tộc về lễ hội, từ đó thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống của các dân tộc tại chỗ trên địa bàn.
Bài và ảnh: Trần Văn Phúc