Khai thác tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa
Tỉnh ta xác định việc phát triển, đa dạng các loại hình, sản phẩm công nghiệp văn hóa gắn với xây dựng, hoàn thiện thị trường, tăng nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa là xu thế tất yếu trong thời kỳ hội nhập để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội bền vững.
Theo đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1184/KH-UBND, ngày 4/5/2017 về “Thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. Qua đó, chú trọng khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có tính trí tuệ, nghệ thuật, sáng tạo và mang nhiều ý nghĩa xã hội nhằm góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Kon Tum, thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút đầu tư trên địa bàn.
Tỉnh dành nhiều nguồn lực, quan tâm phát triển một số ngành có lợi thế, tiềm năng như: Nghệ thuật trình diễn dân gian; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; đồ thủ công mỹ nghệ; du lịch văn hóa sinh thái, tâm linh; dệt thổ cẩm; định hướng, phát triển các ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, phát thanh, truyền hình…
|
Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch cộng đồng, văn hóa- lịch sử trên địa bàn tỉnh tiếp tục khẳng định vị thế. Tỉnh ta đã phát triển và nhân rộng nhiều sản phẩm hiệu quả, tạo môi trường, không gian để quảng bá các sản phẩm, thu hút du khách đến tham quan và tìm hiểu.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng được các cấp chính quyền và ngành chức năng quan tâm tổ chức qua đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần nhân dân và thu hút khách tham quan đến với địa phương để tham quan du lịch và thưởng thức các hoạt động văn hóa đặc sắc của địa phương. Trong đó, ở cấp tỉnh tổ chức Tuần Văn hóa, thể thao và du lịch (2 năm/lần), Liên hoan dân ca - dân vũ, Ngày hội văn hóa các dân tộc (cấp tỉnh và cấp huyện, 2 năm/lần), Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc (3 năm /lần); Liên hoan Cồng chiêng, xoang các dân tộc của 3 cấp (cấp xã, huyện và tỉnh).
Bên cạnh đó, tỉnh ta đăng cai tổ chức và tham gia thành công nhiều đợt liên hoan, hội thi, hội diễn trong tỉnh, khu vực và toàn quốc như: biểu diễn cồng chiêng, tái hiện lễ hội, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, hát dân ca, tổ chức các môn thể thao truyền thống.
Nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào DTTS tại chỗ của tỉnh được ngành VH,TT&DL tỉnh quan tâm khôi phục, bảo tồn. Các di tích, danh lam thắng cảnh được quan tâm tu bổ, tôn tạo đã trở thành những sản phẩm du lịch, văn hóa đặc biệt thu hút ngày càng đông đảo khách du lịch tới tham quan, nghiên cứu, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế tại địa phương.
Toàn tỉnh hiện có 27 di tích được xếp hạng và 29 di tích nằm trong danh mục được kiểm kê; đã khoanh vùng 216 di tích trên địa bàn. Trong đó, hiện đang nâng cấp di tích Nhà ngục Kon Tum thành di tích cấp Quốc gia đặc biệt (đang hoàn thiện hồ sơ); nâng cấp di tích Chiến thắng Đăk Pét, di tích lịch sử văn hóa chùa Tổ đình Bác Ái thành di tích cấp quốc gia và lập hồ sơ xếp hạng khu căn cứ H29; đầu tư xây dựng di tích khu căn cứ Tỉnh ủy thời kỳ 1960 - 1972.
|
Trong lĩnh vực điện ảnh, giải trí, tỉnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, xây dựng các hệ thống rạp chiếu phim có thương hiệu gắn liền với các trung tâm mua sắm, vui chơi, giải trí phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đồng thời, tăng cường thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như: Khu du lịch - đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp giải trí; Trung tâm hội chợ triển lãm; các làng nghề truyền thống gắn với du lịch văn hóa; cải tạo công viên, quảng trường, các địa điểm công cộng gắn với dịch vụ vui chơi giải trí, ẩm thực.
Lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm tiếp tục được tỉnh quan tâm tạo điều kiện phát triển và hoạt động ngày càng hiệu quả. Hoạt động của các đội, câu lạc bộ nghệ thuật quần chúng, bảo tồn di sản truyền thống ngày càng hiệu quả. Đến nay, đã đưa 150 phim tư liệu về văn hóa, các phong trào cách mạng; 35 phim ngắn về các lễ hội trên địa bàn như: Lễ hội ăn trâu của dân tộc Gié-Triêng, lễ hội mừng nhà rông mới của dân tộc Gia Rai, lễ cúng máng nước của dân tộc Xơ Đăng, lễ cầu an của dân tộc Ba Na (nhánh Rơ Ngao) vào khai thác và phục vụ du khách tham quan, các học giả, nhà nghiên cứu và nhân dân trên địa bàn.
Thời gian tới, nhằm khai thác tối đa các yếu tố về văn hóa, giá trị truyền thống để phát triển hiệu quả các ngành, lĩnh vực công nghiệp văn hóa, tỉnh ta xác định đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về công nghiệp văn hóa; tập trung phát triển các sản phẩm tiềm năng gắn với xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển nguồn nhân lực có trình độ cho các ngành công nghiệp văn hóa.
Cùng với đó, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới và phát triển các ngành sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa truyền thống như: quảng cáo, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, in ấn, phát hành; đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các hoạt động sáng tạo, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.
Hoàng Thanh