Khám phá điểm du lịch Kon Vơng Kia
Buổi sớm, khi mặt trời vừa ló dạng, Y Diang- chủ homestay ở thôn Kon Vơng Kia (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông) đã dậy chuẩn bị bữa sáng cho những du khách đang lưu trú tại homestay của gia đình. Gần 1 năm nay, ngoài công việc đồng áng, Y Diang làm thêm nghề du lịch, bởi thôn Kon Vơng Kia đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều du khách ghé thăm.
Homestay của Y Diang nằm trên sườn đồi bên trong làng Kon Péc, 1 trong 3 làng đồng bào Xơ Đăng (nhánh Mơ Nâm) của thôn Kon Vơng Kia. Đây chính là căn nhà mà gia đình Y Diang sinh sống trong nhiều năm qua và được chị đầu tư cải tạo, nâng cấp vào năm 2023 với số kinh phí hơn 50 triệu đồng. Trong khuôn viên của homestay, gia đình Y Diang trồng loại cây mai anh đào, hoa ngũ sắc, hoa dạ yến thảo, có khu nghỉ ngơi, tổ chức tiệc nướng (BBQ), 2 phòng ngủ đôi và 1 phòng ngủ tập thể (giá nghỉ qua đêm tại các phòng là 250.000 đồng/người).
Vào sáng sớm, khung cảnh cánh đồng lúa đang bắt đầu chín rộ trước homestay của Y Diang rất yên bình, không khí trong lành, mát mẻ. Tại đây, phóng tầm mắt ngắm nhìn những đám mây bồng bềnh bay qua những ngọn đồi phía xa trước mặt và thưởng thức bữa sáng cùng ly cà phê xứ lạnh, du khách sẽ cảm nhận được không gian đẹp đẽ, yên bình và thư thái trong tâm hồn, mọi mệt nhọc của cuộc sống đời thường chợt tan biến.
|
Bữa ăn sáng kết thúc, Y Diang dẫn đoàn du khách đi tham quan cánh đồng lúa, xem người Mơ Nâm lao động sản xuất, tham quan những cây cầu treo bắc qua suối Nước Long chảy ngang thôn Kon Vơng Kia.
Vừa đi, Y Diang giới thiệu về quê hương của mình cho đoàn du khách một cách mạch lạc, trôi chảy, chẳng khác gì một hướng dẫn viên du lịch thực thụ.
Theo Y Diang, thôn Kon Vơng Kia nằm trong thung lũng bằng phẳng và rộng lớn, bao quanh là những ngọn đồi, dãy núi cao. Thôn là nơi định cư, sinh sống lâu đời của 3 làng người Mơ Nâm (gồm Kon Vơng, Kon Kia và Kon Péc). Nhà ở của người dân sống tại các làng đều xây dựng trên sườn đồi, phía trung tâm thung lũng của thôn là cánh đồng lúa rộng hơn 100ha. Tại cánh đồng lúa này, hàng năm, bà con chỉ trồng lúa 1 vụ, thường bắt đầu từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 6. Trên cánh đồng, bà con trồng các giống lúa ST25, Hương Châu 6, Đài Thơm 8, nếp than.
Y Diang còn dẫn đoàn du khách tham quan 3 cây cầu treo của thôn bắc qua dòng suối Nước Long là Kon Péc, Kon Doa và Y Bây, tham gia hoạt động bắt cá, hái rau cùng bà con và tản bộ, tham quan 2 làng còn lại của thôn là Kon Kia và Kon Vơng.
Buổi chiều, Y Diang không quên dẫn đoàn du khách đến “check in” đồi cỏ Ngok Trương ở làng Kon Péc và đồi cỏ Ngok Pơng ở làng Kon Kia, những địa điểm “hot” được nhiều người đến cắm trại, chụp ảnh trong thời gian gần đây.
Đến buổi tối, đoàn du khách được tham gia hoạt động đốt lửa trại, tìm hiểu các nhạc cụ dân tộc, nghề đan lát, xem biểu diễn đánh cồng chiêng, múa xoang và thưởng thức các món đặc sản của thôn Kon Vơng Kia, gồm cá niêng nướng, rau ru ri xào, gà nướng, cơm lam, thịt heo làng nướng, muối tiêu rừng.
|
Y Diang tự hào giới thiệu, thôn Kon Vơng Kia hiện nay có 3 đội cồng chiêng, múa xoang, gồm 2 đội người lớn và 1 đội trẻ em với gần 90 thành viên. Các đội cồng chiêng, múa xoang của thôn ngoài biểu diễn tại thôn cũng hay biểu diễn ở trung tâm thị trấn Măng Đen và các sự kiện văn hóa của địa phương.
“Em đang giới thiệu homestay trên các nền tảng mạng xã hội và nhận khách đặt lưu trú qua website địa chỉ là booking.com. Trong tháng 5 này, vào những ngày cuối tuần, homestay nhà em đã có khách đặt chỗ”- Y Diang vui vẻ trao đổi với du khách.
Ông A Blép- Trưởng thôn Kon Vơng Kia nhận xét, Y Diang là một trong những bạn trẻ trong thôn mạnh dạn đầu tư làm dịch vụ du lịch và đã có kết quả bước đầu. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương và các hội đoàn thể, Y Diang cùng các bạn trẻ, phụ nữ trong thôn được hỗ trợ xây dựng homestay và tập huấn những kiến thức, kỹ năng để làm du lịch cộng đồng.
Thôn Kon Vơng Kia có khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và yên bình. Người dân trong thôn vẫn giữ gìn nét văn hóa, sinh hoạt truyền thống của đồng bào Mơ Nâm như làm nhạc cụ dân tộc, đan lát, đánh cồng chiêng, múa xoang. Chính nhờ những điều này, thôn Kon Vơng Kia có tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển du lịch cộng đồng. Vào dịp nghỉ lễ, ngày cuối tuần, thôn đón nhiều người dân địa phương và du khách đến tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng.
Hiện nay, thôn Kon Vơng Kia có 11 homestay, trong đó, có 8 homestay đã đi vào hoạt động, 3 homestay đang trong quá trình xây dựng. Trong số 8 homestay đã đi vào hoạt động có 5 homestay do người Mơ Nâm trong thôn làm chủ. Thôn còn có 13 hộ dân là thành viên của các đội cồng chiêng, múa xoang ở các làng cung cấp dịch vụ ẩm thực, trải nghiệm văn hóa, tìm hiểu nhạc cụ dân tộc, nghề truyền thống cho du khách.
“Các thành viên trong Ban nhân dân thôn Kon Vơng Kia thường xuyên vận động bà con nhân dân gìn giữ vệ sinh môi trường, cải tạo vườn tạp, chỉnh trang khuôn viên nhà ở, tích cực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chung tay xây dựng hình ảnh gần gũi, thân tình và mến khách để thôn trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách ghé thăm”- ông Blép chia sẻ.
Đức Thành