Hai tiếng thơ nữ trẻ Kon Tum
Hai tiếng thơ nữ trẻ đều là giáo viên dạy tại huyện biên giới. Nếu thơ Hoàng Thị Ngọc Mai chỉ tập trung ở những "bỡ ngỡ lúc giao mùa" thì thơ Phạm Doãn Thị Mãi đã đi vào những tâm tư uẩn khúc và "trải nghiệm"...
1. Những bỡ ngỡ lúc giao mùa
(Đọc tập thơ “Bỡ ngỡ giao mùa” của Hoàng Thị Ngọc Mai, nxb Lao động, 2012)
Hoàng Thị Ngọc Mai đang là cô giáo tại huyện biên giới Ngọc Hồi. “Bỡ ngỡ giao mùa” là tập thơ đầu tay của tác giả trẻ này. Ngọc Mai thuộc thế hệ các cây bút được sinh ra và lớn lên tại đất Kon Tum. Do vậy, nội dung xuyên suốt tập thơ chủ yếu là những cảm nhận, quan sát từ cảnh sắc và cuộc sống nơi vùng quê núi tác giả đang sinh sống.
Đúng như tên gọi, đây là tập hợp những rung cảm đầu đời, từ tuổi thiếu niên sang tuổi thành niên của một tâm hồn đa cảm, là những tâm trạng bỡ ngỡ ấy được gói ghém của cô gái biết tập tành làm thơ từ thuở mười ba, mười bốn. Do vậy, điều dễ bắt gặp nhất của bút pháp biểu đạt ở đây là dấu ấn chưa phai của dòng thơ thiếu nhi và thơ tuổi học trò. Chất đồng dao, đồng thoại hãy còn đậm nét: “Có ai như ả mai vàng/ Ngày xuân chưa về đã nở/ Ai như bác gió lạc vườn/ Giấu hương mê luồn khe cửa”; “Tiếng nước giọt cười vang ống nứa”… Hoặc gượng ép, ngô ngơ: “Bâng khuâng ngại lối tuổi hè/ Sợ mùa phượng khóc đỏ hoe mắt trường” …
Dĩ nhiên bạn đọc dễ dàng đồng cảm với những dấu vết non tơ ấy. Tuy nhiên, rải rác dọc tập thơ, bạn đọc cũng lắm khi phải dừng lại để tấm tắc, tâm đắc trước những câu thơ đẹp. Đây chính là những biểu lộ một khả năng tư duy thơ mới, lạ và riêng của tác giả. Ví dụ biểu đạt ý tưởng tốt: “Hạt giống gieo mùa bừng đất ngọc”; “Cha ra vườn hái lộc/ Cắm mùa vào lọ hoa”… Biểu đạt từ ngữ sáng tạo: “Mẹ cha quay mùa lam lũ”; “Loay hoay quả víu cuối cành”… Biểu đạt hình tượng hay: “Núi nhô đầu núi, đồi chen vai đồi”; “Chung chiêng đầu dốc bờ hoa dậy thì”…
Không yêu cầu nhiều hơn ở một cây bút trẻ với tác phẩm đầu tay; nhưng ở đây tác giả đã hiển lộ một bút lực dạt dào và khoáng đạt. Dạt dào ở khả năng quan sát, cảm xúc, tư duy; khoáng đạt ở ngôn ngữ thể hiện và phong cách cấu trúc thơ.
Hy vọng những tác phẩm sau, khi đã… “sang mùa” – (mùa đời, mùa thơ) – hồn thơ nữ trẻ này sẽ già giặn hơn. Già giặn cảm xúc và ý tưởng, già giặn ngôn ngữ và bút pháp… để có những mùa thơ nhiều chất đời hơn, giàu tính ẩn dụ cần thiết của nghệ thuật thơ ca hơn, như tự sự của chính tác giả ở bài thơ cuối tập: “Hết năm nhìn tờ lịch cũ/ Lòng ta thản thốt bồi hồi/ Thế là mình lên tuổi đợi/ Thêm xa thuở nhỏ chín, mười”…
Vâng, Đang ở vào độ tuổi “nghe lòng phơi phới dậy tương lai” và từng là đại biểu tham dự Đại hội Những người viết văn trẻ toàn quốc do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, Hoàng Thị Ngọc Mai là một khuôn mặt thơ nữ trẻ nhiều kỳ vọng.
2. Ấm nồng như hơi thở…
(Đọc tập thơ “Với tay” của Phạm Doãn Thị mãi, nxb Lao động 2010)
Cùng độ tuổi với Hoàng Thị Ngọc Mai, cùng đang là cô giáo ở huyện biên giới Đăk Glei xa tít, Phạm Doãn Thị Mãi cũng là một tiếng thơ nữ trẻ Kon Tum. Nếu thơ Ngọc Mai chỉ tập trung ở những “bỡ ngỡ lúc giao mùa” thì thơ Phạm Doãn Thị Mãi đã đi vào những những tâm tư uẩn khúc và “trải nghiệm” hơn nhiều.
Phụ nữ bao giờ cũng biểu lộ xúc cảm của mình một cách kín đáo, tế nhị, nhưng lại rất ấm nồng, chan chứa một tình yêu sâu lắng. Điều này bạn đọc dễ dàng bắt gặp trong tập thơ đầu tay “Với tay” này của Phạm Doãn Thị Mãi.
Cũng như bao phụ nữ khác, một Phạm Doãn Thị Mãi giữa đời thường với bao buồn vui, ấm lạnh. Những buồn vui ấm lạnh ấy đi vào thơ như một lẽ thường hằng. Qua thời non trẻ vô tư, gặp phải dòng đời cuộn xiết nhấn chìm bao ước mơ thần tiên cổ tích, người phụ nữ này chới với như kẻ bị hụt đà theo một cái với tay: “Với tay – tay với về đâu/ Nghe cuồn cuộn gió cuốn màu thời gian”!
Bạn đọc tinh ý sẽ thấy ra nguyên cớ của những cái với tay hụt hẫng ấy. Không hiểu sao, những thi tứ, những hình tượng thơ của Doãn Mãi thường là những gãy đứt, hao khuyết, chênh vênh, không tròn trịa: “Lời yêu ai ngỏ/ Giữa chiều chênh vênh/ Gió lùa bất chợt/ Câu yêu chưa thành”, hay: “Anh về mùa chớm lập đông/ Phía xa xa ấy cầu vồng gãy đôi”, hoặc: “Giờ xin trả lại cho anh cùng người/ Trăng chiều đã khuyết, người ơi…”, v.v…
Những nỗi niềm riêng tư như vậy được Phạm Doãn Thị Mãi gửi gắm vào những dòng thơ bình dị mà cứ như một “tuyên ngôn”, một “chân lý”: “Người không duyên phận, người đi/ Ta không duyên phận giữ gì được nhau”!
Bạn đọc cũng không khó khăn để bắt gặp những câu thơ đẹp và buồn như sương khói trong thơ Phạm Doãn Thị Mãi. Ấy chính là những câu thơ có sức lan toả nhập hoà vào sự đồng cảm của bạn đọc. Những câu thơ ấm nồng như một làn hơi thở gũi gần, âu yếm, thân quen.
Sự ấm nồng lan toả của hồn thơ nữ trẻ này không chỉ riêng cho tình yêu trai gái với những góc khuất tâm tình, mà còn được Phạm Doãn Thị Mãi dành cho tất cả quan hệ cuộc trong đời. Đó là nỗi nhớ mênh mang một làng quê cũ, là tình cảm chân tình với đứa em trai, là tình mẫu tử thiêng liêng dành cho đứa con nhỏ dại, là yêu thương lo lắng về mẹ già mong nhớ phương xa, là nỗi vấn vương tình nghĩa bạn bè, là cảm thức công dân nơi một vùng quê biên giới, v.v…
Người ta hay dùng từ “thiên chức” để nói về người phụ nữ. Vâng, người phụ nữ có quá nhiều thiên chức. Nhưng nếu được nói thêm rằng làm thơ cũng là một cách để thể hiện cái thiên chức dịu hiền, sâu lắng đầy ý vị, vị tha của những tâm hồn phụ nữ, thì với tập thơ mỏng mảnh đầu tay này Phạm Doãn Thị Mãi đã thực hiện được vẹn tròn cái “thiên chức” ấy.
Thơ Phạm Doãn Thị Mãi nghiêng về truyền thống, ít có những bức phá, tung tẩy như những cây bút cùng thời. Nhưng, xin hãy tạm gác chuyện luận bàn nghệ thuật thi ca, thì đây đang là một bàn tay nhỏ dịu dàng vẫy gọi, dìu đưa bạn đọc vào cõi tâm tình.
Tạ Văn Sỹ