Hội thảo khoa học thông qua hồ sơ Di tích lịch sử Điện Thánh Mẫu
Sáng 7/11, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học thông qua hồ sơ Di tích lịch sử Điện Thánh Mẫu nhằm tiếp thu ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện hồ sơ, trình UBND tỉnh xem xét, công nhận và xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.
Dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành có liên quan; các cơ quan chức năng của thành phố, phường Quyết Thắng; các nhân chứng, Ban quản sự phụ trách Điện Thánh Mẫu và các hộ dân cư trú xung quanh.
|
Điện Thánh Mẫu (người dân thường gọi là Thiên Y A Na hay Am Bà) có diện tích 242m2; địa chỉ: 08, đường Hoàng Văn Thụ, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum.
Đây là công trình tôn giáo, tín ngưỡng, mang phong cách kiến trúc nghệ thuật thời phong kiến. Công trình có 5 hạng mục chính: cổng tam quan, tiền sảnh, chánh điện, gian thờ vong, sân vườn.
Điện Thánh Mẫu xây dựng theo mô hình bát giác, kiến trúc chồng diềm hai tầng, tám mái; được hình thành từ rất sớm do những cư dân Bình Định đầu tiên lên Kon Tum lập nghiệp từ những năm cuối thế kỷ XIX.
Năm 1925, Điện Thánh Mẫu được Vua Khải Định triều Nguyễn sắc phong “Phong Vi Trang Huy Dực Bảo Trung Hương Thượng đẳng thần chuẩn...”; cặp liễn đối được làm năm Tân Mùi - Niên hiệu Bảo Đại (1931) và nhiều hiện vật bằng đồng có giá trị, góp phần làm phong phú các giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của di tích.
Đặc biệt, hằng năm, tại Điện Thánh Mẫu, cư dân địa phương đã tổ chức Lễ cúng Thượng Ngươn vào Rằm tháng Giêng âm lịch; Lễ rước sắc thần từ Điện Thánh Mẫu về Đình Lương Khế từ ngày 14-16 tháng 2 âm lịch; ngày vía Mẫu (Lễ Giỗ và cúng Thánh Mẫu) vào ngày Rằm tháng 10 âm lịch... Các nghi lễ, lễ hội này đã thu hút hàng trăm người dân và khách thập phương tham dự.
Hội thảo đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến và đề nghị Ban soạn thảo, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉnh sửa lại tên gọi, địa danh, thời gian diễn ra các sự kiện lịch sử, yếu tố văn hóa cho phù hợp với từng thời kỳ; mối liên hệ giữa di tích với cây đa cổ thụ; việc phân vùng khu di tích; hồ sơ cần giới thiệu rõ nét hơn về việc tổ chức các nghi lễ, lễ hội diễn ra tại Điện Thánh Mẫu, mối liên hệ trong tín ngưỡng dân gian giữa di tích Điện Thánh Mẫu và Đình Lương Khế, việc rước sắc phong từ Điện Thánh Mẫu về Đình Lương Khế...
Các đại biểu dự Hội thảo cũng thống nhất đề nghị UBND tỉnh xem xét, công nhận và xếp hạng Điện Thánh Mẫu là Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Tin, ảnh: Quang Định