Ghi ở Kon Plông
Từ trung tâm thành phố Kon Tum, chúng tôi lên xe máy chạy dọc theo Quốc lộ 24 về Khu Du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông) khoảng chừng 55 km. Tháng 5 mùa này, khi đi qua đoạn lưng chừng hai bên đường lên đèo Măng Đen, chúng tôi bắt đầu có cảm giác mát lạnh, người nhẹ tênh, bay bổng như hòa vào tầng mây bay thấp bồng bềnh, ẩn hiện...
Đến Măng Đen trong những ngày tháng 5 này, du khách sẽ được ngồi hóng mát xung quanh các hồ nước: Toong Đam, Đăk Ke, Toong Ly, Toong Zơ Ri, Toong Pô, Toong Ziu, Toong Leng và ba ngọn thác: Pa Sỹ, Đăk Pne, Đăk Ke gắn liền với truyền thuyết thần Pling đã tạo ra những thác, hồ huyền diệu này. Đặc biệt, ở đây, hoa liễu rủ trông như những chiếc lồng đèn buông lững lờ bên các bờ hồ lấp lánh với ánh mặt trời dậy muộn.
Đến Kon Plông, bắt đầu từ chân đèo Măng Đen, chúng ta thấy mênh mông là rừng với các loại cây của vùng nhiệt đới. Nhưng đến lưng chừng đèo, phần lớn là các loài cây như cây dẻ hoa nở trắng nõn nà, chúm chím trên những ngọn cây thoảng mùi thơm dịu ngọt. Và khi lên đến bình nguyên Măng Đen đúng theo nghĩa đen của nó là vùng đất rộng và bằng phẳng, chỉ thấy toàn là rừng thông mênh mông xanh ngắt với mùi nhựa thông tỏa ra nồng nàn, khi đến gần có cảm giác ấm áp, lâng lâng.
|
Anh Võ Kim Thạch - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Vào khoảng tháng 5 này, khí hậu vùng Kon Plông luôn mát mẻ, sáng sớm và chiều tối có chút se se lạnh, nhưng đây chính là mùa của các loại hoa đua sắc nở rộ khắp các khu rừng. Đẹp nhất vẫn là những cánh phong lan đủ màu sắc khêu gợi với những nụ hoa sim tim tím hương thơm ngát một vùng.
Nếu ở lại qua đêm với Măng Đen, du khách sẽ có dịp lựa chọn các căn biệt thự vừa hiện đại, vừa cổ kính ẩn hiện trong sương, trong ngút ngàn thông reo vi vút. Các biệt thự này phần lớn mang tên các loài hoa như: Hoa Hồng, Lan Rừng, Hoa Sim… hay mang tên biểu tượng của Măng Đen đó là Đồi Thông… Ở đó, du khách sẽ tận hưởng một không gian tĩnh mịch về đêm với giấc ngủ say mềm hương hoa của núi rừng ban tặng. Nếu dừng chân nghỉ lại trong những đêm trăng đầy, hay trăng khuyết, thì ánh trăng sẽ làm cho du khách thêm lãng đãng, mộng mơ, nhớ lại một thời quá vãng ngây thơ để yêu thêm cuộc sống bây giờ.
Du khách sẽ được ăn các món ăn dân dã của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây như: cơm lam được nấu từ gạo nếp trồng trên các nương rẫy ngâm lẫn với lá dứa, nên khi ăn chúng ta cảm giác như có vị thơm của núi rừng hoang hoải. Ăn cùng với cơm lam không chi ngon bằng thịt gà nướng than khi được chính bàn tay của các cô sơn nữ ướp với các loại gia vị như: tiêu rừng, mật ong rừng, sả rừng, các loại lá rừng… nên khi ăn du khách thấy the the đầu lưỡi rồi mới ngấm đượm vị ngọt và béo của thịt gà được bà con dân tộc thiểu số nơi đây nuôi tại chỗ. Hoặc du khách có thể thưởng thức món thịt heo quay săn chắc, thơm ngon, béo giòn, ăn nhiều không ngán, bởi heo được bà con dân tộc thiểu số nơi đây nuôi dưỡng bằng các nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương.
Măng Đen còn là nơi có các món ăn được chế biến từ các loài cá đặc sản nước ngọt sinh sống dưới các lòng sông suối có khe đá, rong rêu với khí hậu mát lành như: lăng, lóc, leo cây, chình, bống… và sau này có thêm các loài cá di thực nữa như: tầm, hồi… Các loại cá này, mỗi khi nướng trên bếp than hồng, hay nấu lẩu, kho tộ… được ướp thêm gia vị của núi rừng Măng Đen, thì hương vị của nó bốc lên thơm ngát, đồng thời là nguồn bổ dưỡng cho con người.
Ngoài ra, Măng Đen còn có các món ăn truyền thống dân dã khác của đồng bào dân tộc thiểu số như: thịt trâu tươi, thịt trâu khô nướng vỉ than, măng rừng chua, bắp chuối rừng, cà đắng và các loại rau rừng như rau dớn, rau dền, rau tàu bay, lá lốt...
Và, khi thưởng thức các món ăn nói trên, thì ngon nhất vẫn phải uống cùng với rượu cần do dồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chưng cất, ủ men. Bởi chỉ có chất men từ các lá rừng được bàn tay của bà con tìm hái, thì chất liệu men ủ mới thơm ngon khi được ủ với gạo nếp, với gào… tạo nên một vị cay nồng, khi uống nghe dìu dịu, nhưng ngấm rồi rượu mới say lâng lâng hòa trong tiếng cồng chiêng miên man giữa núi rừng mênh mang, cô tịch.
Đến với Kon Plông cũng là đến với các lễ hội của người dân tộc tại chỗ như: lễ hội giọt nước, lễ hội ăn lúa thừa, lễ hội ăn mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu mừng nhà rông mới, lễ hội bắn ná, lễ làm chuồng trâu... Đây là những lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ được phát huy, bảo tồn và qua hàng trăm năm tồn tạo và phát huy gìn giữ.
Trong không khí se lạnh giữa đại ngàn Măng Đen hùng vĩ, ngồi bên bếp lửa hồng, nếu du khách được nghe các già làng hát giao duyên, được nghe kể chuyện sử thi, hoặc được hòa mình vào âm vang của tiếng cồng, tiếng chiêng và những điệu múa xoang trong các mùa lễ hội kéo dài thâu đêm suốt tháng, du khách sẽ hóa thân để trở về với núi rừng hoang sơ mà gần gũi, mênh mang mà ấm áp tình người.
Nhớ một lần tôi dẫn các bạn từ các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh đến Măng Đen thưởng ngoạn. Cảm giác đầu tiên choáng ngợp đối với họ là không khí mát mẻ như đang ở trong phòng máy lạnh. Cảnh đẹp thiên nhiên thì hùng vĩ, thơ mộng. Dừng chân nơi này chỉ có một ngày, nên ai cũng không muốn nghỉ ngơi nhiều, mà rủ nhau leo thác, lội ghềnh, thả bộ quanh các hồ ngắm nhìn các cặp uyên ương ngồi câu cá trên chiếc ca nô dập dềnh trên mặt nước lặng lờ, yên ả.
Có lần tôi ở lại Măng Đen, ngồi nhâm nhi chén trà Ô Long ấm nóng tại Nhà hàng Lan Rừng, dưới cái ánh trăng vàng tháng ba mùa con ong đi lấy mật, anh Đặng Thanh Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông thong thả kể cho chúng tôi nghe rất nhiều chuyện về phát triển kinh tế - xã hội vùng cao Kon Plông, chuyện xây làng, lập ấp tại công trình Thủy điện Thượng Kon Tum… Nhưng tất cả các câu chuyện mà anh kể vẫn không ngoài vấn đề phát triển du lịch ở Măng Đen.
Bây giờ, Khu Du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen chính thức là điểm khởi đầu của tuyến du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên”, được kết nối với tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung” và “Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh” để hình thành nên tuyến du lịch xuyên quốc gia. Theo đó, trong thời gian không xa, Măng Đen sẽ sớm hoàn thiện để trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách muốn tìm đến với cảm giác thư thái, thanh bình.
Kon Plông hôm nay đã có nhiều công trình du lịch mới mở. Như cánh cửa của tương lai rộng đến chân trời, Kon Plông được thiên nhiên ban tặng và cùng với sức vóc của con người dựng xây nên những vườn rau hoa xứ lạnh, những thác ghềnh tuôn chảy ngày đêm, những lòng hồ tĩnh lặng vun vén cho những đôi tình nhân, những nốt nhạc trầm tư khi chuông chùa Khánh Lâm đồng vọng, những lời thánh ca của Khu tượng Đức Mẹ, những réo rắt tiếng chim khi chiều về rủ nhau tìm tổ ấm… Tất cả đều sẽ là điểm tựa cho Kon Plông vững bước trong nay mai trên con đường phát triển du lịch.
Trần Văn Phúc