Giữ chiêng
Qua rồi cái thời “chảy máu” cồng chiêng, nay bà con ở các làng, các xã đã biết giữ gìn và nhất quyết không bán cồng, chiêng dù với bất kì giá nào.
Chúng tôi đến nhà anh A Điểu (42 tuổi) ở làng Ba Rờ Gốc, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy – người duy nhất trong xã có cồng chiêng. Trong ngôi nhà cấp 4, anh A Điểu vui vẻ lấy ra 2 bộ cồng chiêng, dàn ra nhà rồi khoe: 2 bộ chiêng này có mặt ở tất cả các lễ hội của làng, của xã đấy. Nhờ 2 bộ chiêng này mà những lễ hội, phong tục vẫn được giữ gìn.
|
Cả xã Sa Sơn có tất cả 3 thôn người Kinh và 1 làng Ba Rờ Gốc người dân tộc Ja Rai. Chính vì vậy, bao nhiêu năm nay, mỗi khi trong làng, trong xã có lễ hội, bộ cồng chiêng nhà anh Điểu lại ngân vang khắp núi rừng.
Trong 2 bộ chiêng, có 1 bộ chiêng Lào gồm 3 cồng, 8 chiêng và 1 bộ chiêng Hoăn gồm 12 cồng, 8 chiêng. Bộ chiêng Lào đã “cổ” lắm rồi bởi nó được qua nhiều thế hệ cha ông và anh A Điểu giữ cho đến ngày nay. Còn bộ chiêng Hoăn được anh mua vào năm 2008. Anh cho biết, ngày trước trong làng không có cồng chiêng để đánh nên đám ma, lễ hội rất tẻ nhạt. Thấy vậy, anh luôn nung nấu ý định mua 1 bộ cồng chiêng.
“Năm 2008, thấy có người rao bán cồng chiêng qua làng, sẵn vừa mới thu hoạch, mình lấy luôn 45 triệu đồng để mua bộ cồng chiêng này. Hồi đó 45 triệu đồng lớn lắm nhưng gia đình ai cũng đồng ý để mình mua bởi tiền đi nhưng văn hóa còn. Từ lúc mình mua bộ cồng chiêng này, bà con dân làng mới giữ được nhịp chiêng; trong những lễ hội mới giữ được những nét truyền thống vốn có” – anh A Điểu nói.
Nếu như A Điểu là người duy nhất trong làng Ba Rờ Gốc giữ được chiêng thì già A Ram ở làng Chốt lại nổi tiếng nhất thị trấn Sa Thầy về bộ sưu tập chiêng quý. Trong ngôi nhà sàn, chiêng quý được già A Ram để riêng biệt ở một gian nhà. Dắt khách đến kho, già A Ram giới thiệu: đây là bộ chiêng Honh 18 lá chiêng, bán ra 60 triệu đồng. Kia là bộ chiêng Lào 2 lá chiêng cũng 60 triệu đồng.
"Hai bộ chiêng này của ba mẹ mình truyền lại, là kỷ vật truyền đời của nhà mình đấy. Đây là chiêng Pôm 150 triệu đồng và đây là bộ chiêng đặc biệt - chiêng Pát, giá trị còn cao gấp chiêng Pôm kia” – già Ram nói.
Nói về bộ chiêng Pát, già A Ram liền kể, có một lần đi mua bán chiêng bên tận Campuchia, ông để ý trong một gia đình họ hàng xa có chiêng này. A Ram hỏi mua, người họ hàng xa nọ liền bảo: "Mày không mua nổi nó đâu!" và hơn nữa, họ cũng không muốn bán chiêng quý này. Quyết có bằng được bộ chiêng quý, trong chuyến sau, khi sang nhà họ hàng nọ, A Ram đổi luôn 3 con trâu mộng (theo lời ông, giá trị cũng 50 triệu đồng/con) và chồng tiền mặt 100 triệu đồng. Khi ấy, già A Ram mới mang được bộ chiêng quý về đến giờ.
Theo lời già A Ram, chiêng này quý bởi núm chiêng có hai lớp và vành chiêng dày hơn và khác biệt với các loại khác. Người ta còn dùng vật "bạt" núm chiêng này từ gốc đến đỉnh núm chiêng cho láng bóng, óng ánh. Già A Ram nói rằng, chiêng Pát của mình phục vụ tất cả các lễ hội, đám tang trong làng. Mỗi khi đánh lên, chiêng ngân vang hết đồi nọ đến làng kia và đặc biệt trong đêm thanh vắng, đứng xa 5km nó có thể nghe thấy tiếng chiêng này cao vút lên, hay và khác biệt so với tiếng chiêng thường khác.
Nếu như trước đây ở các làng, các xã có hiện tượng “chảy máu cồng chiêng”, thì nay, không những không bán, người dân còn đi mua về thêm. Ông Trần Văn Tiên – Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Sa Thầy nói rằng, từ năm 2012 đến nay, số lượng cồng chiêng trong huyện không biến đổi về số lượng. “Đến nay cả huyện có tất cả 443 bộ cồng chiêng, trong đó tại xã Rờ Kơi và Mô Rai người dân giữ rất nhiều chiêng quý và nhất quyết không bán với giá nào” – ông Tiên nói.
Cũng như các huyện khác, theo thống kê từ năm 2015, người dân Ngọc Hồi còn giữ 84 bộ chiêng: chiêng Tha, chiêng Lào, chiêng Goong… “Ngoài của tổ tiên để lại, đa số các bộ chiêng đều do người dân tự mua. Qua công tác tuyên truyền, đến nay người dân đã ý thức giữ gìn và mua thêm cồng chiêng” - ông Hoàng Huy Quyền - Phó phòng Văn hóa thông tin huyện Ngọc Hồi cho biết.
Theo lời ông Quyền, chúng tôi vào nhà ông Thao Pâm ở làng Đăk Mế, xã Bờ Y. Dù cha mẹ không để lại cồng chiêng nhưng với mục đích bảo tồn văn hóa cồng chiêng, ông đã mua và giữ gìn 2 bộ chiêng Tha.
“Với người Brâu mình, chiêng Tha là vật thiêng. Trước đây nhiều người không biết mới đem chiêng đi bán chứ nay thì không đâu. Mình mua 2 bộ chiêng này để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc đấy” – ông Pâm nói.
Hay với người dân tại xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, dù đời sống kinh tế còn khó khăn nhưng bà con nơi đây vẫn không đổi những bộ chiêng của mình để lấy bất kì giá trị vật chất nào. Với họ, những bộ cồng chiêng mang giá trị tinh thần to lớn, họ tự hào giữ gìn như vật báu.
Như gia đình bà Y Kíp, ở làng Kon Go I, thôn 2 đang giữ bộ cồng chiêng với 3 cồng, 6 chiêng. Bà Kíp kể rằng, bà không biết bộ cồng chiêng này bao nhiêu tuổi, bà chỉ biết rằng, “vật báu” này được vợ chồng bà mua từ những ngày trước giải phóng. “Hồi đó đói khổ lắm, cơm ăn bữa đói bữa no nhưng vợ chồng mình đã đổi 2 con heo để lấy bộ cồng chiêng này đấy. Nhiều người vào hỏi mua lắm nhưng mình nhất quyết không bán” – bà Kíp nhớ lại.
|
Không chỉ riêng bà Kíp, đến nay, trên địa bàn xã Đăk Pne có đến 40 hộ có cồng chiêng; một số hộ còn giữ 2 bộ chiêng. Theo lời người dân nơi đây, ngày trước cũng có nhiều người vào làng hỏi mua cồng chiêng nhưng “lực bất tòng tâm” vì chỉ nhận được cái lắc đầu của bà con. “Ai cũng nói không có chiêng cả, có người còn đem chiêng ra nhà đầm (nhà ở ngoài rẫy của bà con – pv) để giữ cho khỏi mất chiêng. Nhờ vậy, trong làng, trong xã mới còn nhiều cồng chiêng như vậy” - anh Nghin - Xã đội trưởng xã Đăk Pne nói.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhiều người dân vẫn quý và trân trọng những giá trị của cồng chiêng. Với họ, giờ đây cồng chiêng như chính vật báu trong gia đình, ai nấy đều cố gắng gìn giữ, truyền, dạy để tiếng cồng chiêng mãi ngân vang, ngân xa.
Bình An